Vì sao thanh tra doanh nghiệp vẫ
Vì sao thanh tra doanh nghiệp vẫn nhiều và chồng chéo?
BTO- Cách đây 3 năm, trước tình trạng doanh nghiệp phản ánh có doanh nghiệp 1
tháng bị thanh tra 3 lần, có doanh nghiệp bị thanh tra 10-12 lần/năm... ngay
trong chiều ngày 17/5/2017 khi đang chủ trì buổi họp mặt với doanh nghiệp tại
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành
Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh, kiểm tra doanh nghiệp.
Quan điểm chỉ đạo của Chỉ thị 20 là trong một năm không thanh tra doanh nghiệp
quá một lần, hoặc kiểm toán quá một lần. Cộng đồng doanh nghiệp cả nước rất phấn
khởi bởi người đứng đầu Chính phủ đã lắng nghe và giải quyết rất nhanh chóng,
quyết liệt, để tạo môi trường làm ăn thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
 |
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh.
Ảnh: Đ.Hòa |
Nhưng đi vào thực tế, để chấm dứt tình trạng thanh, kiểm tra doanh nghiệp chồng
chéo, trùng lặp lại không hề đơn giản. Ở Bình Thuận mới đây tại Hội nghị "Cải
thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và lãnh đạo
tỉnh đối thoại với doanh nghiệp, nghe báo cáo tình hình khó khăn trong sản xuất
kinh doanh do Covid 19", thì một trong các nguyên nhân làm giảm điểm, giảm bậc
PCI 2019 của Bình Thuận là: "Công tác thanh, kiểm tra còn nhiều và trùng lặp, số
giờ cho mỗi cuộc làm việc với thanh tra, kiểm tra thuế tăng 4 lần so với năm
2018".
Theo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đánh giá: Công tác thanh, kiểm tra doanh nghiệp
của các sở - ngành chuyển biến khá tốt. Việc thanh, kiểm tra có kế hoạch và được
thông báo công khai cho doanh nghiệp. Qua kiểm tra đã chấn chỉnh, hướng dẫn
doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên cần có sự phối hợp
giữa các ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, hạn chế số lượng
kiểm tra doanh nghiệp trong năm. Kế hoạch thanh, kiểm tra doanh nghiệp cần ghi
rõ ngày, giờ thanh, kiểm tra, không ghi khoảng thời gian để doanh nghiệp chủ
động sắp xếp, không phải chờ đợi, thụ động...
Liên quan đến tình trạng thanh, kiểm tra còn bị chồng chéo, trùng lặp, tại Hội
nghị nêu trên, Thanh tra tỉnh đã có ý kiến:
Với chức năng quản lý nhà nước của ngành thanh tra, thanh tra tỉnh đã chủ động
phối hợp với các ngành, các cấp, các địa phương tập trung thực hiện việc điều
phối các cuộc thanh, kiểm tra hàng năm của tất cả các sở, ban, ngành và UBND
huyện, TX, TP trước khi các cơ quan, đơn vị ban hành quyết định phê duyệt kế
hoạch thanh, kiểm tra (riêng thực hiện điều phối trong các năm 2019 và 2020,
Thanh tra tỉnh đã đề nghị điều chỉnh giảm 29 cuộc và thay đổi thời gian tiến
hành thanh tra 25 cuộc). Việc thực hiện điều phối đã hạn chế tình trạng trùng
lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh, kiểm tra về mặt thời gian, tạo môi trường
thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên trên
thực tế tình trạng thanh, kiểm tra vẫn còn chồng chéo, trùng lắp đã làm ảnh
hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.
Nguyên nhân của việc kiểm tra nhiều lần tại cùng một doanh nghiệp chủ yếu là các
cuộc kiểm tra ngắn ngày (dưới 1 ngày) thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau (phòng cháy
chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, thực hiện pháp luật về lao
động). Mặc dù các cuộc kiểm tra đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp
luật, việc kiểm tra đều căn cứ theo kế hoạch thanh, kiểm tra đã được phê duyệt,
các cuộc kiểm tra đều có thông báo để doanh nghiệp sắp xếp chuẩn bị, nhưng việc
triển khai nhiều cuộc kiểm tra tại một doanh nghiệp đã phần nào ảnh hưởng đến
hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Bên cạnh đó, mặc dù luật thanh tra quy định nhiệm vụ của thanh tra tỉnh là chủ
trì xử lý việc chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra
giữa thanh tra cấp sở, giữa thanh tra cấp sở với thanh tra cấp huyện, nhưng đến
nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn xử lý chồng chéo trong kế hoạch thanh tra hành
chính và thanh tra chuyên ngành.
Theo Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định không
thanh, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên để chấp hành quy
định trên thì hiện nay trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn trong việc thực hiện
việc phối hợp để thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành, trong đó vừa có nội dung
thanh tra, vừa có nội dung kiểm tra nên khó thực hiện theo quy trình về thanh,
kiểm tra; một số ngành, lĩnh vực theo quy định phải kiểm tra thường xuyên hoặc
định kỳ hàng quý hoặc đột xuất theo quy định của ngành (như phòng cháy chữa
cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, thuế, hải quan...).
Hiện nay, Thanh tra tỉnh đã có kiến nghị với Thanh tra Chính phủ hướng dẫn nội
dung, trình tự, thủ tục xử lý chồng chéo trong kế hoạch thanh, kiểm tra đối với
các đoàn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành được quy định tại Luật
Thanh tra năm 2010; hướng dẫn thực hiện nội dung Chỉ thị số 20 /CT-TTg của Thủ
tướng Chính phủ để việc xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh, kiểm
tra đối với doanh nghiệp đạt hiệu quả.
Tại Hội nghị sơ kết công tác thanh tra 6 tháng đầu năm vừa qua, Chánh Thanh tra
tỉnh Trần Văn Hải đã yêu cầu cắt giảm đến mức thấp nhất các cuộc thanh, kiểm tra
đối với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh
doanh, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid 19.
Khôi Nguyên