Theo dõi trên

Sông Phan: “Cuộc chiến” giữ đất 04 chưa hạ màn

27/09/2016, 08:54 - Lượt đọc: 30

BT- “… Hiện nay vì không có đất sản xuất nên những người còn trẻ phải lên những triền núi cao để xắn măng, người già yếu thì ở lại thôn để chờ ai thuê gì làm nấy. Nếu không có “tấc đất cắm dùi” thì cái nghèo khó cứ đeo bám tụi tui mãi thôi…” - ông Thuận trăn trở.

                
 Rẫy mì trong khu 47 ha lên xanh tươi    tốt

“Giằng co”… 10 năm

Đây là câu chuyện của ông Phan Văn Thuận và hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Tân Quang, xã Sông Phan, huyện Hàm Tân khi nói về quá trình giành lại đất 04 để sản xuất nhưng không thành. Riêng ông Thuận, qua hơn 10 năm nhưng đến nay ông vẫn nhớ như in cái ngày được giao đất 04. Khi đó, cầm quyết định giao đất trong tay, ông Thuận cũng như nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số khác ở thôn Tân Quang rất vui mừng. “Bao năm sống vất vả vì không có đất sản xuất, nay đã được cấp đất canh tác, mình sẽ cố gắng sản xuất để cuộc sống ngày càng ấm no hơn...”, ông Thuận nhớ lại. Lúc ấy, vừa nhận được đất, ông Thuận đã tranh thủ phát dọn phần đất mới để kịp cho mùa rẫy. Tuy nhiên, ngay từ vụ mùa 2004, trong quá trình canh tác, ông cùng các hộ đồng bào bị nhiều đối tượng đến hù họa, gây hấn, cho rằng đất này vốn là đất của họ. Khi đó, xã Sông Phan phải cử lực lượng chức năng đóng chốt để bảo vệ đồng bào yên tâm sản xuất. Ngặt nỗi, “chỉ làm được một mùa đầu tiên, mùa sau đó, tụi tui không thể canh tác nổi vì sự manh động của khoảng hơn chục đối tượng ngang nhiên chiếm đất” - ông ấm ức nói.

Đến năm 2006, huyện Hàm Tân đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai một số đối tượng. Đồng thời buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu và thu hồi toàn bộ diện tích đất lấn chiếm giao lại cho bà con dân tộc quản lý sử dụng. Tuy nhiên, các đối tượng này vẫn ngoan cố không giao lại đất nên năm 2009, huyện Hàm Tân đã thành lập đoàn cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất để giao lại cho các hộ đồng bào quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật. Lúc đó, khi được nhận lại đất, ông Thuận hồ hởi mang theo gần chục bao bắp để ra rẫy sản xuất. Nhưng khi đang làm thì các đối tượng đó lại đến hăm: “Ông không được trồng, nếu trồng thì cũng không thu hoạch được đâu”. Bị hù dọa nhưng ông Thuận vẫn cố gắng trồng được 4 bao bắp thì bị các đối tượng đe nẹt: “Ông có lấy đất trồng bắp thì để lại đó 3m đào huyệt”, ông Thuận buồn rầu kể. Chỉ làm được 1 vụ với 4 bao bắp nhưng cũng không thu hoạch được nhiều, bởi ban ngày ông sản xuất thì ban đêm các đối tượng kéo nhau đến phá. Đặc biệt là họ chuẩn bị sẵn, lợi dụng lúc vắng cho máy cày cày đất đã cấp cho đồng bào. Không chỉ vậy, họ còn nhổ cây trồng, thu hoạch hoa màu trộm… Thấy mất mát nhiều, hàng chục hộ đồng bào đều ngán ngại không tới đất sản xuất nữa và đó cũng là lúc các đối tượng này chiếm đất lại và mở rộng diện tích nhiều hơn trước.

Qua tìm hiểu được biết, thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về việc giải quyết cấp đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Hàm Tân chỉ đạo các ngành chức năng của huyện, UBND xã Sông Phan đo đạc, khảo sát. Năm 2004, qua quá trình kiểm tra, đất có hiện trạng là đất trống, lùm bụi, chưa bị tác động do UBND xã quản lý. Lúc này, chính quyền lập thủ tục cấp đất sản xuất cho 35 hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Sông Phan ở khu vực quy hoạch 47 ha nằm trong diện tích 200ha thuộc dự án 500ha. Theo đó, 12 hộ được cấp 2 ha, 23 hộ được cấp 1ha và hỗ trợ tiền sản xuất 750 ngàn đồng. Đến tháng 6/2004, UBND huyện Hàm Tân (cũ) đã giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 35 hộ tại thôn Tân Quang, xã Sông Phan với tổng diện tích trên 47ha. Tuy nhiên, ngay từ vụ mùa năm 2004, sau khi UBND huyện Hàm Tân đã giao đất cho 35 hộ đồng bào thì đã gặp phải sự cản trở của một số đối tượng đang canh tác gần đó. Hầu hết họ là người ngụ cư tại thị trấn Tân Nghĩa và ở xã Sông Phan vào đây lấn chiếm đất canh tác mà như lời trình bày sau này là năm 1999 và cũng không kê khai, đóng thuế.

