Theo dõi trên

Thành công nhờ gần dân

23/04/2018, 08:38

Bài 1: Đặt mình vào người bị giải tỏa

BT- Một dự án suốt bao nhiêu năm bị dừng lại vì chưa thể tìm ra giải pháp thấu đáo, vậy mà trong vòng 2 năm trở lại đây, những con đường ấy trở nên khang trang, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương trong nội thành. Giải pháp ấy ở đâu? Trên thực tiễn nó không nằm trên giấy tờ, nó nằm trong trách nhiệm của những người thật sự tâm huyết với nó. Những con người mà để hình thành cho vẻ đẹp đô thị đã không ít lần bị chỉ trích, bị lên án chỉ vì những điều tốt đẹp cho tương lai…

Ông Phạm Văn Nam gặp gỡ nắm bắt tâm tư nguyện vọng người dân bị giải tỏa.

Phá vỡ sự ì ạch

Ai đã từng sống ở Phan Thiết lâu, hẳn không thể không nhớ chúng ta từng chứng kiến khoảng thời gian âm ỉ trong sự ùn tắc, nhếch nhác của đường Lê Duẩn đoạn từ Nguyễn Hội đến quốc lộ 1A. Đoạn đường ngắn nhưng rõ ràng để thực hiện không dễ dàng gì. Năm 2013, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt dự án. Một quyết định mang tính chiến lược để mở ra một giai đoạn mới cho TP. Phan Thiết. Theo quyết định này, đoạn từ đường Trường Chinh đến Lê Hồng Phong, có tổng chiều dài 1.870m, tổng mức đầu tư 417 tỷ đồng. Khi dự án thực hiện những bước đầu tiên đã vấp phải khó khăn khi những hộ dân sống lâu năm khu vực đó không thực sự hưởng ứng. Điều đó dễ hiểu khi mà cuộc sống đang yên ổn, mặc dù sống trong ngập lụt, rác thải… nhưng người dân cũng khó chấp nhận để thay đổi. Vậy nên, sự kéo dài làm con đường hơn mười mấy năm không thực hiện được, vẫn “ì ạch” trong khó khăn.

Ông Nguyễn Hồng Hải – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, trong buổi làm việc mới đây cho biết: Đây là công trình lớn, một dự án trọng điểm của tỉnh. Mặt cắt ngang rộng tới 49m, cả đường chính và đường phụ. Ban đầu thực sự khó khăn, ách tắc cũng từ việc vận động người dân để thực hiện dự án này, nhưng với quyết tâm của thành phố, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, dự án có thể nói đến đây đã thật sự thành công. Theo ông Hải, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đoạn từ đường Nguyễn Hội đến Lê Hồng Phong (138 hộ và 5 tổ chức) đã gần như hoàn thành. Số hộ còn lại 46 hộ và 1 tổ chức sẽ được chi trả trong tháng 4/2018. Tương tự, dự án đường Lê Duẩn (đoạn từ Lê Hồng Phong đến Trần Hưng Đạo), được UBND tỉnh phê duyệt năm 2017. Đây là dự án đầy thử thách khi mà phần lớn giải tỏa là nhà phố, với chiều dài tuyến 340,76m. Kế hoạch vốn năm 2018 lên đến 60 tỷ đồng. Theo đánh giá từ phía Sở Giao thông Vận tải, hết tháng 4/2018 sẽ bàn giao mặt bằng để tiến hành thi công.  

Bám sát và thấu hiểu

Muốn hay không, con đường này sẽ trở thành huyết mạch nối liền nhiều phường với nhau. Hệ thống giao thông hoàn thiện đã rút ngắn giao thương và vực dậy đời sống cho những vùng ngoại vi thành phố. Sự quyết đoán của lãnh đạo tỉnh, người cầm trịch cho dự án luôn bám sát và thấu hiểu để đi tìm sự đồng thuận thực hiện không hề đơn giản.

Khi tiếp xúc với nhiều hộ dân, chúng tôi luôn nghe họ nhắc về sự sát sao, sự tận tâm, tận tình của những người trong cuộc.  “Tôi thấy anh em làm rất cặn kẽ, hướng dẫn, giải thích rõ những quy định của pháp luật, những lợi ích của việc di dời để triển khai dự án. Chính vì sự tận tâm đó, chúng tôi đồng thuận và hưởng ứng. Các gia đình khác tôi không rõ, nhưng khi nghĩ mình chấp nhận thiệt thòi một chút để được việc lớn, đường phố khang trang, đô thị đẹp thì mình cũng thấy hạnh phúc” - ông N.V. H chia sẻ. Khi dự án hoàn tất, giá đất khu vực này sẽ trở nên đắt đỏ, thị trường bất động sản sẽ sôi động, nhiều người dân sẽ giàu lên từ dự án này mang lại.

Nói đến dự án này, phải nói nhờ sự quyết liệt của UBND tỉnh, cụ thể người trực tiếp chỉ đạo dự án là ông Phạm Văn Nam - Phó chủ tịch UBND tỉnh. Ông chính là người trực tiếp đôn đốc, giám sát tận hiện trường và tháo gỡ từng khó khăn để đi đến thành công. Ông Nam chia sẻ: “Mỗi dự án đều có đặc thù riêng, để thành công trong dự án đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phát huy tính dân chủ, công khai minh bạch mang lại công bằng trong giải quyết”. Phải nói thêm, sau thời gian ì ạch vì vướng giải phóng mặt bằng, chính ông Nam là người thực hiện không biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ, trao đổi, động viên người dân. “Người dân mình quen sống theo tâm linh, nên có trường hợp gia đình có tang chế cứ dùng dằng mãi. Đừng cứ nghĩ là chuyện của họ, cứ đặt mình như người bị giải tỏa để làm thì sẽ được” – ông Nam cho biết thêm. 

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thành công nhờ gần dân