Theo dõi trên

Ước nguyện người lính

22/04/2019, 08:17

BT- Hàm Liêm - vùng đất anh hùng, một thời chìm trong lửa đạn bây giờ khoác áo mới, dấu vết chiến tranh với những hố bom năm xưa đã lùi vào quá khứ nhường chỗ cho những vườn thanh long tươi tốt. Đồn Tân Nông giờ đã xanh nhưng ký ức về một thời “vào sinh ra tử” vẫn vẹn nguyên, đau đáu nỗi niềm của người lính Trung đoàn 812… 

                
   Bia Tân Nông bị che khuất bởi vật liệu xây    dựng.

Lời hứa thời bom đạn

Mỗi lần đến thắp nén nhang tưởng niệm 27 anh hùng liệt sĩ tại vùng đất lửa Tân Nông, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Tám không khỏi bùi ngùi xúc động tưởng nhớ đến các đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi lòng đất Mẹ. Con đường từ trụ sở UBND xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc) đến ngã rẽ vào bia tưởng niệm Tân Nông tại thôn 2 được láng nhựa phẳng lỳ. Hướng tầm mắt ra xa, thấp thoáng sau những đống cát, sỏi chính là bia tưởng niệm 27 anh hùng liệt sĩ. Có hẹn từ trước, nên vừa bước vào khuôn viên bia tưởng niệm Tân Nông, tôi thấy CCB Nguyễn Văn Tám đứng lặng với nét mặt trầm ngâm. Hồi lâu sau, ông đưa tay chỉ về ngôi mộ nằm lọt thỏm giữa những đống cát sỏi rồi kể cho tôi nghe câu chuyện cách đây tròn 50 năm. “Đêm ấy, tôi biết tin Tiểu đoàn đặc công D200C cùng với Tiểu đoàn 840 (Trung đoàn 812) phối hợp đánh đồn Tân Nông do Mỹ mới lập tại xã Hàm Liêm. Khi mũi 1 đảm nhiệm hướng chính yếu của tiểu đoàn đặc công áp sát lớp hàng rào cuối cùng thì ở vòng ngoài, bộ đội địa phương bị địch đi tuần phát hiện. Hỏa lực địch từ trong đồn bắn ra, cùng với pháo từ các nơi khác bắn chi viện khiến hầu hết cán bộ, chiến sĩ mũi 1 hy sinh. Các mũi khác rút ra kịp thời. Trong trận đánh đêm đó, Tiểu đoàn đặc công D200C hi sinh 17 đồng chí và lực lượng bộ đội địa phương hy sinh 10 đồng chí, đều không lấy được xác. Được biết sau đó, Mỹ đã cho đào một hố to cách đồn Tân Nông khoảng 200-300m về hướng Tây Bắc, tập trung xác và các phần thi thể của các đồng chí đã hy sinh rồi chôn chung. Hầu hết các liệt sĩ hy sinh đều quê ở miền Bắc, có 2 liệt sĩ là người Bình Thuận…”- ông Tám bùi ngùi nhớ lại. Đối với ông Tám, có lẽ chưa bao giờ ông quên nỗi đau khi nghe tin các đồng đội của mình đã hy sinh vào đêm 12/1/1969…

