Theo dõi trên

Phát triển nguồn nhân lực phải gắn với nhu cầu thực tiễn

01/05/2019, 08:39 - Lượt đọc: 77

BT- Thực hiện Nghị quyết số 11 năm 2016 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, 3 năm qua các cấp ủy cơ sở, cơ quan, đơn vị đã tập trung quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện. Từ đó tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức của mỗi người, mỗi gia đình về hướng nghiệp, học nghề, tự đào tạo nghề và tìm việc làm.

                
Đào tạo nghề trong lĩnh vực du lịch. Ảnh:    Đ.H

 Nhiều chính sách đào tạo, bồi dưỡng

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 24 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và 8 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập. Ngành nghề đào tạo tương đối đa dạng. Bên cạnh đưa thông tin, tờ rơi tuyển sinh đến các trường THCS, THPT, các cơ sở đã xây dựng và cải tiến chương trình tư vấn tuyển sinh. Hàng năm tổ chức nhiều đợt tư vấn tuyển sinh trực tiếp kết hợp khảo sát nhu cầu việc làm, phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thực hiện các chương trình hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh đào tạo nghề, bồi dưỡng nghiệp vụ. Người học trúng tuyển vào trường được tham gia tư vấn, sinh hoạt trước khóa học; tham gia các hoạt động ngoại khóa; thực tập nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn và tham gia “Hội chợ việc làm” do trường tổ chức. Từ đó giúp cho người học có nhiều cơ hội tiếp xúc và nắm bắt thông tin thị trường lao động, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng có các chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp; thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ và nhân lực ngành y tế… Làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể lực, tầm vóc nguồn nhân lực. Từng bước đa dạng hóa các hình thức đào tạo như liên kết đào tạo trong nước, đào tạo ở nước ngoài. Chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ, công chức gắn với vị trí công tác được giao nên chất lượng nguồn cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh xuống xã đã được nâng lên.

 Kỹ năng nghiệp vụ phải tương ứng với việc làm

Tuy nhiên thực tế hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề còn thấp, đa số là đào tạo nghề dưới 3 tháng. Nguồn nhân lực có trình độ cao chưa đáp ứng nhu cầu phát triển một số lĩnh vực như: nông nghiệp công nghệ cao, điện gió, điện mặt trời…

Theo Sở Khoa học và Công nghệ: Qua điều tra năm 2018 tại 230 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, tổng số nguồn nhân lực của doanh nghiệp là 21.739 người, trong đó có 2 tiến sĩ - chiếm 0,01%, 22 thạc sĩ - chiếm 0,1%, 1.403 đại học - chiếm 6,45%, 1.144 cao đẳng. Như vậy nguồn nhân lực trình độ cao còn thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến nghiên cứu, phát triển doanh nghiệp. Cùng với đó sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo thêm nhiều ngành nghề, việc làm mới đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng, trình độ cao mới có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Lý giải nguyên nhân tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học (ĐH) ra trường không có việc làm, trong khi lao động có tay nghề ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lại thiếu. Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Ngô Văn Duy cho biết: Quy chế tuyển sinh mỗi năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo hướng mở cho thí sinh vào ĐH khiến nguồn tuyển của các trường cao đẳng, trung cấp gặp nhiều khó khăn, chỉ số ít không đậu vào ĐH mới đăng ký tham gia học trung cấp, cao đẳng nghề nghiệp. Việc phân luồng học sinh sau THCS học tiếp lên trung cấp chưa được thực hiện một cách tốt nhất vì vẫn còn phải đảm bảo trên 80% học sinh THCS học tiếp THPT. Thêm vào đó, một bộ phận lao động nông thôn dù đã được tư vấn học nghề nhưng chỉ biết lợi ích trước mắt, không thấy được lợi ích lâu dài trong việc học nghề, tạo việc làm để có thu nhập ổn định lâu dài. Trình độ học vấn của người lao động còn thấp nên khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng trong quá trình học nghề. Mặt khác, nội dung đào tạo một số ngành chưa thật sự hiệu quả và chưa kết nối với doanh nghiệp trong từng khâu nghiệp vụ để tăng cường kỹ năng nghề nghiệp cho người học…

Xác định nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11 năm 2016, UBND tỉnh chỉ rõ: Tập trung đầu tư đào tạo các nghề trọng điểm đáp ứng nhu cầu nhân lực thực hiện 3 đề án xây dựng Bình Thuận thành: Trung tâm năng lượng, trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan, trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia; đào tạo các nghề đã được Trung ương phê duyệt cho tỉnh. Trong đó, chú ý đào tạo nghề quản trị resort bảo đảm đạt cấp độ ASEAN và các nghề sửa chữa máy tàu, chế biến và bảo quản thủy sản, khai thác, đánh bắt hải sản, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí bảo đảm đạt cấp độ quốc gia. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Tập trung vào một số lĩnh vực: du lịch, dịch vụ, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, xuất khẩu lao động…

Từ những vấn đề trên, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các cấp, ngành xác định rõ phát triển nguồn nhân lực phải đồng bộ cả 3 mặt: thể chất, tinh thần và đào tạo cho người lao động về kỹ năng nghiệp vụ tương ứng với vị trí việc làm. Thực hiện khảo sát nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội để xác định lại ngành, nghề tuyển sinh và đào tạo theo nhu cầu thực tiễn. Đồng thời sớm ban hành quy định, chứng chỉ hành nghề cho người lao động. Kêu gọi và tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín trong và ngoài nước liên kết tham gia đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương…

    
    Sở Nội vụ   nhìn nhận: Hiện nội dung bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC)   mới dừng lại ở chuẩn hóa chức năng nghề nghiệp, chứ chưa đi sâu vào nâng   cao kỹ năng nghề nghiệp. Thậm chí chính CBCCVC cũng không có nhu cầu   nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho mình, trong khi nghị định của Chính phủ   quy định một năm CBCCVC phải có 5 ngày để bồi dưỡng nâng cao kỹ năng   nghiệp vụ. Chưa kể nguồn kinh phí bồi dưỡng, đào tạo của tỉnh còn hạn   chế.

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển nguồn nhân lực phải gắn với nhu cầu thực tiễn