Theo dõi trên

Từ đổi mới hoạt động ở Quốc hội, nghĩ đến đổi mới hoạt động của Hội đồng nhân dân

14/11/2018, 09:28 - Lượt đọc: 18

BT- Là một cử tri thường xuyên quan tâm theo dõi các kỳ họp của các cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương, nhất là các kỳ họp Quốc hội trong thời gian gần đây, tôi cảm nhận được sự không ngừng đổi mới hoạt động tại kỳ họp của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đã làm cho cử tri rất hài lòng, phấn khởi.

Ấn tượng nhất tại kỳ họp thứ 6 – Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội khi phiên chất vấn và trả lời chất vấn về những vấn đề liên quan đến thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo nghị quyết của Quốc hội và các vấn đề qua giám sát chuyên đề của Quốc hội được thực hiện trong 3 ngày (từ 30/10 đến 1/11/2018) với tinh thần thực sự dân chủ, thẳng thắn và đề cao trách nhiệm của Quốc hội trước cử tri, trước quốc dân đồng bào. Sự đổi mới được thể hiện rất rõ nét; nếu như trước đây chất vấn được thực hiện theo từng nhóm vấn đề chỉ liên quan đến trách nhiệm của một số bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan ngang bộ (thành viên của Chính phủ) phải trả lời; như vậy mỗi kỳ họp chỉ có từ 4 - 5 thành viên trả lời chất vấn, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế cũng như điều cử tri quan tâm về những vấn đề trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, đòi hỏi trách nhiệm của “tư lệnh ngành” quan tâm giải quyết.

Nhưng tại kỳ họp thứ 6 này, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn thật sự trở nên sôi động trên nghị trường Quốc hội, thu hút mạnh mẽ sự quan tâm theo dõi của cử tri cả nước. Có những vấn đề nổi cộm được nhiều ý kiến quan tâm chất vấn và tranh luận, chẳng hạn như Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến việc chủ trương in sách giáo khoa chỉ sử dụng một lần, như thế sẽ gây lãng phí cho xã hội; việc tiêu cực xảy ra trong thi cử vừa qua và giải pháp ngăn chặn, cho đến việc dự thảo một thông tư đưa vào những quy định bất hợp lý, gây phản cảm và phản ứng gay gắt trong dư luận xã hội; với Bộ công an liên quan đến việc người dân ở TP Cần Thơ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng, và vấn đề tranh luận “dậy sóng” giữa đại biểu Nguyễn Hữu Cầu và một số đại biểu khác khi đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tranh luận với Bộ trưởng Tô Lâm đã nêu những con số về vi phạm trong việc xử lý đơn thư tố giác tội phạm và cho là khủng khiếp, xảy ra trong lực lượng điều tra của ngành công an.

Hay những vấn đề đang tồn tại trong lĩnh vực hoạt động xét xử của TAND tối cao và Viện KSND tối cao. Những vấn đề đó đã được phân tích, mổ xẻ làm rõ để nhằm mục đích như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói là đảm bảo dân chủ, thẳng thắn, đi đến cái đích tìm ra chân lý, sự thật của vấn đề. Với cách làm như hiện nay đặt ra cho tất cả các “tư lệnh ngành” phải thường xuyên nắm chắc tình hình trong lĩnh vực mình phụ trách và đề cao trách nhiệm người đứng đầu mới đáp ứng được đòi hỏi của đất nước, của nhân dân.

Kết luận về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đây là một kỷ lục về số người tham gia chất vấn, với 135 đại biểu nêu câu hỏi chất vấn, và 82 đại biểu tham gia tranh luận. Việc tranh luận không chỉ giữa đại biểu với thành viên của Chính phủ mà còn giữa đại biểu với nhau để tìm đến điểm tương đồng. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận có đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng và đại biểu Bố Thị Xuân Linh nêu câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Theo dõi 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri cơ bản hài lòng từ cách điều hành kỳ họp đến việc nêu câu hỏi chất vấn của đại biểu và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ.

Quốc hội đã thật sự đổi mới; từ đó đòi hỏi Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp địa phương nói chung và ở  tỉnh ta, nhất là HĐND cấp tỉnh cũng phải đổi mới mạnh mẽ để nâng cao chất lượng các kỳ họp; trong đó vấn đề cử tri quan tâm, mong muốn là đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, có thể bắt đầu từ kỳ họp cuối năm 2018. Việc chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp không nên tập trung vào một số người “chuyên” chất vấn và người “chuyên” trả lời chất vấn như ở các kỳ họp qua (ở HĐND tỉnh Bình Thuận, thường là Giám đốc Sở TN&MT và Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời chất vấn), mà các đại biểu dự họp cần nêu cao vai trò trách nhiệm của mình trước HĐND và trước cử tri. Quan tâm nắm bắt thông tin trong thực tế và thông tin được cử tri cung cấp, nghiên cứu kỹ vấn đề để đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ và nên mở rộng nội dung chất vấn liên quan nhiều lĩnh vực để nhiều giám đốc sở, ngành khác cùng tham gia trả lời chất vấn. Bởi quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực thì đòi hỏi tất cả lãnh đạo sở, ngành đều phải luôn quan tâm nắm chắc các vấn đề thuộc lĩnh vực sở, ngành mình đảm nhiệm, qua đó sẽ phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của địa phương và yêu cầu, lợi ích của nhân dân. Làm được điều đó thì hiệu lực và hiệu quả hoạt động cũng như uy tín của HĐND và đại biểu HĐND sẽ ngày càng được nâng cao.

 Duy Hà



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ đổi mới hoạt động ở Quốc hội, nghĩ đến đổi mới hoạt động của Hội đồng nhân dân