Theo dõi trên

Xung quanh tình trạng “chảy máu” chất xám ởbệnh viện đa khoa Bình Thuận

20/02/2019, 08:42

BT- “Làn sóng” bác sĩ ở bệnh viện công xin nghỉ việc để chuyển ra làm tại bệnh viện tư đang có xu hướng gia tăng. Tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Bình Thuận, những năm gần đây hiện tượng bác sĩ bỏ việc đang gây áp lực không nhỏ cho công tác khám chữa bệnh của đơn vị. Hầu hết các bác sĩ sẵn sàng đền bù các khoản đào tạo để được chuyển công tác.

Theo lãnh đạo Sở Y tế, từ năm 2017 đến nay, có 9 bác sĩ xin nghỉ việc đã được giải quyết gồm 2 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 2 thạc sĩ, 2 bác sĩ răng hàm mặt, 3 bác sĩ đa khoa; có 5 bác sĩ, dược sĩ mới tốt nghiệp thuộc diện đào tạo theo địa chỉ sử dụng xin nghỉ việc nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đa số các bác sĩ xin nghỉ việc vì lý do sức khỏe không đảm bảo, hoàn cảnh gia đình khó khăn, neo đơn, cha mẹ già yếu, hợp thức hóa gia đình. Thực tế, sau vài năm công tác ở bệnh viện công, nhiều y, bác sĩ có chuyên môn giỏi đều có ý định nhảy việc. “Làn sóng” này sẽ gây áp lực không nhỏ cho lãnh đạo bệnh viện, cũng như nỗi lo thiếu hụt bác sĩ là điều khó tránh khỏi.

Hiện nay, BVĐK tỉnh có 843 công chức, viên chức, người lao động; trong đó có 135 bác sĩ, số còn lại là điều dưỡng, kỹ thuật viên y và viên chức, người lao động khác. Về cơ cấu biên chế, theo Thông tư liên tịch số 08/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ, đến nay, riêng bác sĩ, BVĐK tỉnh còn thiếu khoảng 62 biên chế, chưa tính viên chức ngạch y tế khác. Theo lãnh đạo bệnh viện, tuy còn gặp khó khăn về nhân lực, nhưng tập thể công chức, viên chức người lao động của bệnh viện đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thời gian qua, bệnh viện đã chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, phục vụ nhân dân. Năm 2018, bệnh viện cử đi đào tạo sau đại học 4 bác sĩ, tim mạch can thiệp 1 bác sĩ; đào tạo ngắn hạn từ 3 tháng đến 1 năm: 21 bác sĩ, điều dưỡng; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn: 116 bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng. Bên cạnh đó, bệnh viện quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế thiết yếu và hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Đồng thời, thực hiện việc sắp xếp, bố trí, phân công công việc phù hợp theo nguyện vọng đối với bác sĩ mới ra trường, xây dựng quy chế để hỗ trợ phần nào cho các bác sĩ mới có hệ số lương thấp, tạo điều kiện thuận lợi để các bác sĩ phát huy năng lực chuyên môn. Bên cạnh số bác sĩ xin nghỉ việc, trong năm 2018, có 11 bác sĩ mới tốt nghiệp có nguyện vọng và được tiếp nhận về công tác tại BVĐK tỉnh.

Theo lãnh đạo Sở Y tế,  BVĐK tỉnh có thiếu bác sĩ theo quy định chung, có bác sĩ xin nghỉ việc, nhưng cũng có nhiều bác sĩ có nguyện vọng và được nhận làm việc tại bệnh viện. Nếu dư luận cho rằng có hiện tượng “chảy máu” chất xám trong thời gian qua tại BVĐK tỉnh, làm ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh thì chưa phản ánh đúng thực tế tình hình nhân sự và hoạt động chuyên môn tại đơn vị. 

 Thực tế là vậy, nhưng hàng năm có khoảng 50% số bác sĩ đào tạo theo địa chỉ của tỉnh lại muốn dứt áo ra đi và chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh cũng chưa đủ hấp dẫn để thu hút bác sĩ ở những nơi khác. Vậy, theo lộ trình đến năm 2020, phải cần thêm 200 bác sĩ nữa mới đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong tỉnh, liệu có khả thi?

M.Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xung quanh tình trạng “chảy máu” chất xám ởbệnh viện đa khoa Bình Thuận