Theo dõi trên

Phẫu thuật thẩm mỹ “tràn lan” - tai họa khôn lường

23/12/2019, 11:22

BT- Có rất nhiều cơ sở spa, thẩm mỹ hoạt động không phép, đăng quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội. Tuy nhiên, ngành y tế tỉnh thanh, kiểm tra lại ít so với số thực tế đang hoạt động.

                
Chăm sóc da tại Bệnh viện Da liễu Bình    Thuận.

“Hồn spa, da thẩm mỹ”

Không ít cơ sở thẩm mỹ tại Bình Thuận dùng “chiêu” quảng cáo quá sự thật, phóng đại tác dụng, công dụng của các phương pháp, liệu trình điều trị; máy móc kỹ thuật cao và áp dụng các kỹ thuật chưa được cấp phép, khuyến cáo của Bộ Y tế để thu hút khách hàng đến sử dụng dịch vụ kỹ thuật. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở spa treo bảng hiệu làm dịch vụ chăm sóc da mặt. Thực tế, đó là lớp vỏ bên ngoài. Còn bên trong, các chủ cơ sở thực hiện các dịch vụ làm đẹp có xâm lấn khác như phun, xăm, tiêm chất làm đầy, chiếu tia lazer, đốt tàn nhang… Cả tỉnh có rất nhiều cơ sở spa, thẩm mỹ hoạt động không phép, đăng quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.

Một số ít cơ sở thẩm mỹ có giấy phép hoạt động, 100% có bác sĩ khám, điều trị bệnh. Trong số đó, xảy ra tình trạng không có bác sĩ xuyên suốt, chỉ làm việc ngoài giờ (sau 5 giờ chiều từ thứ 2 - 6, cả ngày thứ 7, chủ nhật); thậm chí, gần như không có sự hiện diện của bác sĩ. Bởi chủ doanh nghiệp thuê bằng bác sĩ để đối phó với cơ quan quản lý. Khi khách hàng đến, phần lớn là những kỹ thuật viên tư vấn, thực hiện các dịch vụ xâm lấn cho khách hàng.

Được biết, Bình Thuận khá hiếm bác sĩ chuyên khoa da liễu. Toàn tỉnh chỉ hơn 18 bác sĩ khám, chữa bệnh này. Trong đó, Bệnh viện Da liễu tỉnh Bình Thuận có 11 bác sĩ, 7 bác sĩ thì nằm rải rác ở các huyện và có huyện không có bác sĩ da liễu. Số ít khác tại các bệnh viện tư nhân. Riêng ông Lê Huỳnh Phúc (Giám đốc Bệnh viện Da liễu) khẳng định 11 bác sĩ tại đơn vị không phối hợp các cơ sở thẩm mỹ đứng tên, hoặc cho thuê bằng.

Nhiều tai biến

Bởi làm đẹp tại các cơ sở không uy tín, không có chất lượng, thời gian gần đây, Bệnh viện Da liễu tỉnh tiếp nhận nhiều trường hợp tai biến da đa dạng cả về hình thức và mức độ nặng gồm nhiễm trùng, sẹo, mất sắc tố da, tổn thương võng mạc, xung huyết… Tai biến này do bệnh nhân thực hiện các dịch vụ kỹ thuật không được khuyến cáo chuyên môn như các dịch vụ cấy tảo, dầu cá hồi, serum tế bào gốc, căng chỉ, tiêm chất làm đầy… Hoặc người thực hiện không được đào tạo chính quy, thiếu kinh nghiệm. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp tăng sắc tố da, sẹo lồi, sẹo lõm sau khi thực hiện đốt tàn nhang, nốt ruồi hoặc sạm da, trẻ hóa da. Hơn thế nữa, các cơ sở sử dụng các loại kem bôi, kem trộn có chứa corticoid, được xem như thần dược trong chăm sóc da để làm đẹp, làm trắng tức thời. Và bệnh nhân chịu hậu quả nặng là giãn mạch máu, gây sạm da, phát ban mụn… Đó là thông tin từ Khoa chăm sóc thẩm mỹ của Bệnh viện Da liễu Bình Thuận.

Nhìn chung, ngành y tế tỉnh chưa có con số thống kê cụ thể về các trường hợp tai biến. Các tình trạng tai biến trên là một trong số ít mà bệnh nhân đến với Bệnh viện Da liễu Bình Thuận.

 Có buông lỏng quản lý?

Theo quy định điều 37 Thông tư 109 của Chính phủ, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm cho xăm, phun, thêu trên da thì phải có văn bản thông báo đủ điều kiện quy định gửi đến Sở Y tế. Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất gây tê dạng tiêm, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) thì phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt

Năm 2019, 7 cơ sở thẩm mỹ, spa nằm trong danh sách đăng ký tự công bố hoặc được Sở Y tế cấp giấy phép. Cũng trong năm nay, Sở Y tế chưa thanh kiểm tra các dịch vụ trên dù đã sắp hết năm. Với năm trước (2018), Thanh tra Sở Y tế chỉ thanh kiểm tra dưới 10 cơ sở thẩm mỹ, spa. Duy nhất 1 cơ sở bị xử phạt hành chính do không có chuông kết nối phòng chăm sóc đến phòng cấp cứu. Như vậy, sự kiểm tra, giám sát quản lý của ngành y tế tỉnh về loại hình dịch vụ này chiếm khoảng 1/10 (quá ít) so với số lượng thực tế đang hiện hữu và hoạt động. Dư luận và vài cơ sở làm đúng quy định đặt câu hỏi: “Liệu ngành y tế tỉnh có buông lỏng sự quản lý dịch vụ làm đẹp, tạo lợi ích nhóm, làm mất sự công bằng trong kinh doanh; đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe của khách hàng làm đẹp?”

Ông Đặng Thức Anh Vũ (Phó Giám đốc Sở Y tế) giải thích: “Sở Y tế không hề buông lỏng quản lý, do lực lượng thanh tra quá mỏng. Mới đây, Phòng thanh tra sở thêm 1 nhân sự nghỉ hưu. Ban giám đốc đã điều động, bổ sung nhân sự hiện có 4 người, khó quán xuyến hết tất cả chuyện thanh kiểm tra toàn ngành y tế”.

Giải pháp

Theo ông Vũ, trong thời gian tới, Thanh tra sở sẽ phối hợp với phòng y tế, trung tâm y tế tuyến huyện nhằm tăng cường nguồn nhân lực và thường xuyên kiểm tra, xử lý các cơ sở chưa có giấy phép, thực hiện vượt phạm vi cho phép… để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cho người dân.

Song, nhằm tránh được tình trạng “tiền mất, tật mang” và có vẻ đẹp như mong muốn, người dân cần tìm hiểu xem cơ sở thẩm mỹ có bác sĩ không, có giấy phép hoạt động không (tham khảo website Sở Y tế)… trước khi đến làm đẹp. Một khi nét đẹp thanh tú được chỉnh sửa nơi trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm trong sử dụng thuốc, ứng dụng các trang thiết bị kỹ thuật cao và kết hợp các phương pháp, liệu trình điều trị, thì phái đẹp sẽ nhận kết quả tốt, tránh tai biến ngoài ý muốn.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phẫu thuật thẩm mỹ “tràn lan” - tai họa khôn lường