Theo dõi trên

Thôn 5 không

24/06/2016, 14:18

BT- Không điện, không đường, không trường, không trạm và không chợ tưởng chừng chỉ là câu “cửa miệng” của 15 năm trước. Thế nhưng giờ đây 471 người dân của 200 hộ thôn 4, xã Gia Huynh (Tánh Linh) từng ngày, từng giờ vẫn sống trong cảnh “5 không”.

                                            
Ngôi nhà gỗ của anh Nguyễn Hữu Tàu hư hỏng    nhưng không có tiền sửa chữa.
   
Người dân chăn nuôi dê.
   
Đoàn nhà báo khảo sát để đề nghị Quỹ Thiện    Tâm hỗ trợ trường học.

15 năm  với “5 không”

Cơn mưa chiều ở vùng rừng Gia Huynh mỗi lúc càng nặng hạt, anh Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch xã Gia Huynh đành phải đổi kế hoạch tuyến đi đến thôn “5 không”. Anh Tuấn nói: “Mưa thế này các suối trên đường xe máy không qua được, vì từ trung tâm xã đến thôn này hơn 20km, nhưng phải qua 3 con suối nhỏ. Nắng thì dễ, chứ mưa lớn thì “bó tay”. Sau vài phút đắn đo, anh Tuấn dẫn chúng tôi theo tuyến đường vòng qua rừng cao su xã Suối Kiết rồi qua một phần địa phận thôn 2, xã Tân Đức (Hàm Tân), sau đó mới đến thôn 4 Gia Huynh. Tuy xa hơn 7 cây số nhưng có thể đến được. Dự tính là vậy, nhưng đến nơi thì suối Ếch nước dâng cao đành phải mò mẫm lội qua. Bà con thấy chúng tôi đến, trên gương mặt ai cũng rạng rỡ, vì họ hy vọng sẽ có một niềm vui nho nhỏ nào đó giảm bớt những khó khăn, cực nhọc của người dân nơi đây.

Đó là chuyện đường giao thông, còn chuyện trường, trạm thì nói sao cho hết. Hơn 200 hộ với 471 khẩu của thôn 4 sống ở vùng rừng này đã hơn 15 năm rồi, phần lớn họ từ các nơi khác đến lập nghiệp, trong đó chỉ có 80 hộ đồng bào Chơ Ro định cư ở đây lâu nhất. Nhưng mãi đến năm 2012 xã Gia Huynh mới thành lập Ban thôn 4 để quản lý, điều hành và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ông Trương Văn Đào, thôn trưởng cho hay: “Bà con từ nơi khác đến đây định cư làm ăn cả 15 năm rồi. Vùng đất này trước đây là rừng, sau này rừng bị tàn phá hết người dân đến đây khai hoang, canh tác mía, mì làm rẫy rồi lập nghiệp luôn tại đây. Một số bà con kinh tế khá giả hơn thì trồng vài sào cao su, nuôi dê, bò… nhưng thu nhập cũng rất bấp bênh, vì điều kiện địa hình, cuộc sống, sinh hoạt nơi đây không mấy thuận lợi. Có lẽ đây là thôn duy nhất của huyện Tánh Linh không điện, không đường, không trường học, không trạm y tế và không chợ…”. Nghe ông trưởng thôn liệt kê đủ “5 không”, tôi hơi ngạc nhiên vì lẽ nào mười mấy năm qua hàng trăm hộ dân sống không có điện, không được xem ti vi, không có điện thắp sáng cho trẻ học bài; rồi không có trạm y tế thì bệnh tật, sinh nở của bà con phải đi đâu? Thấy chúng tôi băn khoăn cuộc sống thực tại của người dân, ông Nguyễn Văn Chiến, Trưởng ban Mặt trận thôn 4 tiếp lời: “Mỗi lần có bệnh thì người dân phải ra Trạm y tế Tân Đức cách đây 12 cây số, nhiều chị đến ngày sinh nở không kịp đến cơ sở y tế phải đẻ dọc đường. Còn chợ thì phụ thuộc vào “cửa hàng lưu động” của mấy người buôn bán chở hàng vào đây bằng xe máy, nếu người dân không có tiền mua, họ cho thiếu chịu, đến mùa thu hoạch bắp, đậu trả dần”. Khi chúng tôi hỏi chuyện giáo dục thì ông Chiến bức xúc: “Do không có trường học nên hàng ngày hơn 80 học sinh cha mẹ phải chở ra Trường tiểu học Tân Đức 2 học nhờ; số khác khoảng 40 em thì vào thôn 2 Gia Huynh cách 10 cây số để học. Các em học hết lớp 5 thì phần lớn phải nghỉ học do không có trường. Mùa này còn đỡ chứ mùa mưa khổ lắm, hôm nào con suối Ếch nước dâng cao là các cháu nghỉ luôn”…

