Theo dõi trên

Sẵn sàng ứng phó với dịch cúm

14/06/2018, 08:45

BT- Gần đây, xuất hiện chùm ca bệnh cúm tại Bệnh viện Từ Dũ. Sau đó, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận và đang điều trị 1 bệnh nhân quê Bình Thuận nhiễm cúm. Để biết rõ về tình hình bệnh này cũng như cách phòng ngừa, phóng viên Báo Bình Thuận đã trao đổi với bác sỹ Hoàng Văn Hùng (Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm  - Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh)

Thưa bác sĩ, tình hình bệnh cúm xảy ra tại Bình Thuận như thế nào?

Tính đến ngày 11/6, toàn tỉnh ghi nhận 1 ca nhiễm cúm đang điều trị tại bệnh viện tuyến cuối (TP.HCM) trên nền bệnh kèm theo bệnh tiểu đường. Đến nay, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân qua cơn nguy kịch và tương đối ổn định. Với trường hợp tại khoa nhi Bệnh viện đa khoa tỉnh, là bệnh nhân 4 tuổi sống tại TP.HCM đi du lịch cùng cha mẹ tại chùa Hang trong khoảng từ ngày 8 - 10/6. Sáng 10/6, nhập viện trong tình trạng da tím tái toàn thân, nổi vân đỏ, suy hô hấp nặng, có triệu chứng nghi ngờ bệnh cúm. Sau gần 1 giờ tích cực cấp cứu, nhưng bệnh nhân không qua khỏi. Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP.HCM để xác định mắc cúm hay bệnh khác. Mặt khác, phòng điều trị cho bé đã được xử lý khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm khách du lịch trên cùng chuyến xe với cháu bé, cũng như hướng dẫn cách phòng ngừa. Nói chung, 2 trường hợp trên được tổ chức giám sát theo quy định.

Bác sĩ cho biết bệnh lây truyền và cách phòng ngừa trong cộng đồng là gì?

Bệnh cúm A/H1N1 là cúm mùa thông thường, chỉ diễn biến nặng đối với những người có bệnh mãn tính. Bệnh lây trực tiếp từ người sang người, qua đường hô hấp, nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi; nhất là dễ lây lan ở những nơi tập trung đông người như nhà trẻ, trường học, bệnh viện, khu vui chơi… Người có dấu hiệu bệnh cúm sốt trên 38oC, đau cơ, khớp, họng… nên đến cơ sở y tế điều trị; không tự ý uống thuốc Taminflu khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Tại các trường học, giáo viên và nhân viên y tế trường học phải theo dõi phối hợp ngành y tế để các ngăn ngừa  tránh lây lan.

Với biện pháp dự phòng không dùng thuốc như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng; người có bệnh mãn tính kèm theo, người già, trẻ em, thai phụ hạn chế đến nơi tụ tập đông người; đeo khẩu trang khi tiếp xúc người bệnh, giữ khoảng cách trong vòng 1m hạn chế lây lan, tay che vào miệng khi hắt ho... Tuy nhiên, biện pháp hiệu quả để phòng bệnh cúm là tiêm vắc xin. Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên được tiêm. Mũi 1 và mũi 2 cách nhau 1 tháng, 1 năm sau tiêm mũi 3 (trẻ dưới 5 tuổi). Người lớn tiêm nhắc 1 lần/năm, khi chủ động tiêm phòng cúm, tránh được bội nhiễm.

Trung tâm đã chuẩn bị ứng phó ra sao nếu xảy ra dịch cúm trên diện rộng?

Chúng tôi sẵn sàng ứng phó với dịch cúm, Trung tâm Y tế tuyến tỉnh phối hợp tuyến huyện theo dõi sát tình hình các ca bệnh có dấu hiệu ban đầu để đề ra cách xử lý, phòng ngừa tránh lây lan cộng đồng. Các trung tâm, bệnh viện cũng có kế hoạch chuẩn bị đủ vật tư, cơ số thuốc để không bị động khi bệnh nhân phải nhập viện đông. Bên cạnh đó là kế hoạch đón tiếp, phân luồng, cách ly bệnh nhân, đảm bảo không lây chéo để giảm thấp nhất biến chứng, đặc biệt là hạn chế tối đa các ca tử vong.

Trang Minh (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sẵn sàng ứng phó với dịch cúm