Theo dõi trên

Rừng giữa đồng

21/03/2017, 08:47

“…Tui định bán một ít, còn lại chuyển sang lập trang trại trồng cây ăn trái, có thể thanh long hoặc xoài hay quýt gì đó” - ông nói một lèo, không vấp, cứ như hàng đêm từ khi các công trình nước, đường đi qua, ông đã suy nghĩ, trăn trở chuẩn bị cho những đổi thay ấy.

         
   

      

      Đường số 3 hình thành    nhờ dân hiến đất.

Kết nối đường xuyên rừng

Nắng tháng 3 vàng rực làm tôn thêm màu đất đỏ vùng Hàm Tân. Con đường liên xã kéo dài từ Tân Xuân qua Tân Thắng đến Sơn Mỹ vào những ngày này nhộn nhịp xe chở gỗ rừng trồng qua lại. Đang vào mùa khai thác rừng keo lai nên nhìn từ xa, vùng rừng trồng bạt ngàn hai bên đường, giờ đã lưa thưa lô chặt, lô còn. Không gian thoang thoảng mùi nhựa cây tươi, mùi của đất ủ được che lấp bởi cây rừng sau 4 năm trồng, mùi của đất mới hình như vừa đổ trên tuyến đường băng rừng này vào ngày hôm qua. “Đây là đường số 3 dài 2 km, rộng 8m nối từ rừng thuộc xã Tân Xuân qua Tân Thắng. Từ lối đi mòn giờ thành đường đàng hoàng rộng chừng đó là nhờ 12 hộ dân có rừng gần đường hiến đất. Sau khi gặp và vận động được 12 hộ này hiến đất, em cũng thân thiết với họ luôn. Một lần, có người vỗ vai em: Chú mày có vợ chưa, tao gả con gái cho, hì hì…” -Võ Trần Đức Thảo, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận chi nhánh Hàm Tân - La Gi nói đến đây khiến ai trên xe cũng cười ồ. Sinh năm 1982, đã có vợ và 2 con nhưng Thảo trông trẻ so với tuổi. Lại dáng dấp thư sinh, cách nói năng từ tốn, nhã nhặn nên có lẽ vì thế Thảo, dân thủy lợi nhưng khi đi vận động dân thực hiện chủ trương cũng khéo ra phết. Thảo tình thiệt là không ngờ mình có khả năng đó. Lúc làm đường số 2 dài 1 km, tuyến đầu tiên mở qua vùng rừng này, anh có lúng túng. Nhưng khi nói đi, nhắc lại quyền lợi người dân được hưởng, ai cũng chịu nên anh mạnh dạn dần. Đến đường số 3 này, 12 hộ dân lại ở rải khắp nơi, chứ không tập trung tại Tân Xuân, Tân Thắng. Thảo liên hệ trước qua điện thoại hẹn gặp lúc được, lúc không. Thảo phải hỏi nhà, dò đường tìm đến tận nơi vận động không chỉ vào ban ngày. Chính quyền các xã có phối hợp cùng nhưng cái chính vẫn ở chỗ Thảo, người đại diện cho công ty phải mở nhiều con đường băng qua cánh rừng trồng bạt ngàn này kết nối với đường liên xã, song song với đưa nước về, vực dậy một vùng đất tiềm năng.

         
   

   

      Rừng trồng ở Tân Xuân    đang mùa khai thác.

Thế rồi đường số 2, số 3 xong. Đường số 1 dài 1,5 km nằm ven kênh chính Tây công trình hồ Sông Dinh 3 đang bắt đầu. Cái khó ai cũng thấy, trước đây đất hình thành con đường này từ đền bù mà có, do liên quan đến công trình hồ Sông Dinh 3 nhưng bây giờ để mở rộng đường, phải vận động dân hiến đất. Dân chịu hay không, Thảo trầm tư một lúc rồi nói như nhủ lòng mình: “Chắc phải nói nhiều hơn  về lợi ích mang lại. Em có lợi thế là dân ở đây, lại là lớp con cháu nói về sự góp sức thay đổi quê hương, thông qua chính việc làm của mình là đưa nước về vùng hạn, chẳng lẽ các cô chú có đất không đồng tình? Câu nói rất có lý của Thảo làm tôi tin trong tháng tới, đường số 4, tuyến đường dài nhất với 5km tiếp tục băng qua vùng rừng này sẽ được người dân có đất hai bên đường đồng lòng ủng hộ.