Trước tình hình đó, tổ công tác của huyện và UBND xã Sông Phan đã lập biên bản vi phạm hành chính nhiều lần, nhưng số hộ này vẫn ngoan cố lấn chiếm đất sản xuất của đồng bào. Sự việc kéo dài mãi đến năm 2011, khiến UBND tỉnh phải ra quyết định xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai đối với 1 cá nhân với mức phạt 100 triệu đồng/người. Đồng thời buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu và thu hồi toàn bộ diện tích đất lấn chiếm giao lại cho bà con quản lý sử dụng. Sau đó, người lấn chiếm đất có đơn khiếu nại, Thanh tra tỉnh đã thẩm tra và tỉnh không chấp thuận nội dung đơn với lý do đất trên là đất công thổ do Nhà nước quản lý, hành vi lấn chiếm đất đã được các cấp có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và ngăn chặn, việc khiếu nại không có cơ sở để xem xét giải quyết. Đến tháng 3/2015, UBND tỉnh ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng cá nhân này không đồng ý với lý do đang khiếu nại lên Trung ương chờ giải quyết.

                
Vợ chồng ông Thuận trong căn nhà tình    thương.

 Chật vật gánh nặng áo cơm

Thôn Tân Quang chủ yếu là người đồng bào dân tộc Rai sinh sống. Mấy năm gần đây, đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn do không có đất sản xuất. Như gia đình ông Thuận - năm nay gần 60 tuổi nhưng chưa xây nổi ngôi nhà kiên cố để ở. Gia đình 3 thế hệ này đang sống chung trong căn nhà lá ọp ẹp và một ngôi nhà tình thương chừng 25 m2 cũ kỹ. “Cô thấy đó, gia đình có 8 khẩu nhưng chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà tình thương chừng 30 m2 mưa dột gió lùa”- ông vừa nói vừa nhìn quanh nhà như để minh chứng cho lời nói của mình với tôi. Mà đúng thật, tôi thấy trong nhà chẳng có gì giá trị, chỉ có một cây quạt “cọt cà cọt kẹt” được bật lên để tiếp khách mà thôi. “Ở đây đâu chỉ gia đình tui khổ, còn nhiều hộ khác cũng rất khó khăn vì không có đất để sản xuất. Tui chỉ mong sao Nhà nước giúp, cấp lại đất để người dân sản xuất, chứ bao năm nay tay trắng rồi cô ạ” - ông Thuận bày tỏ. Gần 10 năm qua, nhà ông không có mẫu đất nào, cuộc sống khó khăn, vợ chồng ông bệnh tật triền miên nên đành phải vay mượn tiền của hàng xóm để lo thuốc thang và cái ăn qua ngày. Khi sức khỏe khá hơn chút, ông Thuận lại lên rừng xắn măng, chặt le hoặc đi làm thuê kiếm tiền đắp đổi qua ngày.

Cạnh nhà ông Thuận là nhà bà Phan Thị Kết (69 tuổi) cũng từng được Nhà nước cấp hơn 1ha đất 04 nhưng chưa sản xuất được mùa vụ nào thì đã bị chiếm. Nhà nước cấp đất khi chồng bà còn sống, bà còn có sức sản xuất. Vợ chồng bà mới chỉ sản xuất được 1 vụ thì đã bị chiếm. “Giờ chồng tui mất rồi, khổ lắm cô ơi, tui già vầy nè, mắt kém rồi nhưng suốt mấy năm nay vẫn phải lên rừng với mấy đứa nhỏ xắn măng về bán kiếm tiền mua gạo. Năm nay mắt gần như mờ hẳn, phải ở nhà, mấy đứa con nuôi, bữa no bữa đói. Đất ở đâu có mà làm, toàn làm thuê, đói lắm!”, bà Kết giãi bày. Hiện bà ở chung với người con gái, hàng ngày con gái lên rừng xắn măng, còn bà tuổi cao sức yếu không đi rừng thì ở nhà chờ ai thuê gì làm nấy để kiếm thêm chút tiền mua mắm, muối. Còn nhớ, cách đây khoảng 6 năm tôi cũng đã về thăm các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Tân Quang, xã Sông Phan. Lúc này, huyện đã tổ chức cưỡng chế 11 hộ lấn chiếm trả lại đất cho 35 hộ đồng bào nhưng cũng chỉ sản xuất được vài ngày thì bị các hộ tái lấn chiếm. Đến nay, vỏn vẹn 47 ha đất 04 của đồng bào đã bị chiếm trọn. Từ đó đến giờ, dù có sự can thiệp của chính quyền từ huyện đến xã, các hộ này vẫn chưa có một vụ sản xuất nào đúng nghĩa và bình yên.

