Theo dõi trên

Thức ăn đường phố: Canh cánh mối lo nguồn gốc thực phẩm

24/04/2017, 08:37 - Lượt đọc: 18

BT- Thức ăn đường phố là một phần thiết yếu của người dân bởi sự tiện lợi, giá cả phải chăng, tiết kiệm được thời gian. Tuy nhiên, loại thực phẩm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.

                
Thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn nguy cơ mất    an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh minh họa

Hơn 1.000 cơ sở vi phạm

Năm 2016, toàn tỉnh có khoảng 4.711 cơ sở thức ăn đường phố. Trong đó 3.497 cơ sở được kiểm tra, thì chỉ có 2.456 cơ sở đạt quy định an toàn thực phẩm (ATTP) chiếm tỷ lệ 70%. 1.041 cơ sở vi phạm với các nội dung: chưa tổ chức khám sức khỏe, học kiến thức an toàn thực phẩm, chưa xét nghiệm nước dùng chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, tỷ lệ kiểm tra tại tuyến xã khá thấp là Phan Thiết (42%), Tuy Phong (81%),  Bắc Bình (75%). Cụ thể, Phan Thiết có số lượng kinh doanh thức ăn đường phố nhiều nhất tỉnh là 1.457, chiếm tỷ lệ 30,93% ; trong đó 607 cơ sở được kiểm tra thì có 319 cơ sở vi phạm ATTP, chiếm tỷ lệ 53%.

Dạo một vòng Phan Thiết, thức ăn đường phố có từ trong hẻm nhỏ đến các đường lớn; từ cổng trường học đến bến xe, chợ; từ sáng sớm đến tận đêm khuya… Đa dạng món ăn, mức giá phải chăng, chỉ từ 5.000 - 20.000 đồng. Chính vì thế, đa số người lao động và học sinh dễ dàng lựa chọn thức ăn đường phố.

 “Biết thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh cũng như không biết rõ nguồn gốc thực phẩm chế biến như thế nào, nhưng vẫn phải ăn; bởi rẻ, tiện lợi, phù hợp túi tiền. Người lao động – khuân vác, phụ hồ như tôi làm sao có đủ tiền vào quán sang, nhà hàng”, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (Phú Thủy) thổ lộ. Do đó điều lo lắng nhất của người tiêu dùng hiện nay chính là nguồn gốc thực phẩm của các hàng quán liệu có bảo đảm an toàn?

 Cần nhiều giải pháp

Việc phát triển các loại hình thức ăn đường phố là nhu cầu tất yếu, đem lại nhiều thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó là những mối nguy hại tới sức khỏe bởi nguồn nguyên liệu chế biến, quy trình chế biến… Trong đó tác nhân gây mất an toàn thực phẩm thường là vi sinh vật, hóa chất độc hại từ nguyên liệu, phụ gia chế biến thức ăn, dụng cụ sơ chế, dụng cụ chế biến, nơi kinh doanh bị ô nhiễm bởi ruồi, bụi bẩn, côn trùng; do vận chuyển, bảo quản thức ăn không vệ sinh và do bàn tay của người chế biến gây ô nhiễm thức ăn…

Để hạn chế tình trạng mất an toàn từ thức ăn đường phố, thì ý thức tự giác và trách nhiệm đối với cộng đồng của mỗi cá nhân, mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh và chế biến thực phẩm rất quan trọng. Người tiêu dùng cần có những hiểu biết trong việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm một cách an toàn và hợp lý, đồng thời kiên quyết tẩy chay những quán ăn đường phố không đảm bảo ATTP. Công tác đảm bảo vệ sinh ATTP nói chung và thức ăn đường phố nói riêng là “cuộc chiến” bền bỉ, kiên trì, làm thường xuyên, liên tục của các cơ quan chức năng nhất là trong Tháng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thức ăn đường phố: Canh cánh mối lo nguồn gốc thực phẩm