Theo dõi trên

Tết này ở đảo Trường Sa

10/01/2018, 14:43

BTO- Để đất liền trọn niềm vui khi xuân về tết đến, những người lính Trường Sa đang ngày đêm vững chắc tay súng canh chủ quyền Tổ quốc. Ở nơi đầu sóng ngọn gió ấy, mặc dù có đầy đủ hương vị mùa xuân, nhưng thèm lắm dư vị đất liền. Nhớ lắm gương mặt hiền hậu của người vợ nơi quê nhà vất vả, yêu lắm đứa con thơ chập chững biết đi, thương lắm mẹ già đếm thời gian chờ đón con về. Song các anh nén lại tất cả nỗi niềm riêng tư để hoàn thành nhiệm vụ, tất cả vì bình yên biển đảo của Tổ quốc.

                
   
      Chuyển quà tết xuống tàu ra Trường Sa, ảnh    Diệp Quỳnh

  Quà đất liền ấm lòng biển đảo

  Ngày 6/1/2018, hàng trăm cán bộ chiến sĩ, quân và dân tỉnh Khánh Hòa xúc động tiễn đoàn tàu chở hàng, quà tết từ đất liền ra Trường Sa -Nơi mà những người lính “áo vằn cánh sóng” ở 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân đang ngày đêm vững tay súng, chắc tay lái canh biển, đảo của Tổ quốc cho đất liền chuẩn bị đón tết Mậu Tuất trong ấm áp yên bình.

Chuyển quà xuân của đất liền ra đảo lần này, có 3 tàu HQ 571; HQ 936; HQ 561 thuộc Vùng 4 Hải quân và tàu 490. Trên những con tàu ấy chở những món quà xuân đặc biệt, không chỉ gạo nếp, miến, dong, lợn sống, rau xanh; mà còn chở cả niềm tin gửi gắm yêu thương của hơn 90 triệu trái tim người dân đất Việt đến với các chiến sĩ Trường Sa với lời cầu chúc: Chiến sĩ Trường Sa sức khỏe, dũng cảm, kiên cường, vững chắc tay súng quyết tâm giữ vững chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đức Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết, tổng số quà tặng và chế độ tiêu chuẩn cho bộ đội nhân dân huyện đảo Trường Sa năm nay lớn hơn so với mọi năm. Cụ thể, Chủ tịch nước tặng bộ đội Trường Sa 100 triệu đồng; quỹ Vừ A Dính tặng 700 triệu đồng; Hiệp hội hoa thành phố Đà Lạt tặng 40 tấn rau củ quả các loại, 1 tấn chuối xanh, 1 tấn chanh dây, 340 giò hoa lan, câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương (T.Ư Đoàn) tặng 50 thùng quà, 40 cây quất tết, 121 triệu đồng mua giò chả cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo xum vầy mấy ngày tết.

 Đài tiếng nói VOV tặng 27 hầm lạnh, 30 máy lọc nước; Cty Hiếu Giang tỉnh Lâm Đồng tặng 2 tấn phân vi sinh, 350 bao đất sạch dinh dưỡng, Lữ đoàn 146 cũng đã chuẩn bị 2,5 tấn gạo nếp, 110 con lợn, 4 tấn thực phẩm, các loại nước ngọt, rau củ quả, hoa đào, mai... mang ra Trường Sa cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vui đón Tết Mậu Tuất 2018.

 “Quà tết của quân dân cả nước tặng nhiều, nhưng quí trọng nhất là tình cảm, niềm tin và sự đùm bọc của nhân dân đối với cán bộ chiến sĩ Trường Sa. Bốn con tàu vượt sóng ra khơi, ngoài những vật chất như gạo, măng, miến, hoa mai, hoa đào, rau, củ quả, lá dong; còn chở nghĩa tình, niềm tin và sự thương yêu đùm bọc của nhân dân cả nước đối với các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió”, Chuẩn Đô đốc Vượng xúc động nói với đông đảo cán bộ chiến sĩ và nhân dân trước khi tàu rời bến ra khơi

 Chuyến đi trong niềm thương nhớ

Đi trên bốn con tàu chở quà xuân ra Trường Sa lần này, có đông đảo tân binh - những chiến sĩ tuổi 18 đôi mươi mới qua huấn luyện 3 tháng quân trường. Với họ Trường Sa còn quá mới mẻ và bỡ ngỡ, song tất cả đều có chung một lý tưởng cống hiến sức trẻ cho biển đảo, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

                
   
      Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đức Vượng tặng hoa cho thuyền trưởng các tàu    trước khi rời bến, ảnh       Diệp Quỳnh

Lần đầu xa gia đình bố mẹ người thân, chiến sĩ Trần Anh Tuấn bước chân xuống HQ 571 trong tâm trạng xốn xang. Phía trước là Trường Sa Tổ quốc, phía sau là bố mẹ, người thân và người bạn gái thương yêu. Anh Tuấn chia sẻ: “Đây là lần đi xa nhất của em. Chuyến đi này đầy ắp kỷ niệm. Em chưa biết đảo Trường Sa là gì, nhưng chắc chắn một điều em sẽ phấn đấu rèn luyện thật tốt để hoàn thành nhiệm vụ”.

