Theo dõi trên

Thấm mùi Trường Sa

17/01/2019, 08:39 - Lượt đọc: 24

BT- Chỉ mới một phần chặng đường của chuyến hải trình, tưởng chừng tôi đã nếm đủ mùi gian khổ ở Trường Sa, nhưng khi đến Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le mọi suy nghĩ trước đó đã tan theo bọt biển.

 Rời đảo Cô Lin lúc 8h30 sáng ngày 11/1, con tàu 561 với trọng tải hơn 2.000 tấn đưa chúng tôi tiếp tục đến thăm và tặng quà tết cho cán bộ, chiến sĩ đảo Len Đao – nơi cách đảo Gạc Ma về phía Nam khoảng 4 hải lý. Đảo được hình thành nhờ bãi san hô nổi có dạng hình tròn, đường kính khoảng 1,7 hải lý với bề mặt tương đối bằng phẳng. 10h30 tàu thả neo ngoài khơi đảo, chờ con nước lên, xuồng CQ chở đoàn vào điểm đóng quân. Biển Len Đao không bình thường, sóng lớn chưa từng thấy, thay vì xuồng CQ chở được nhiều người, thì số lượng chỉ được giới hạn  10 người trở xuống. Lên xuống xuồng rất khó khăn, chỉ cần kém tập trung có thể ngã xuống biển. Ngồi trên xuồng ai cũng tái mặt, ngoại trừ các chiến sĩ tập trung cao độ để đưa đoàn công tác tiếp cận đảo. Thượng tá Lê Văn Hải -Trưởng đoàn nói: “Hôm nay sóng lớn thật!”

Nỗi sợ hãi dần tan nhanh sau khi cả đoàn đến được đảo. Chúng tôi bắt tay vào công việc như thường lệ, chụp ảnh, quay phim lấy thông tin viết bài gửi về tòa soạn. Chiến sĩ trẻ Lê Hoàng Nam (quê Quảng Bình),  vừa nhập ngũ chừng 1 tháng kể cho chúng tôi nghe nhiều thứ, trong đó có cả chuyện tình buồn của mình. Người yêu gọi điện chia tay ngay khi em vừa đặt chân đến đảo. Khác với Nam – hạ sĩ Nguyễn Văn Tinh (19 tuổi ở Quảng Ngãi) là con đầu trong gia đình có 4 anh em, em nói khi nhận được kết quả ra đảo vui lắm, nhưng nghĩ thương cha mẹ và các em, bởi em là lao động chính trong gia đình. Chúng tôi càng thấu hiểu nỗi lòng của các chiến sĩ như khi vừa vật lộn với con sóng dữ ngoài khơi.

8h30 ngày 12/1, chúng tôi đến điểm đóng quân trên đảo Tiên Nữ. Đây là lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu chuyến hải trình, đoàn công tác được lên đảo thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ Trường Sa vào buổi sáng. Đảo Tiên Nữ cũng như các đảo chìm khác, lúc ẩn lúc hiện, khi thủy triều xuống phơi mình khoe vẻ đẹp, thủy triều lên thì giấu mình trong làn nước trong xanh của biển cả. Cuộc gặp gỡ thăm và chúc tết diễn ra trong khoảng 3 giờ đồng hồ, đoàn ra tàu vào lúc 10h30 khi thủy triều đang dâng cao. Thêm một đảo phải chia tay với bao kỷ niệm.

6h30 ngày 13/1, đoàn công tác tiếp tục lên xuồng CQ vào đảo Núi Le – nơi có 2 điểm đóng quân cách nhau khá xa. Điểm A là điểm chúng tôi đặt chân đến đầu tiên. Trong vườn gần như không thiếu một loại rau gì, xanh tốt không khác vườn rau ở đất liền. Một chiến sĩ chia sẻ: Để có rau ăn cải thiện thêm cuộc sống hàng ngày, các chiến sĩ trên đảo chăm sóc rau bằng nước mưa.  Sau mỗi trận mưa, nước được tích trữ trong bể chứa. Khác với các đảo khác, đảo Núi Le có phân đội xây dựng làng chài, giúp đỡ ngư dân ra khu vực đánh bắt trong mọi điều kiện. Thiếu tá Lê Tất Tỉnh – nhân viên cơ điện thuộc phân đội xây dựng làng chài đảo Núi Le cho biết, ngư dân Bình Thuận ra đảo đánh bắt rất nhiều và thường xuyên nhận được sự trợ giúp của đảo mỗi khi thiếu lương thực, nước uống, thuốc men…

Bầu trời Núi Le bỗng dưng nổi mây đen cuồn cuộn - dấu hiệu của mưa dông. Sóng bắt đầu mạnh lên với từng cơn gió giật, chúng tôi đứng nhìn mưa Trường Sa mà nghĩ nhiều thứ, có trong đó cả nỗi nhớ nhà và thương các chiến sĩ ngày đêm làm bạn với sóng dữ để canh giữ biển đảo quê hương. Trên đường trở về tàu, hầu hết mọi người đều bị mưa dập, sóng nhồi đến nỗi nhiều đồng nghiệp đổ bệnh vì khí hậu khắc nghiệt của Trường Sa.

Lê Ninh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thấm mùi Trường Sa