Theo dõi trên

Chuyện xin - cho điểm

06/06/2017, 08:48 - Lượt đọc: 30

BT- Năm học 2016 - 2017 đã kết thúc, nhìn lại chặng đường một năm dạy và học, bên cạnh những thành tích dạy và học đáng khích lệ, vẫn còn đâu đó những chuyện không vui, chẳng hạn chuyện xin - cho điểm cuối năm học.

Ảnh minh họa

Sau khi thi học kỳ 2 xong là thời điểm rộn ràng chuyện xin điểm. Trò A học khá giỏi, điểm bình quân được xếp loại giỏi nhưng bị khống chế điểm ở môn nào đó, phụ huynh đến năn nỉ giáo viên để xin điểm, nếu thuận lợi thì ngay sau đó em A sẽ được xếp loại giỏi. Tương tự, trò B gần đủ điểm để lên lớp, hay trò C có nguy cơ lưu ban…đều có thể diễn ra chuyện xin điểm.

Người “nhón tay làm phúc” (cho điểm) chính là giáo viên bộ môn. Còn người đi xin điểm thường là phụ huynh, có khi là giáo viên chủ nhiệm lớp đi xin dùm, thậm chí đôi khi là sự “can thiệp nhẹ nhàng” của Ban giám hiệu. Mục đích cuối cùng của chuyện này là để nâng tỉ lệ học sinh khá giỏi, giảm tỷ lệ học sinh yếu kém và lưu ban.

Nhiều người trong ngành giáo dục cho rằng đó là sự “linh động” cần thiết khi kiểm tra và đánh giá xếp loại HS trong bối cảnh mà các em đã phải học rất nhiều môn, mà môn nào cũng không hề nhẹ nhàng. Nếu làm căng quá thì cuối năm sẽ chẳng tìm đâu ra học sinh giỏi và học sinh lưu ban sẽ không còn chỗ để học?

Cho đến nay, chuyện xin điểm, cho điểm vẫn đang tồn tại ở hầu hết các trường học  cho dù cuộc vận động “hai không” vẫn được quán triệt trong nhà trường ngay từ đầu mỗi năm học.

Nguyên nhân tồn tại của “cơ chế” này thì rất rõ: Phụ huynh vui vì con em mình có thành tích học tập cao, giáo viên vui vì uy tín bộ môn của mình được nâng lên, Ban giám hiệu vui vì có những con số tròn và đẹp để báo cáo lên trên, còn các cấp quản lý cao hơn thì hài lòng vì cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ và chỉ tiêu trên giao… Kết cục của câu chuyện giáo dục này hàng năm là “vui cả làng”.

Hệ quả của “cơ chế” trên thì nhiều người biết nhưng không phải ai cũng dám nói ra, đó là HS của chúng ta ngày càng lười học. Các em thiếu động lực để phấn đấu, thiếu mục tiêu và điều kiện để tự lực vươn lên trong học tập. Việc học của nhiều em đã được “người lớn” bảo hộ.

Ban giám hiệu nhiều trường hay than vãn chuyện HS cấp dưới chuyển lên học yếu quá. Nhưng đến cuối năm học, hầu như trường nào cũng ra sức hạn chế HS cuối cấp ở trường mình phải lưu ban. Câu chuyện luẩn quẩn này cứ diễn ra chưa có hồi kết…

Đằng sau “cơ chế” ấy không gì khác hơn là bệnh thành tích vẫn còn rất trầm kha. Thay vì chấp nhận thực trạng, từng bước cải thiện điều kiện dạy học, tạo điều kiện cho tất cả HS phát huy hết khả năng của mình… thì nhiều người vẫn cứ thích những con số tròn và đẹp trong báo cáo.

Mong rằng những người có trách nhiệm và có tâm với sự nghiệp giáo dục địa phương sẽ có những giải pháp thiết thực để đẩy lùi thực trạng nói trên.

G.V



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện xin - cho điểm