Cũng chư binh nhất Trần Anh Tuấn, chiến sĩ trẻ Đậu Khắc Ngọc theo tàu HQ 936 ra đảo Sơn Ca. Tâm trạng nhớ nhà chen lẫn xúc động. Bước chân xuống tàu lòng bồn chồn nhớ bố mẹ, quê nhà. “Em cảm thấy tự hào nhưng cũng nhớ nhà, thương bố mẹ quá. Nhưng em sẽ quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”. Ngọc chỉ nói được như vậy rồi bước chân lên cầu thang xuống tàu ra đảo.

 Đây là mùa xuân thứ ba Đại úy Trần Văn Huy đi Trường Sa làm nhiệm vụ,   Huy không khỏi xúc động khi chia tay người vợ trẻ và đứa con gái hơn một năm tuổi thân yêu. Anh ôm vợ tạm biệt, rồi bế con gái trong lòng mà chẳng muốn rời xa. “Ngày tết ai chẳng nhớ đất liền, vợ, con, nhất là đêm giao thừa. Trường Sa thiêng liêng, nơi ấy đang rất cần những người lính trẻ khi xuân về tết đến. Cũng như nhiều cán bộ chiến sĩ khác, tôi quyết tâm hoàn xuất sắc nhiệm vụ, vững vàng tay súng canh biển đảo yên bình để đất liền đón tết vui xuân trọn vẹn”, Đại úy Huy, chia sẻ

 Chẳng khác đất liền

 Mặc dù ở giữa trùng khơi bốn bề sóng vỗ, nhưng tết ở Trường Sa cũng có đầy đủ hương vị như ở quê nhà. Ngoài những con lợn béo, gà, vịt, ngan, ngỗng, bánh, mứt, gạo nếp, miến, măng, và nhiều thứ khác được mang ra từ đất liền, không thể thiếu mai vàng của miền Nam, đào Nhật Tân từ miền Bắc.  

                
   
      Đại tá Trần Minh Thuấn (bìa phải)- Trưởng đoàn công tác số 4 tặng    quà Tết cho bộ đội đảo Đá Đông, ảnh Nguyễn Thơi

Từ khi Trường Sa khoác lên mình màu áo mới nhờ có sự quan tâm chăm sóc của hậu phương, hầu hết các đảo đều nuôi được heo, gà, vịt, trồng rau xanh, nên thực đơn trong những ngày tết khá phong phú. Nói về thực phẩm đón tết của bộ đội ở đảo, Trung tá Trương Sĩ Nam, chỉ huy trưởng Song Tử Tây cho biết: “Nói thật với anh, Tết ở Trường Sa bây giờ cũng đầy đủ chẳng khác đất liền. Đất liền có gì, Trường Sa có nấy. Đêm giao thừa, lính trẻ ở đảo Trường Sa lớn và các đảo nổi khác đi chơi xuân trên đường băng, hoặc ngồi dưới gốc cây bàng vuông giao lưu văn nghệ, lính ở đảo chìm thì hái hoa dân chủ. Phút giao thừa, lính đảo cũng đi hái lộc xuân, ngồi quanh bên nồi bánh chưng. Chỉ khác không được đi dưới tiết mưa xuân như ở đất liền, vì khí hậu Trường Sa luôn khắc nghiệt nắng nóng”

Ở Trường Sa, ngày tất niên tổ chức chiều 28 tết. Ngay từ sáng sớm, cán bộ chiến sĩ chỉnh tề trong quân phục mới nhất đi dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ. Tiếp đó là các phần việc: mổ lợn, gói giò, gói và nấu bánh chưng, trang trí bàn thờ Tổ quốc. Ngày tết, ngoài bộ quân phục truyền thống của lính biển, các sĩ quan trẻ được phép “diện” một bộ quần áo dân sự đẹp nhất, còn lính trẻ  tự làm mới mình bằng việc cắt tóc cho nhau, là quần áo phẳng phiu, sơn sửa lại doanh trại, cổng ra vào, vọng gác; trang trí câu lạc bộ, treo dây xúc xích, chăng đèn kết hoa. Ngoài nơi vui chơi công cộng ở câu lạc bộ, mỗi người lính nhất là sĩ quan trẻ và hạ sĩ quan chiến sĩ, ai cũng có “một góc riêng tư”. “Góc riêng tư” ấy chưng nơi đầu giường ngủ, hoặc cửa sổ. Trong đó là những bài thơ, lời hay ý đẹp, hoặc tấm ảnh người yêu, hoặc tấm ảnh bố mẹ ở quê nhà. Tất nhiên không thể thiếu hình ảnh cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa, hoặc làm bằng tăm tre, hoặc tấm hình cột mốc chủ quyền. “Tết của lính Trường Sa cũng rất phong phú. Ngoài vị trí bàn thờ Tổ quốc, trưng bày câu lạc bộ hái hoa dân chủ đêm giao thừa, chúng em cũng giành một góc để trưng bày. Trong đó nhiều thứ, nhưng không thể thiếu cột mốc chủ quyền. Vì đây là linh hồn Tổ quốc, và nó thiêng liêng trong lòng mỗi người lính Trường Sa”, chiến sĩ Lê Văn Châu ở đảo Trường Lớn chia sẻ.