Đến thời cho trang trại

Càng về cuối tháng 3, thời điểm xác định phải đưa nước hồ Sông Dinh 3 về đập dâng Cô Kiều, đơn vị thi công càng hối hả hơn trong hoàn thành tuyến kênh chuyển nước thì tại vùng rừng này, nơi tuyến kênh đi qua, giá đất lẫn giá gỗ rừng trồng đều tăng. Giá 1 ha rừng trồng hiện bán được từ 60 - 70 triệu đồng/ha, không cao so năm ngoái nhưng theo những hộ có rừng ở đây, nếu không nhờ những tuyến đường mới mở, xe tải vào tận đất thì chưa chắc thu được chừng ấy. Đó là lợi ích thấy trước mắt mà người dân ở đây đều chịu  hiến đất mở đường. Hành động ấy cứ như thấm thía cảnh tự làm tăng chi phí sản xuất bao năm nay và bây giờ, cơ hội đến cần khắc phục sự thiếu sót của một vùng rừng rộng lớn trồng tự phát. Lúc ấy, dân Tân Xuân, Tân Thắng, Sơn Mỹ và cả dân ở các nơi khác có đất ở đây đã nhìn ngó nhau, sau những vụ mì thất bát. Một số người xuống giống keo lai rồi nhiều người khác cũng trồng theo, vì suy đi tính lại chẳng thấy cây gì qua cây rừng trong hoàn cảnh đất đang xấu thấy rõ. Thế rồi những đám rừng xuất hiện theo kiểu vết dầu loang và một vùng rừng rộng khoảng 4.000 -5.000 ha hình thành trong khoảng 15 năm trở lại đây. Điều đáng ngại, ai cũng trồng cây hết trên đất mình. Cả vùng tiếp nối cây là cây,  cây rất dày, lại không có đường lớn để vào…Vì thế, cũng chẳng có chuyện cày chống cháy hay chăm sóc gì nhiều theo quy trình trồng rừng đàng hoàng. Nhưng đất ở đây tốt, cây keo lai sau khi dăm xuống đất cứ thế lớn lên, 3 - 4 năm sau đã thu hoạch được. Những năm trước, gỗ có giá, người trồng rừng thu được. Năm nay, giá thấp hơn, dừng ở 70 - 90 triệu đồng/ha rừng, tính ra, mỗi năm được 20 triệu đồng, quy ra mỗi tháng không tới 2 triệu đồng. Nhưng ở vùng đất tưởng như phải bỏ đi, vì hoang hóa này, như thế là được, như bỏ hũ bít để thu một lần.

Và cách bỏ hũ bít như trường hợp ông Ngô Minh Cảnh ở xã Tân Xuân thì ai cũng bái phục. Ông có đến 18 ha rừng ở đây, một số diện tích rừng đang năm 3, một số đang năm 4. Khi đường số 3 mở xuyên qua đất ông kéo dài đến 1 km, ông mất khoảng 5.000 - 6.000m2 nhưng ông đồng ý hiến đất liền, không lăn tăn. Trước đó, khi giải tỏa để thi công tuyến kênh chuyển nước Sông Dinh 3 về đập Cô Kiều đi qua, ông cũng mất mấy sào đất rừng được tiền đền bù hơn 150 triệu đồng. Gương mặt khắc khổ của ông không biểu hiện điều gì nhưng qua giọng nói, tôi biết ông đang vui và có lẽ không phải vì tiền đền bù. “Cô biết không, giá đất ở đây hiện giờ đã tăng từ 120 triệu đồng lên khoảng 200 triệu đồng/ha. Đất trồng rừng khai thác xong rất tốt lại thêm có đường rồi nước, quá thuận lợi, tui nghĩ sắp tới giá còn tăng nữa. Tui định bán một ít, còn lại chuyển sang lập trang trại trồng cây ăn trái, có thể thanh long hoặc xoài hay quýt gì đó” - ông nói một lèo, không vấp, cứ như hàng đêm từ khi các công trình nước, đường đi qua, ông đã suy nghĩ, trăn trở chuẩn bị cho những đổi thay ấy. Ông bộc bạch đúng chất nông dân hay quan tâm, chú ý những nhà khác rằng, ai có đất rừng ở đây đều có ý định giống ông, muốn thành lập trang trại sản xuất những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì đất chuẩn bị có nước…

Vụ đất chuẩn bị có nước ấy như Thảo phân tích rằng, trước mắt, công trình ưu tiên nước về đập dâng Cô Kiều. Sau đó, sẽ tiếp tục mở những kênh nhánh thì mới tưới phủ vùng đất có 4.000 - 5.000 ha rừng kia. Còn bây giờ, vùng rừng này gần như được bao quanh bởi nước, vì theo dòng chảy đến đập Cô Kiều thuộc xã Tân Xuân, bên này là Sơn Mỹ, bên kia là Tân Thắng. “Địa hình tựa kiềng 3 chân nên chắc sẽ phát triển chị nhỉ”. Thảo hỏi tôi bất chợt nhưng thực tế là sự thầm ước của một người con vùng khô hạn. Tôi bỗng thấy vui, niềm vui trước sự đổi thay.

B.N



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rừng giữa đồng