Trưa. Mặt trời lên cao, ánh nắng mỗi lúc một gay gắt hơn, câu chuyện ông kể thường xuyên bị ngắt quãng bởi khóe mắt ông Tám đã nhòe đi. Hồi ấy, đồng đội ông vào chiến trường còn quá trẻ, mang trong tim nhiều hoài bão và khát vọng hòa bình. Một thời “vào sinh ra tử”, ông Tám luôn nhớ đến những đồng đội “súng bên súng, đầu sát bên đầu” ở Trung đoàn 812 với mình đêm trước, đêm hôm sau đã hy sinh. 50 năm trôi qua, mặc dù không trực tiếp tham gia chiến đấu vào đêm định mệnh ấy nhưng câu chuyện vẫn hiện diện như một niềm đau chưa bao giờ vơi đối với ông Tám. Trò chuyện với người lính già Trung đoàn 812, nghe lời tâm sự về những hy sinh, mất mát thật xúc động. Trong những ngày chiến đấu ác liệt, ông và đồng đội Trung đoàn 812 đều tự hứa với lòng mình: “Ngày đất nước hòa bình, thống nhất, nếu còn sống, nhất định sẽ quay trở về đồn Tân Nông. Bởi chính nơi đây, đồng đội ông đã nằm lại mãi mãi không về”. Hàng chục năm qua, ông Tám cùng một số đồng đội thường xuyên về thăm chiến trường xưa như lời hứa thời bom đạn. Không riêng gì ông, các CCB của Trung đoàn 812 canh cánh một tâm nguyện thiết tha là sẽ dựng bia tưởng niệm tại đồn Tân Nông.  

Tâm nguyện hoàn thành

Sau ngày giải phóng, thực hiện chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”, đi tìm hài cốt liệt sĩ, xã Hàm Liêm phối hợp cùng các đơn vị quy tập hài cốt liệt sĩ đào tìm nhưng không phát hiện được. Mãi đến năm 2012, cũng nhờ có thông tin từ ông Nguyễn Văn Minh - xã Hàm Kiệm, Hàm Thuận Nam (nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công D200C), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp với chính quyền, nhân dân xã Hàm Liêm và những cựu quân nhân Tiểu đoàn đặc công D200C (thuộc Quân Khu 6 cũ) đưa máy đào đến thôn 2 khoanh vùng tìm kiếm.  Không phụ lòng người, sau bao nỗ lực, cuối cùng đoàn đã phát hiện được hố hài cốt tập thể có dép lốp, mũ tai bèo… Từ đó xác định đây là hài cốt các liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh ngày 12/1/1969. Tuy nhiên, vì là mộ tập thể nên không thể xác định được xương cốt của từng đồng chí mà dựa trên 27 hộp sọ rồi chia các bộ phận khác bốc được thành 27 phần, tương ứng với 27 liệt sĩ, sau đó long trọng tổ chức đưa về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh an táng.

                
   Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tám. Ảnh: K.Hằng

Trong niềm vui của đồng đội và người thân liệt sĩ, vẫn còn đâu đó những vương vấn nỗi lòng, mặc dù mộ đã được bốc nhưng chưa hẳn đã hết… Từ đó, các đồng đội và nhân dân địa phương đã kiến nghị đến chính quyền các cấp xin xây một ngôi mộ chung tại nơi bốc cốt và tạc một bia tưởng niệm ghi tên những cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh đặt trong nhà bia tưởng niệm. Đây là ý tưởng mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, tưởng nhớ các liệt sĩ đã hi sinh, là hình ảnh trực quan giáo dục cho thế hệ trẻ. Đến cuối năm 2015, chính quyền các cấp đã thống nhất tiến hành xây mộ và lập bia tưởng niệm. Nhà bia tưởng niệm hoàn thành đúng tâm nguyện. Khi bia được xây xong, đoàn hành hương các tỉnh phía Bắc, Quân Khu 7 nhiều lần đến đây. Mỗi bước chân, lời nói đều khe khẽ, nhẹ nhàng bởi ai cũng thấu hiểu rằng, dưới lớp cỏ xanh tươi là bao chiến sĩ nằm lại - trở thành một phần lịch sử của quê hương Bình Thuận. 