 Nếu đất liền gói bánh chưng bằng lá dong hoặc lá chuối, thì bộ đội Trường Sa gói bánh chưng bằng lá bàng vuông, mặc dù bây giờ việc vận chuyển lá dong ra Trường Sa không khó, song bánh chưng gói lá bàng vuông trở thành nét đẹp văn hóa và “bản sắc” của lính đảo, chỉ lính đảo nổi mới có. Giải thích về “bí mật” này, chiến sĩ Châu cho biết: “Bây giờ các đảo đều có lá dong đem từ đất liền để gói bánh chưng, nhưng gói bằng lá bàng vuông vẫn thấy thiêng liêng hơn. Bởi trong mỗi cái bánh chưng ấy, có tinh thần thép và mồ hôi mặn mòi của người lính đảo. Sau ba ngày tết, bánh chưng Trường Sa bao giờ cũng để lại dăm chiếc để đãi đoàn khách từ đất liền thăm đảo đầu năm. Bánh chưng gói bằng lá bàng quả vuông ăn cũng đậm đà hơn, ý nghĩa thiêng liêng hơn”

  Sau bữa cơm cuối năm, cán bộ chiến sĩ quây quần đón giờ khắc thiêng liêng. Trước bàn thờ Tổ quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, đảo trưởng nói “Trong  giờ khắc giao thừa linh thiêng năm mới, chúng tôi, cán bộ chiến sĩ Trường Sa xin hứa với Tổ quốc và Bác Hồ, quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất mẹ nơi đầu sóng ngọn gió, dù gian khổ đến mấy, dù phải hi sinh đến tính mạng của mình”. Trong phút giây giao thừa ấy, tim những người lính hướng về Tổ quốc, về các liệt sĩ Trường Sa đã ngã xuống để bảo vệ cột mốc chủ quyền, vì một quần đảo Trường Sa thiêng liêng giữa ngàn khơi mà Tổ quốc của nó không thể tách rời.

 Tự hào lính đảo

Ai đã từng đón Tết Trường Sa mới cảm nhận hết được sự thiêng liêng đến diệu kỳ của nó. Trong thời khắc giao thừa chuyển mùa sang xuân, giữa mênh mông biển trời Tổ quốc, tự trong huyết quản của những người lính đảo đều trào dâng niềm tự hào xúc động. Tự hào bởi được canh trời giữ biển cho đất liền đón tết vui xuân, tự hào bởi được nhân dân trao gửi niềm tin giữ đảo. Tự hào bởi ở đất liền bao người thân đang hướng về các anh với tất cả niềm thương nhớ vô bờ.  

                
   
      Chiến sĩ trẻ đảo Đá Đông chưng bàn thờ Tổ quốc đón tết sớm, ảnh    Nguyễn Thơi

Niềm tự hào ấy đã hóa thành chí lớn, nghĩa cao, đức cả mà chỉ những người lính Trường Sa mới cảm nhận hết được sứ mệnh, nghĩa vụ lớn lao với biển đảo của Tổ quốc. Bởi vậy, khi tiếng đàn ghi ta bập bùng giữa bộn bề biển mặn, chẳng ai bắt nhịp, tất cả mọi người hát say mê từ trái tim mình trong niềm xúc động chung riêng: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa. Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua, chiến sĩ Trường Sa, hát tiếp bài ca, về những tấm gương anh bộ đội Cụ Hồ. Đem chí trai, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta”.

Trong niềm tự hào đón mùa xuân mới, chiến sĩ Hà Trọng Nhân ở đảo chìm Cô Lin chia sẻ: “Cô Lin là đảo xa nhất trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 30 năm trước, trên vùng biển này, nhiều đồng đội đã ngã xuống. Tôi tự hào vô cùng vì đã làm nhiệm vụ ở đây. Ngày tết, ai cũng nhớ về đất liền, gia đình; song nỗi nhớ ấy chúng tôi biến thành sức mạnh. Kiên cường hơn, vững chắc tay súng hơn, yêu Tổ Quốc mình hơn. Dù khó khăn, gian khổ, hi sinh đến tính mạng, chúng tôi cũng bảo vệ vững chắc chủ quyền Trường Sa - đây là mệnh lệnh người lính”

Mùa xuân ở Trường Sa là mùa của hương hoa đất trời giao hòa giữa tình người, tình biển đảo và tình yêu Tổ quốc. Ở nơi xa ấy, không có tính toán, chỉ có niềm vui và sự cống hiến thầm lặng hi sinh của lính đảo hòa vào sóng nước mặn mòi. Những phần quà của đất liền gửi tặng, đó là nguồn động viên khích lệ để những người lính Trường Sa ấm lòng hơn, thêm vững chắc tay súng canh biển đảo của Tổ quốc.

Mai Thắng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tết này ở đảo Trường Sa