Theo dõi trên

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phản hồi vụ: “Giải cứu” ô sin từ Ả Rập Xê Út

01/12/2016, 15:00

BTO- Báo Bình Thuận vừa có loạt bài điều tra : Giải cứu ô sin từ Ả Rập Xê Út, phản ánh hàng chục phụ nữ ở thị xã La Gi và huyện Hàm Tân xuất khẩu lao động sang Ả Rập Xê Út thôngqua Công ty VIRASIMEX nhưng bị ngược đãi.  Sở LĐ-TB-XH vừa có thông tin chính thức về việc này.

                
      Chị Thu làm ô sin ở Ả Rập Xê Út (ảnh do nhân vật    cung cấp)

Công ty cổ phần xuất nhập khẩu vật tư thiết bị đường sắt VIRASIMEX được Bộ LĐ-TB-XH cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài số 324/ LĐTBXH-GP ngày 11/9/2012. Đơn hàng của công ty chủ yếu là đưa người lao động đi giúp việc gia đình tại Ả Rập Xê Út được Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐTBXH thẩm định trước khi thực hiện việc tuyển chọn lao động tại các địa phương. Nói chung về hồ sơ thủ tục pháp lý hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc nước ngoài của công ty bảo đảm đầy đủ và đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Trên cơ sở đó Sở LĐTBXH có Công văn số 177/SLĐTBXH-VL ngày 28/1/2016 thống nhất để công ty tuyển chọn lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài. Quá trình triển khai thực hiện, đến nay công ty đã tuyển chọn và đưa được 32 lao động của tỉnh đi giúp việc gia đình tại Ả Rập Xê Út ( trong đó huyện Hàm Tân có 1 lao động và thị xã La Gi có 23 lao động). Lao động tham gia chương trình này không phải tốn bất cứ khoản chi phí nào mà còn được công ty hỗ trợ chi phí sinh hoạt trước khi đi là 5.000.000 đồng/lao động (tất cả khoản chi phí này công ty cho biết được thu lại từ phía đối tác bên Ả Rập Xê Út).

Trong tháng 11/2016 xảy ra tình trạng thân nhân người lao động đi giúp việc gia đình tại Ả Rập Xê Út liên tục có đơn thư cầu cứu gửi tới các cơ quan chức năng của tỉnh phản ánh việc con, em, vợ của họ bị ngược đãi, ép làm việc quá sức, thời gian làm việc quá quy định 14-16 giờ/ngày tại nhiều gia đình (có trường hợp làm việc đến 1-2 giờ sáng hôm sau không đúng với hợp đồng lao động đã ký kết là làm việc cho 1 chủ sử dụng lao động với thời gian 8 giờ/ngày), chỉ được cho ăn 1 bữa/ngày (thay vì ăn 3 bữa/ngày như hợp đồng đã ký kết) nhưng thức ăn thừa mứa, tự bơm nước giếng lên uống mà không được uống nước chung với chủ sử dụng lao động… dẫn đến tình trạng người lao động bị kiệt sức, ngã bệnh, nhưng chủ sử dụng lao động không đưa đi khám, điều trị bệnh mà còn đe dọa, đánh đập, sởn tóc người lao động. Từ tình hình trên bản thân người lao động và gia đình đề nghị các cơ quan chức năng can thiệp sớm đưa người lao động trở về lại Việt Nam.

 Để giải quyết vấn đề này, ngày 7/11/2016 Sở LĐTBXH đã phối hợp với UBND thị xã La Gi tổ chức cuộc họp với đại diện gia đình người lao động và đại diện công ty để tìm hiểu, xác minh thông tin và đề ra biện pháp giải quyết. Tiếp theo ngày 8/11/2016 đại diện sở, phòng LĐTBXH La Gi, UBND các xã phường, đại diện gia đình người lao động vào văn phòng đại diện công ty tại Tp Biên Hòa để thương lượng, thống nhất phương án đưa người lao động về nước. Đồng thời Sở LĐTBXH đã có nhiều văn bản báo cáo tình hình đến Cục quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐTBXH nhờ xác minh làm rõ thông tin và can thiệp đưa người lao động về nước.

Kết quả đến nay (30/11), công ty đã đưa được 3 lao động trở về Việt Nam theo nguyện vọng gia đình, gồm: Võ Thị My, Nguyễn Thanh Vân đều hộ khẩu tại thôn Phước Hải, xã Tân Phước, La Gi và Lê Thị Bích Thu hộ khẩu tại khu phố 1, Phước Lộc, La Gi. Số lao động còn lại gồm: Nguyễn Thị Hồng Hạnh hộ khẩu thường trú tại khu phố 6, Phước Lộc, La Gi; Phan Thị Nga hộ khẩu khu phố 7, Phước Lộc, La Gi và Nguyễn Thị Cúc ở khu phố 5, Phước Lộc, La Gi phía công ty và gia đình đang cố gắng làm thủ tục đưa trở về Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

 Tuy nhiên qua theo dõi tình hình các gia đình có lao động đi làm việc tại Ả Rập Xê Út thì do tác động của một số lao động đã về nước phản ánh tình hình làm việc của người lao động tại Ả Rập Xê Út chưa chính xác, gây tâm lý hoang mang cho gia đình các lao động còn ở lại làm việc, mặc dù công việc đang làm, thu nhập và sinh hoạt của số lao động này ổn định.

 Để phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng này, Sở LĐTBXH đã có Công văn số 2144/SLĐTBXH-VL ngày 25/11/2016 đề nghị UBND thị xã La Gi tổ chức buổi gặp gỡ, đối thoại với thân nhân người lao động đi giúp việc gia đình tại Ả Rập Xê Út để cung cấp thông tin, vận động người lao động yên tâm làm việc đến hết thời hạn hợp đồng, nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng sẽ bị phạt và phải bồi hoàn chi phí theo hợp đồng đã ký kết. Trường hợp vì lý do sức khỏe không thể tiếp tục làm việc được thì có đơn phản ánh đến Sở LĐTBXH để yêu cầu công ty xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể.

Trong thời gian đến, Sở LĐTBXH sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình để can thiệp kịp thời, giải quyết thỏa đáng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

BTO



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phản hồi vụ: “Giải cứu” ô sin từ Ả Rập Xê Út