Ước nguyện của người lính

Bia tưởng niệm Tân Nông vừa mới thực hiện xong chưa được bao lâu thì đến tháng 3/2016, ông Bảo An, công dân xã Hàm Chính đến xây dựng cơ sở sản xuất gạch block tại khu vực này. 2 năm qua, cơ sở sản xuất gạch đã che khuất mất cảnh quan cũng như sự tôn nghiêm khu bia mộ 27 liệt sĩ. Nơi thờ cúng, tưởng niệm 27 liệt sĩ vốn còn đơn sơ, nay lại bị che khuất. Từ con đường trải nhựa liên thôn xã Hàm Liêm đến khu tưởng niệm chỉ dài chừng 200m nhưng cũng gập ghềnh đất đá. Đứng bên cạnh ông nhưng ánh mắt ông luôn hướng về ngôi mộ nằm lọt thỏm giữa đống cát, sỏi như đang hướng về một thời bom đạn. Mấy năm qua, không chỉ riêng ông Tám, mà những ai đã một lần đặt chân đến đây đều đau đáu một niềm trăn trở: đến bao giờ, những liệt sĩ nơi đây mới được yên nghỉ yên bình dưới những hàng cây rì rào gió mát!. “Bây giờ điều chú mong mỏi nhất là gì?” tôi hỏi. “Là một người từng tham gia kháng chiến, chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh nên thâm tâm tôi luôn nghĩ về các liệt sĩ đã ngã xuống. Bia tưởng niệm đã có, giờ đây, chúng tôi mong muốn cảnh quan xung quanh bia tưởng niệm thông thoáng, đường đi rộng rãi với nhiều cây xanh…” – ông Tám trải lòng.

Mang theo tâm tư đến gặp Chủ tịch UBND xã Hàm Liêm Lê Thanh Cường, ông nói rằng phía xã ghi nhận những bức xúc của CCB, người dân địa phương và đã kiến nghị lên huyện để giải quyết. Ông Cường cũng khẳng định với tôi rằng việc sử dụng đất nông nghiệp làm đất chuyên dùng để chứa vật liệu sản xuất gạch của cơ sở Bảo An là trái phép. Việc làm này không những làm mất cảnh quan cũng như sự tôn nghiêm của bia tưởng niệm mà hơn thế, quá trình sản xuất gạch còn gây tiếng ồn, bụi, cát đất ngổn ngang phía trước bia tưởng niệm Tân Nông được chính quyền xây dựng. Thời gian qua xã đã vận động cơ sở Bảo An chỉnh sửa, xây hàng rào, dọn dẹp đảm bảo mỹ quan trước bia mộ. Thế nhưng về cơ bản mỹ quan xung quanh bia tưởng niệm Tân Nông vẫn chưa thông thoáng. Trước tình hình trên, huyện Hàm Thuận Bắc đã ra quyết định xử phạt hành chính và buộc cơ sở Bảo An khắc phục, trả lại hiện trạng ban đầu. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục kiến nghị lên huyện với mong muốn được cho chủ trương quy hoạch phần diện tích quanh bia tưởng niệm làm khu quảng trường. Về phía cơ sở Bảo An cho biết, vì sản xuất gạch block không hiệu quả nên đã ngưng hoạt động từ cuối năm 2018 nhưng có sử dụng để làm bãi chứa vật liệu xây dựng. Sắp tới, cơ sở Bảo An sẽ chấm dứt sự việc này, đồng thời bày tỏ mong muốn sẵn sàng hiến thêm đất để trồng cây xanh nhưng phải có sự thương lượng.

Hàm Liêm bây giờ đã mướt một màu xanh. Bia tưởng niệm nào cũng được xây dựng khang trang, có người chăm sóc, hương khói cho liệt sĩ, ai cũng yên lòng. Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ, mong rằng chính quyền địa phương cần sớm có phương án đảm bảo mỹ quan thông thoáng và quy hoạch phần diện tích quanh bia tưởng niệm làm quảng trường. Để mãi mãi đồn Tân Nông trở thành nơi gắn bó nghĩa tình, nơi hội tụ của tình quân dân cùng các anh linh liệt sĩ. Giờ đây, mỗi lần đến thăm bia tưởng niệm, ông Tám lại ngâm bài thơ “Đồng đội tôi” với nỗi niềm đau đáu:

“Gió vẫn dịu dàng ru

Cây xõa bóng mát che từng khuôn mặt

Những chàng trai tuổi hai mươi đánh giặc

Khắc tên mình vào dáng núi, hình sông”…

Phóng sự của thu hà



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ước nguyện người lính