Phòng chống bệnh dại
Phòng chống bệnh dại, chớ xem thường!
BT- Hiện nay việc nuôi
chó giữ nhà, làm cảnh trở nên quen thuộc từ thành thị đến nông thôn. Tuy nhiên,
nhiều hộ nuôi còn chủ quan trong việc quản lý, thường xuyên thả rông chó, trong
khi chưa tiêm ngừa vật nuôi đầy đủ, dẫn đến tình trạng chó mắc bệnh dại, gây
nguy hiểm cho người xung quanh.
Không chủ quan
Cuối tháng 11, đưa con đến
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để tiêm phòng định kỳ, tôi vô tình nghe câu
chuyện của 2 người phụ nữ bị chó cắn đang ngồi chờ tiêm ngừa. 2 người này ở
huyện Tuy Phong, đang ngồi chơi hóng mát trước nhà thì bị con chó nhà hàng xóm
“nổi điên” vồ đến cắn chảy máu chân. Nghĩ rằng chuyện đơn giản nên 2 người sơ
cứu tại nhà rồi đi làm bình thường. Vài ngày sau, người dân bỗng phát hiện con
chó lăn đùng ra chết không rõ nguyên nhân. Lúc đó, 2 người phụ nữ nọ mới vội
vàng vào Phan Thiết tiêm ngừa bệnh dại. Đây chỉ là một trong vô vàn trường hợp
bị chó thả rông cắn vô cớ, phải chịu những tổn thương bên ngoài cơ thể và đối
mặt với nguy cơ mắc bệnh dại, thậm chí là tử vong do đa chấn thương nếu không
được cấp cứu và điều trị kịp thời. Thời gian gần đây, báo chí liên tục đưa tin
những trường hợp người đi đường bị chó thả rông cắn, làm hoảng sợ dẫn đến ngã
xe, chấn thương, thậm chí người nhà cũng bị chó nuôi cắn rất nguy hiểm.
Không phải đến bây giờ, mà đã
từ lâu dư luận xã hội ở nhiều tỉnh, thành phố trong đó có Bình Thuận rất bất
bình trước tình trạng nhiều hộ nuôi chó nhưng không xích, để chó thả rông, không
rọ mõm chạy ra đường. Thực tế đã có không ít trường hợp bị tai nạn dẫn đến cái
chết oan vì tránh chó chạy trên đường hoặc đang điều khiển xe máy thì bị chó
tông và gây tai nạn. Không những thế, chó thả rông còn phóng uế bừa bãi ở những
nơi công cộng gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, mặc dù chính quyền cơ sở đã
thông báo nhiều lần, nhưng tình trạng vi phạm vẫn không giảm.
Loại trừ bệnh dại
Trước tình trạng trên, UBND
tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia khống chế và tiến tới
loại trừ bệnh dại trên địa bàn tỉnh năm 2021. Kế hoạch này nhằm chủ động phòng
chống bệnh dại, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo; hạn chế
lây truyền bệnh dại và giảm thiểu số người bị chó cắn trên địa bàn tỉnh. Ngoài
ra, khi phát hiện chó, mèo có biểu hiện khác thường như trở nên hung dữ cào cắn
người hay động vật khác thì chủ nuôi phải có trách nhiệm khai báo ngay với chính
quyền địa phương hoặc cơ quan thú y gần nhất. Đồng thời nhốt riêng chó, mèo nghi
mắc bệnh, không cho tiếp xúc với động vật cảm nhiễm xung quanh để theo dõi. Khi
nhận được tin báo, cơ quan chăn nuôi và thú y có trách nhiệm cử cán bộ đến kiểm
tra, xác minh, hướng dẫn chủ nuôi các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng.
Đồng thời thông báo cho cơ quan y tế để tăng cường biện pháp phòng bệnh dại cho
người.
Ngoài việc tuyên truyền người
dân tích cực tham gia phòng chống bệnh dại, cần lập danh sách các hộ nuôi chó,
mèo trên địa bàn, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải thành lập Đội chuyên
trách bắt chó thả rông ở nơi công cộng, động vật mắc bệnh dại hoặc có dấu hiệu
nghi mắc bệnh dại thuộc địa bàn quản lý. Thông báo trên các phương tiện thông
tin về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ nuôi đến nhận. Áp dụng các biện pháp
xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi; quyết định biện pháp xử lý chó
bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người
nhận…
Hy vọng với kế hoạch này, tỷ
lệ mắc bệnh dại sẽ được khống chế, đồng thời hạn chế các vụ tai nạn giao thông
liên quan đến động vật thả rông và đảm bảo an toàn cho người đi đường.
Theo kế hoạch, phấn đấu
trong năm 2021, trên 85% số xã, phường, thị trấn lập được danh sách hộ
nuôi chó. Trên 75% tỷ lệ chó nuôi được tiêm phòng vắc xin dại tại các
xã, phường, thị trấn. |
M.Vân