Theo dõi trên

Phụ nữ tham chính: Cơ hội và thách thức

09/04/2019, 09:02

BT- LTS: Những năm qua, công tác cán bộ nữ đã được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, công tác cán bộ nữ vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập và cần phải có những giải pháp mang tính đột phá để khắc phục.

Bài 1: Những rào cản khi phụ nữ tham gia cơ quan dân cử

 Tại hội thảo “Cơ hội và thách thức đối với phụ nữ tham gia cấp ủy và cơ quan dân cử”, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Hải Yến thông tin, ở cấp tỉnh tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy hiện mới đạt 12%, có nghĩa vẫn còn thiếu 3% nữa mới đạt chỉ tiêu đề ra. Thậm chí nhiều đơn vị chưa có cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo…

                
Nữ đại biểu HĐND tỉnh tham gia chất vấn tại    kỳ họp. Ảnh: Đ.H

 Tỷ lệ phụ nữ tham gia dân cử tăng

Những năm qua, công tác cán bộ nữ luôn được cơ quan các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm chỉ đạo. Nhiều chương trình hành động tại các địa phương được triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, trong đó có các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tăng cường công tác phụ nữ; nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng về bình đẳng giới, nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động chính trị…

Qua từng năm, phụ nữ tham gia lãnh đạo trong lĩnh vực quản lý nhà nước có xu hướng tăng. Tại Bình Thuận, nhiệm kỳ 2015 – 2020, có 357 lượt cán bộ nữ được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, huyện. Trong đó quy hoạch Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các chức danh chủ chốt cấp tỉnh có 17/81 người, quy hoạch ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy 5 người và chức danh Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh 2 người. Đáng chú ý là cán bộ nữ tham gia cấp ủy, HĐND các cấp tăng hơn so nhiệm kỳ trước. Cụ thể cán bộ nữ tham gia cấp ủy cấp huyện và tương đương 154/523 người, tăng 14,99%. Có 2 nữ đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh 15/54 đại biểu, tăng 8,55%, HĐND cấp huyện 93/372 đại biểu, tăng 4,9%. Các nữ đại biểu dân cử ngày càng tham gia tích cực và có hiệu quả hơn trong các hoạt động của cơ quan dân cử; trình độ, bản lĩnh chính trị của nữ ĐBQH, HĐND ngày càng được nâng lên.

Ngoài ra, trong 2 năm 2017 - 2018, có 328 hội viên phụ nữ được giới thiệu kết nạp Đảng, 65 cán bộ hội phụ nữ được luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp.

 Sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử đã góp phần tích cực vào thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao và phát huy trình độ, năng lực, vai trò của phụ nữ. 

Công tác cán bộ nữ còn những rào cản

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Hải Yến thông tin, ở cấp tỉnh tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy hiện mới đạt 12% (6/50 người), có nghĩa vẫn còn thiếu 3% nữa mới đạt chỉ tiêu đề ra. Đa số cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý được bố trí ở cấp phó, thậm chí nhiều đơn vị chưa có cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo.

Làm rõ vấn đề trên, Sở Nội vụ thẳng thắn chỉ ra: Hiện nguồn cán bộ nữ ở một số lĩnh vực, cơ quan, đơn vị còn thiếu về trình độ chuyên môn nghiêp vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý rất khó cho công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí cán bộ nữ theo chủ trương của Trung ương và của tỉnh. Một bộ phận công chức, viên chức nữ chưa thể hiện được vai trò, ý thức phấn đấu vươn lên; chưa nổi trội trong công tác chuyên môn và tham gia vào các hoạt động của đơn vị. Bên cạnh đó, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nữ còn hạn chế, chưa đảm bảo theo yêu cầu thực tế.

Hai đơn vị là Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có nữ giữ chức vụ lãnh đạo trong Ban giám đốc cho rằng: Khối lượng công việc của ngành khá lớn, phải thực hiện thường xuyên, liên tục và đi cơ sở nhiều nên lãnh đạo nữ có nhiều hạn chế hơn. Một số cán bộ nữ quản lý chưa chủ động học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt đáp ứng yêu cầu mới. Hầu hết bằng lòng với hiện tại, dẫn đến hạn chế về tầm nhìn, thiếu năng động, sáng tạo trong quản lý.

Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thị Phúc cho biết: có 4 rào cản ảnh hưởng vị trí, vai trò của phụ nữ trong tham gia cơ quan dân cử đó là trách nhiệm của đại biểu dân cử khá lớn, định kiến về giới, cơ chế, tiêu chí chưa cụ thể và tính e dè, nhút nhát, an phận trong chị em phụ nữ. Đồng quan điểm trên, nhiều đại biểu nêu ra một thực tế hiện nay, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc thực hiện bình đẳng giới, đặc biệt tại các doanh nghiệp vấn đề này chưa được chú trọng. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của phụ nữ.

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phụ nữ tham chính: Cơ hội và thách thức