Theo dõi trên

Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội

20/04/2021, 10:43 - Lượt đọc: 510

BT- Chương trình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 – 2020, là chương trình tổng hợp thuộc lĩnh vực KHCN nhằm tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức, các đối tượng kinh tế tập thể, doanh nghiệp từ việc đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho đến hỗ trợ xây dựng các mô hình mẫu trực tiếp cho các đối tượng của chương trình để làm cơ sở nhân rộng kết quả trong thực tiễn sản xuất và đời sống. 

Tăng giá trị hàng hóa nông sản

Trong giai đoạn 2016 - 2020, chương trình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ (chương trình) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được áp dụng, người dân đã áp dụng những kiến thức được đào tạo vào thực tiễn sản xuất. Thực tế cho thấy, tại các huyện: Tuy Phong, Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam... diện tích trồng rau theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, rau thủy canh, trồng các giống rau, quả mới, chất lượng cao, kháng bệnh phù hợp với điều kiện Bình Thuận đã được triển khai trên diện tích 2.000 m2, năng suất 40 tấn/năm mang lại hiệu quả kinh tế cho nông hộ. Các hộ dân và doanh nghiệp chăn nuôi tại các vùng chăn nuôi tập trung như: Đức Linh, Hàm Tân, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc đã chủ động sử dụng chế phẩm sinh học và áp dụng các giải pháp an toàn sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các khu vực này.

Trồng dưa lưới trong nhà màng ở Hàm Thuận Bắc. Ảnh: N.Lân

Cũng trong giai đoạn này, chương trình đã triển khai 28 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để người dân tham quan, học tập kinh nghiệm. Đây là nhóm các mô hình sản xuất thử nghiệm các sản phẩm sinh học và khảo nghiệm giống cây trồng mới nhằm đánh giá khả năng thích nghi với điều kiện của tỉnh và hiệu quả kinh tế của giống mới. Thông qua kết quả của mô hình đã tổ chức tập huấn kỹ thuật và tư vấn, hướng dẫn người dân nhân rộng kết quả. Mô hình thử nghiệm và sản xuất thuốc trừ sâu nguồn gốc thảo mộc, qua thời gian nghiên cứu cũng đã chọn ra được 1 nghiệm thức có hiệu quả cao nhất để sản xuất thành công một loại thuốc trừ sâu thảo mộc từ gừng, tỏi, ớt, hành sử dụng trên các loại rau ăn lá, có tác dụng diệt trừ các loại sâu ăn lá thay thế cho việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học. Hiện nay, sản phẩm được Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN sản xuất và phân phối cho người dân trên địa bàn TP. Phan Thiết sử dụng. Ngoài ra, còn có mô hình trồng cà chua kháng bệnh, đây là mô hình trồng thử nghiệm 2 giống cà chua nhập ngoại (xuất xứ Nga) gồm cà chua tròn và cà chua cherry có chất lượng cao được trồng trong nhà kính với kỹ thuật canh tác tiên tiến nhất hiện nay.

Ứng dụng vào thực tiễn

Hỗ trợ tham quan học tập kinh nghiệm cho nhân dân trong giai đoạn 2016 - 2020, cũng được thực hiện, theo đó chương trình đã tổ chức rất nhiều chuyến tham quan các mô hình có hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với thực tế sản xuất và đời sống cho nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Qua các chuyến tham quan các doanh nghiệp và nông dân đã có cơ hội học tập, trao đổi thêm nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, tiếp thu được nhiều công nghệ mới cũng như một số giống cây trồng đang có tiềm năng. Từ đó, nhận thấy được những hiệu quả thiết thực và mong muốn được tạo điều kiện để tham gia nhiều hơn nữa các chuyến tham quan với nội dung đa dạng, phong phú, nhằm áp dụng vào thực tiễn sản xuất tại địa phương, phát triển kinh tế.

Từ 2017 đến nay, nhiều tổ chức, cá nhân đã có định hướng chuyển đổi mô hình canh tác và bước đầu đã mang lại hiệu quả. Năm 2017, ông Đỗ Văn Một (Công ty TNHH Chí Công) sau khi tham quan các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại TP. Hồcminh và tỉnh Đồng Nai đã xây dựng Trang trại Giếng Xó trồng dưa lưới trong nhà màng tại xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc với quy mô 2.000 m2, sản lượng đạt 5 - 6 tấn/vụ. Năm 2018, ông Phạm Văn Minh (Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Đông Á) sau chuyến tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP tại Lâm Đồng cho biết đã học hỏi được nhiều cái hay, cái mới. Đặc biệt, sau khi được cán bộ kỹ thuật của một công ty giới thiệu về hệ thống tưới tự động, ông rất quan tâm và đã áp dụng hệ thống tưới này vào các mô hình sản xuất nông nghiệp tại công ty mình.

Còn ông Nguyễn Khánh Hoàng, Nguyễn Văn Dũng, trú tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân qua chuyến tham quan các mô hình sản xuất giống ghép và mô hình trồng cây ăn quả tại thành phố Cần Thơ và tỉnh Tiền Giang đã học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, thấy được nhiều mô hình trồng cây ăn quả cho năng suất cao, nhiều giống nhãn mới cho năng suất và đầu ra tốt nên đã mua giống và trồng thử nghiệm tại địa phương. Từ việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất trong giai đoạn này đã góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Qua đó, góp phần giúp nông dân triển khai có hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững…

Phan Liên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội