Theo dõi trên

Quản lý Khu du lịch quốc gia Mũi Né: Nỗ lực thực hiện vì điểm đến an toàn - thân thiện - chất lượng

19/11/2019, 09:27 - Lượt đọc: 54

BT- Trong tháng 11/2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định về việc ban hành quy chế quản lý Khu du lịch quốc gia Mũi Né, kèm theo đó là “Quy chế quản lý Khu du lịch quốc gia Mũi Né” và có hiệu lực kể từ đây.

 Theo quy chế này, việc quản lý bao gồm những nội dung: Công khai quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Mũi Né, quản lý thực hiện quy hoạch và đầu tư theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cạnh đó là kiểm tra, giám sát nội dung cũng như tiến độ thực hiện các dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc có tác động tiêu cực đến cảnh quan môi trường. Ngoài ra còn quản lý hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ theo quy định của pháp luật hiện hành đối với mỗi ngành nghề kinh doanh và kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ của các cơ sở kinh doanh du lịch hoặc kinh doanh dịch vụ khác… “Quy chế quản lý Khu du lịch quốc gia Mũi Né” cũng hướng đến quản lý bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch và bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa. Đồng thời bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, an ninh, an toàn trong khu du lịch và bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng lẫn bảo vệ môi trường nước, các công trình phục vụ quốc phòng. Tiếp nữa là tổ chức cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn cho khách du lịch và đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý những vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, xâm hại tài nguyên du lịch…

                
      
Mũi Né - điểm đến được nhiều du khách quốc    tế chọn là nơi dừng chân nghỉ dưỡng lý tưởng.

Quy chế vừa được UBND tỉnh ban hành cũng đề cập đến quản lý xây dựng đối với một số phân khu thuộc ranh giới Khu du lịch quốc gia Mũi Né như tại các phân khu du lịch chính, gồm: phân khu du lịch biển cao cấp Bắc Bình, phân khu du lịch biển Mũi Né, phân khu du lịch chuyên đề - Du lịch Cát. Hay như với danh thắng cấp quốc gia Bàu Trắng có tính chất “điểm nhấn” trong Khu du lịch quốc gia thì được quy hoạch thành phân khu du lịch đồi cát gắn liền với hồ nước, hoạt động chủ yếu là trải nghiệm dã ngoại, nghiên cứu khoa học, du lịch thể thao trên cát… Bởi thế, việc xây dựng tại khu vực này phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về Di sản văn hóa và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Trong “Quy chế quản lý Khu du lịch quốc gia Mũi Né” có nghiêm cấm một số hành vi, cụ thể như: hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại các di sản văn hóa, lịch sử, môi trường. Xây dựng các  công trình không đúng với mục đích quy hoạch sử dụng đất, vi phạm các quy định về Luật Xây dựng và các quy định khác đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành. Mặt khác còn nghiêm cấm bán hàng rong, bán hàng không đúng nơi quy định, chèo kéo, đeo bám khách hay các hình thức ăn xin, các loại xe đón trả khách trong khu vực cấm dừng, cấm đỗ… Song song đó, quy chế quản lý cũng nghiêm cấm hành vi có thái độ khiếm nhã đối với khách hàng, cung cấp thông tin sai lệch, thiếu trung thực, ép buộc khách khi mua bán hàng hóa, không đền bù, trả lại tiền hay đổi lại hàng hóa cho khách do nhầm lẫn. Hoặc các hành vi gian lận thương mại, bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ hoặc niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách và bán hàng hóa, thu tiền dịch vụ cao hơn giá niêm yết…

Tới đây, các hoạt động kinh doanh trong Khu du lịch quốc gia Mũi Né phải thực hiện đúng ngành nghề đã đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh du lịch đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Trong khi đó, các tổ chức và cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch phải có hợp đồng lao động với người lao động, có đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp, có sức khỏe phù hợp với công việc, có trang phục lịch sự, bảng tên… Thêm nữa là các cơ sở kinh doanh du lịch nằm trong Khu du lịch quốc gia Mũi Né phải có nhân viên y tế, tủ thuốc và phương tiện phục vụ sơ cấp cứu cho du khách cũng như người lao động khi cần thiết.

Nỗ lực thực hiện vì điểm đến an toàn - thân thiện - chất lượng, “Quy chế quản lý Khu du lịch quốc gia Mũi Né” do UBND tỉnh ban hành cũng đã phân công trách nhiệm cho nhiều sở, ngành, đơn vị và địa phương liên quan (TP. Phan Thiết, Tuy Phong, Bắc Bình). Riêng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận sẽ chủ trì, phối hợp triển khai quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Mũi Né đã được phê duyệt, thực hiện quản lý Nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trong phạm vi quản lý của ngành. Tăng cường phổ biến, thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện quy chế này và các quy định khác của pháp luật về du lịch. Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận còn phối hợp quảng bá, xúc tiến kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển du lịch tại Khu du lịch quốc gia Mũi Né theo quy hoạch đã được duyệt…

    
    Cuối năm   2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định quy hoạch tổng thể   phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2025, tầm nhìn đến năm   2030. Theo đó quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né   được thực hiện hướng tới mục tiêu chung là tập trung đầu tư hoàn thiện   hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật du lịch, đáp ứng các tiêu chí của Khu   du lịch quốc gia. Đồng thời thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ   để phát triển khu du lịch Mũi Né trở thành một điểm đến hấp dẫn, phấn   đấu đến năm 2030 đưa Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu   khu vực châu Á - Thái Bình Dương…

Đ.QUỐC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quản lý Khu du lịch quốc gia Mũi Né: Nỗ lực thực hiện vì điểm đến an toàn - thân thiện - chất lượng