 Giải pháp nào?

Dạo một vòng quanh khu 47 ha hiện đã được trồng điều, keo lá tràm, bắp, mì… lên xanh tươi tốt, ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Sông Phan cho biết, xã đã vận động bà con đi làm để giữ đất nhưng cũng không có kết quả. Bởi nhiều hộ bị nợ nần do đầu tư sản xuất nhưng bị các đối tượng liên tiếp phá hoại, gây hấn nói rằng đây là đất của họ. Đồng bào đã có sổ đỏ của mảnh đất sản xuất riêng mình nhưng không thể gìn giữ đã khiến xã rất khó khăn trong việc giữ giùm đất với diện tích quá lớn. Hơn 10 năm qua, do không có đất sản xuất, 35 hộ đồng bào cũng không có việc làm ổn định. Hiện các hộ này chỉ có đi làm thuê kiếm sống qua ngày nên không thể thoát nghèo được. Chính vì vậy, đề nghị các cấp chính quyền tỉnh, huyện sớm vào cuộc để giúp đồng bào có đất sản xuất nhằm thoát nghèo.

Trao đổi về vấn đề này, ông Văn Quý Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân cho biết: Vụ đất 04 ở Sông Phan đã tồn đọng nhiều năm qua nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm. Dù trước đó, đã thực hiện cưỡng chế lấy lại đất giao cho các hộ đồng bào, nhưng vì không biết giữ đất nên lại bị các đối tượng tái lấn chiếm. Sắp tới, huyện sẽ phối hợp với các sở, ngành của tỉnh giải quyết dứt điểm. Cuối cùng bằng mọi cách phải thực hiện cưỡng chế lần 2 để lấy lại 47 ha đất 04 bị chiếm giao lại cho đồng bào. Về phía đồng bào, khi được giao lại đất cần phải biết tự giữ gìn, canh tác. Cùng với đó, chính quyền địa phương cần giúp bà con giữ đất, tránh trường hợp cho thuê hay chuyển nhượng trái phép. Mới đây, ngày 17/8/2016, UBND huyện Hàm Tân đã có Văn bản số 2028 gửi Sở Tư pháp đề nghị xin ý kiến Bộ Tư pháp để tổ chức cưỡng chế 1 cá nhân đối với vụ việc lấn chiếm đất 04. Bởi hiện nay, theo Nghị định 166 của Chính phủ không quy định cụ thể việc xử lý đối với trường hợp quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã hết thời hạn cưỡng chế, nhưng chưa được thi hành thì xử lý như thế nào. Do đó, huyện đề nghị Sở Tư pháp có văn bản xin ý kiến Bộ Tư pháp để xử lý trường hợp tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế đã hết thời hạn thi hành, làm cơ sở báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh.

Chia tay các hộ đồng bào nơi đây, tôi đã trăn trở với câu nói của ông Thuận: “Không riêng gì gia đình tui, hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Tân Quang bị chiếm đất 04 đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Hiện nay vì không có đất sản xuất nên những người còn trẻ phải lên những triền núi cao để xắn măng, người già yếu thì ở lại làng để chờ ai thuê gì làm nấy. Nếu không có mảnh đất cắm dùi thì cái nghèo khó cứ đeo bám tụi tui mãi thôi...”.

    
      “Hơn 10 năm qua, do không có đất sản xuất, 35 hộ đồng bào cũng không có   việc làm ổn định. Hiện các hộ này chỉ có đi làm thuê kiếm sống qua ngày   nên không thể thoát nghèo được. Chính vì vậy, đề nghị các cấp chính   quyền tỉnh, huyện sớm vào cuộc để giúp đồng bào có đất sản xuất nhằm   thoát nghèo”, Chủ tịch UBND xã Sông Phan cho biết.

Thu Hà



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sông Phan: “Cuộc chiến” giữ đất 04 chưa hạ màn