Đối diện với nhà văn hóa thôn là nhà của anh Nguyễn Hữu Tàu. Căn nhà gỗ đơn sơ, cũ kỹ dựng hơn 15 năm trước. Anh Tàu có 5 người con nhưng chẳng đứa nào học hết cấp II vì nhà nghèo, đi học lại quá xa nên học hết lớp 5 hoặc lớp 7 là nghỉ học làm rẫy hoặc có người quen thì về thị xã, thành phố làm công nhân. Anh Tàu tâm sự: “Bà con ở đây nghèo nhưng luôn đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Tuy nhiên, điều kiện ở đây còn nhiều khó khăn nên bà con khó mà tự lực thoát được cảnh nghèo nên cần có sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội”.

 Gợi mở “xóa từng không”

Năm 2016 tín hiệu vui đến với thôn 4 là huyện Tánh Linh đã đầu tư ngân sách cùng với nguồn vốn của Chương trình 135 bỏ ra gần 1 tỉ đồng để xây dựng nhà văn hóa thôn. Nói là nhà văn hóa, nhưng ở đây sử dụng đa năng, lúc không họp thôn thì làm nơi dạy học cho 30 trẻ mẫu giáo, rồi trưởng thôn vận động nhân dân góp tiền mua máy nổ để thắp sáng cho các cháu học hành. Ngoài nhà văn hóa thôn thì mới đây huyện Tánh Linh cũng đã cho thôn xây dựng 2 phòng học mẫu giáo bằng các nguồn vốn tổng hợp. Để có mặt bằng xây phòng học, xã lại vận động ông Phạm Văn Động hiến 6.000m2 đất vườn. Anh Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch xã Gia Huynh vừa dẫn chúng tôi xem công trình đang khẩn trương thi công vừa nói: “Năm học tới thôn này có 2 phòng học mẫu giáo mới để tiếp nhận 50 cháu từ 5 tuổi trở lên vào học. Còn trường tiểu học thì chưa có nguồn để xây dựng. Sau trường là điện. Hiện nay xã đã ký hợp đồng với ngành điện để kéo đường điện hạ thế từ Suối Sâu về thôn 4. Ngoài đường dây chính của ngành điện, chúng tôi vận động các hộ dân đóng góp một phần để đưa điện về từng gia đình. Hy vọng Tết Nguyên đán 2017 người dân thôn 4 sẽ có điện sinh hoạt; còn xóa các “không” khác thì phải làm từng bước...”.

Chứng kiến bao cảnh khó khăn, vất vả của người dân vùng sâu thôn 4, xã Gia Huynh, chúng tôi càng thấu hiểu sự trăn trở, lo toan của cán bộ thôn, xã nơi đây. Họ luôn lo cho cuộc sống của dân, nhưng vì điều kiện vật chất còn quá thiếu thốn, nên cuộc sống người dân vẫn chưa được cải thiện. Hơn 34% hộ nghèo và 11% hộ cận nghèo của thôn vẫn là nỗi lo không chỉ của cán bộ thôn, xã mà những ai đã một lần đến nơi đây. Chính vì thế, để giúp thôn “xóa từng không”, mới đây (ngày 19/6/2016) đoàn nhà báo Báo Bình Thuận và Báo Nhân đạo & Đời sống đã có cuộc khảo sát để đề nghị Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) giúp xã Gia Huynh xây dựng 4 phòng tiểu học tại thôn 4 để có điều kiện thu nhận các em trong độ tuổi đến trường và hạn chế tình trạng các em bỏ học giữa chừng.

Những gợi mở “xóa từng không” ở thôn 4, Gia Huynh đang hé dần. Chính quyền địa phương đang tích cực tìm nguồn vốn đầu tư cho thôn và cộng đồng xã hội đang hướng về thôn. Hy vọng tương lai không xa, “5 không” ở thôn 4, xã Gia Huynh sẽ không còn nữa.

LÊ THANH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thôn 5 không