Theo dõi trên

Vì sao trung tâm Manta hoạt động trong xập xệ? 

20/03/2019, 08:49

BT- 10 năm sau thành lập, thì hết 7 năm tiếp khách quốc tế và đào tạo học viên dưới mái tôn xập xệ của ngôi nhà lấm lem bùn đất. Từ sự cố tràn bùn của một dự án lân cận, dẫn đến vụ kiện bồi thường kéo dài, mà trung tâm không được phép sửa chữa, trong niềm mong mỏi đưa thuyền buồm “cất cánh”. 


Bài 2:   Cần sớm giải quyết để thuyền buồm “cất cánh”

 Sự cố tràn bùn và giải quyết kéo dài

Trong quá trình thi công dự án Sentosa Villa (trên đồi cát phía bên kia đường Huỳnh Thúc Kháng đối diện trung tâm Manta), Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn (SGI) đã gây ra sự cố tràn bùn nhiều lần và lần nặng nhất là đêm 3/10/2012, sau một trận mưa lớn. Bùn cát từ công trình của dự án tuôn xuống như thác, phá hủy tường bao quanh trung tâm huấn luyện thuyền buồm Manta - MANTA Sail Training Centre (trung tâm Manta), tràn vào trụ sở làm việc làm hư hỏng nhiều tài sản có giá trị, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh. Sau sự cố, trung tâm Manta có yêu cầu Sở Xây dựng tỉnh đến kiểm tra và dự án này đã bị đình chỉ thi công vì chưa có giấy phép xây dựng đã san nền, làm đường giao thông, làm hệ thống thoát nước. Yêu cầu SGI phải có giải pháp đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận trong quá trình thi công xây dựng nhất là không để tràn bùn cát sang khu vực của Manta.

Nếu như hai bên có cách giải quyết hợp lý thì sự việc đã không phải ra tòa, trung tâm Manta có trụ sở khang trang, thuận lợi cho việc phát triển. Nhưng ngược lại, theo đơn khởi kiện ra Tòa án TP. Phan Thiết của trung tâm này đối với SGI, và các văn bản liên quan khác thì SGI không chịu bồi thường thiệt hại cho Manta với nhiều lý do như giá bồi thường cao, do thiên tai… Mặc dù lúc ấy, Manta mong muốn giải quyết nhanh chóng chỉ với giá bồi thường 1,5 tỷ đồng. Hòa giải nhiều lần bất thành, ngày 22/9/2014, trung tâm Manta chính thức khởi kiện SGI ra tòa. Khi đã ra tòa thì mọi việc phải rõ ràng, Tòa án Phan Thiết yêu cầu Manta thẩm định tài sản thiệt hại. Theo sự chỉ định của tòa, Công ty Giám định độc lập Đồng Nam (TP. Hồ Chí Minh) thẩm định, kết quả số tiền SGI phải bồi thường cho Manta lên đến hơn 3,4 tỷ đồng.

Vụ án kéo dài suốt 6 năm trải qua nhiều lần ra tòa, với 3 đợt thay đổi thẩm phán. Luật sư Trần Trung Nghĩa, thuộc đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh, đại diện theo ủy quyền của giám đốc Manta cho biết, mỗi lần thay đổi thẩm phán như vậy lại phải mất thời gian làm quen để thụ lý vụ án… mỗi người có một quan điểm khác nhau. Tôi hy vọng thẩm phán hiện nay sẽ giải quyết sớm.

Chừng ấy năm kiện ra tòa cũng là khoảng thời gian trung tâm Manta hoạt động trong ngôi nhà xập xệ. Theo một số văn bản liên quan đến vụ kiện, trung tâm này có xin chính quyền địa phương sửa chữa mái che trong khuôn viên phía mặt biển để tiếp khách, gồm các đoàn đại diện từ Hiệp hội Thuyền buồm quốc tế ISAF, Hiệp hội Đua thuyền Việt Nam, Ủy ban Olympic Quốc tế, Ủy ban Olympic Việt Nam và bảo quản tài sản (thuyền buồm), nhưng đều bị từ chối.

 Mong sớm quan tâm và tạo điều kiện

Trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan không biết khi nào vụ việc được giải quyết để ổn định nơi làm việc, tránh tổn thất thêm, trung tâm Manta đã làm đơn kiến nghị gửi đến Báo Bình Thuận với mong muốn tìm cách giúp đỡ. Cụ thể, đơn viết: Suốt 6 năm qua, SGI đã chối bỏ mọi trách nhiệm, tìm cách trì hoãn giải quyết vụ việc bằng cách không xuất hiện theo các lệnh triệu tập của Tòa án nhân dân TP. Phan Thiết, không phản hồi các đơn gửi chính thức... thay đổi nhiều lần thẩm phán. Bà Julia Caroline Shaw - người sáng lập và Giám đốc điều hành trung tâm Manta cho biết, chỉ mong sự việc được giải quyết sớm vì đối với bà việc đem nhau ra tòa là điều bà không mong muốn… Hơn nữa bà không phải là người dân bản địa.

 Trao đổi vấn đề này với một lãnh đạo Tòa án nhân dân TP. Phan Thiết, vị lãnh đạo này cũng thừa nhận vụ án đang trong quá trình tiến hành xét xử. Còn nó kéo dài, có thể có lý do tạm đình chỉ trong quá trình giải quyết.

Những gì tận mắt chứng kiến trong hơn 1 tháng tìm hiểu, khi viết bài báo này, chúng tôi không khỏi trăn trở bởi hình ảnh những đoàn đại diện từ các hiệp hội thể thao trong và ngoài nước, du khách quốc tế, các em học sinh quốc tế đến trao đổi, tập luyện môn thể thao này dưới ngôi nhà xập xệ. Trong khi, Bình Thuận đang ra sức phấn đấu đến năm 2020, sẽ trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia. Bà Julia Caroline Shaw là người rất có tâm huyết phát triển thể thao biển ở Mũi Né, vì uy tín của bà và sự quen biết, giao tiếp rộng với giới chơi thể thao biển trên thế giới, nên việc nhanh chóng xử lý vụ án bồi thường, cũng như tạo điều kiện để trung tâm được sửa sang khang trang là điều cần thiết.

Lê Ninh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao trung tâm Manta hoạt động trong xập xệ?