Theo dõi trên

Tấm lòng vì môi trường của chị Sáu 

19/04/2021, 11:21

BT- Dây nhựa cột vật liệu xây dựng, linh kiện máy móc, thiết bị tưởng chừng là rác thải bỏ đi nhưng qua bàn tay khéo léo lại trở thành những vật dụng tiện ích trong cuộc sống. Câu chuyện làm giỏ xách từ rác thải nhựa của chị Trần Thị Sáu – Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân (Tuy Phong) lan tỏa thông điệp về ý thức bảo vệ môi trường của mỗi cá nhân, cộng đồng…

“Giỏ chắc, tốt lắm cô ơi!, từ ngày tôi chuyển sang dùng giỏ nhựa đựng ruốc tiết kiệm tiền triệu mua túi ni-lon mỗi chuyến biển…”, anh Thủy - chủ đầu nậu thu mua ruốc cởi mở nói, rồi xách những giỏ ruốc chất lên xe. Ở bãi ngang bến cá nhiều chủ thuyền sử dụng những chiếc giỏ làm từ rác thải nhựa của chị Sáu đựng cá, sò, con nhum…

Gắn bó với nghề thu gom rác thải, không ít những lần chị Sáu “xót dạ” khi dọn những đống rác toàn túi ni-lon vương vãi trên cát, có khi trôi lềnh bềnh trên mặt biển. Hàng chục tàu thuyền, thương lái thu mua hải sản sau giờ cập bến ở bãi ngang bến cá, lúc rời đi để lại biển vô số rác thải, nhiều nhất là túi ni-lon. Gia đình chị Sáu cũng mưu sinh bằng nghề biển, có hôm thả mẻ lưới khi kéo lên, túi ni-lon dính vào các mắc lưới phải gỡ cả ngày mới xong. Làm sao để giảm số túi ni-lon cứ làm chị suy nghĩ mãi. Rồi những lần xe thu gom rác thải xây dựng từ các công trình xây dựng, khu Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, các nhà máy điện mặt trời họ bỏ rất nhiều dây nhựa cột linh kiện màu sắc rất bền đẹp. “Ban đầu tôi nhặt về vì thấy tiếc bởi sợi dây rất đẹp lại bỏ đi, hơn nữa dây nhựa bỏ khó phân hủy, đốt ảnh hưởng đến môi trường nên giữ lại”, chị Sáu nói. Vốn sẵn biết nghề đan thúng chai bằng nan tre của cha lúc còn nhỏ, vậy là chị tận dụng những sợi dây đan thành giỏ. Những sản phẩm đầu tay chị đan giỏ đi chợ, ống đũa, hộp đựng viết, giỏ đựng rác chỉ sử dụng trong gia đình. Thấy sản phẩm mình làm ra tuy đơn sơ, bền lại thân thiện với môi trường sau đó chị đan những chiếc giỏ có kích thước lớn hơn, tặng miễn phí cho các chủ tàu cá là mối bán cá cho nhà chị, mỗi tàu 10 cái dùng thử đựng hải sản. “Hàng ngày những chiếc tàu đánh cá này sử dụng một lượng lớn túi ni-lon để đựng, tôi chỉ mong muốn làm gì đó thay đổi cách làm của họ góp phần giảm túi ni-lon thải ra biển”. Nhận được sự phản hồi tốt chị rất vui, một vài chủ ghe đặt số lượng lên đến 100 chiếc, nhiều người còn đặt lẻ tẻ vài chiếc đủ kích cỡ để đi chợ, giỏ trồng hoa, giỏ đựng rác, giỏ thồ nho, táo...

Giỏ xách làm từ rác thải nhựa của chị Sáu

Trưa nắng chan chát, ngôi nhà chị Trần Thị Sáu rôm rả tiếng cười nói, tiếng sột soạt của đống dây nhựa đang phân loại đan thành chiếc khuôn giỏ, làm quai giỏ. Đây là phần khó nhất của sản phẩm vì đòi hỏi sự sáng tạo mới tạo được hình sản phẩm như ý. Ngoài tận dụng dây nhựa, những dây cước lưới hỏng, dây ôxy thợ lặn bỏ đi cũng được chị tận dụng làm quai nên chiếc giỏ rất chắc chắn. Ở thôn Vĩnh Tiến hiện có 5 chị nhận dây về đan thân giỏ tại nhà. Mỗi phần thân giỏ đan xong, chị Sáu trả 20.000 đồng/chiếc, mỗi tháng các chị thu nhập được 3 triệu đồng. Mỗi chiếc giỏ giá bán 50.000 đồng, số tiền thu từ bán giỏ, chị trích một phần ủng hộ Quỹ “Chia sẻ yêu thương” cho Hội Phụ nữ xã Vĩnh Tân để giúp đỡ những chị em bị bệnh hiểm nghèo, thăm hỏi các chị em đau ốm trong thôn.

Tấm lòng và sự nỗ lực bảo vệ môi trường của chị Sáu góp phần cùng với chính quyền xã bảo vệ môi trường sống ở xã nông thôn mới Vĩnh Tân ngày càng tốt hơn. Giỏ xách từ rác thải nhựa của chị Sáu đoạt giải nhất cấp tỉnh trong “Hội thi Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp năm 2020”. 

    
    Hàng ngày   những chiếc tàu đánh cá này sử dụng một lượng lớn túi ni-lon để đựng,   tôi chỉ mong muốn làm gì đó thay đổi cách làm của họ góp phần giảm túi   nilon thải ra biển. Chị Trần Thị Sáu nói.

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tấm lòng vì môi trường của chị Sáu