Theo dõi trên

Ở nơi chỉ có… tấm lòng

17/06/2016, 08:56

BT- Bắt đầu từ những bữa cơm, cháo từ thiện ở Bệnh viện tỉnh, bữa cơm chay miễn phí trên  đường Võ Thị Sáu, ở một số chùa trong Phan Thiết, từ ổ bánh mì miễn phí của Doanh nghiệp Trung Nga (đường Nguyễn Hội), đến quán cơm 2.000 đồng, quần áo miễn phí… Tất cả chỉ muốn chia sẻ bớt một phần khó khăn cho người nghèo bằng những tấm lòng của mình.

                                            
Thầy Thích Như Giáo trao xe lắc cho người    nghèo.
   
Quán cơm 2.000 đồng trên đường Tuyên Quang.
   
Món quà nơi góc phố.

Niềm vui ngày cuối tuần

Chỉ một dòng chia sẻ trên facebook của nhà báo Đặng Kim Oanh muốn giúp người nghèo bằng những bộ quần áo cũ chưa mặc đến hay chật dù còn rất mới, địa điểm tại quán Nướng Việt trên đường Thủ Khoa Huân (TP. Phan Thiết) không ngờ lại nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người. Thế là nhóm “Thứ bảy vui” của nữ công Đài Phát thanh truyền hình Bình Thuận ra đời. Cứ mỗi sáng thứ bảy, địa chỉ trên được nhiều lao động nghèo biết đến. Quần áo đủ loại tha hồ chọn, ai muốn lấy bao nhiêu cũng được. Không chỉ quần áo, nhóm còn nhận được sự ủng hộ gạo, nước mắm của các tấm lòng hảo tâm. Và niềm vui nhân đôi khi thứ bảy hàng tuần đều có từ 60 - 65 phần gạo, nước mắm phát cho người nghèo (mỗi phần 5 ký gạo). Có nhiều quà, nhóm còn tổ chức đi tặng cho người nghèo ở vùng cao Phong Phú, Tuy Phong. Lần nào trong nhóm cũng thấy Thanh Nhã, Bích Phượng, Thùy Dung, Thùy Trang… rất nhiệt tình trong công việc chia sẻ này. Thanh Nhã bảo: “Từ chiều tối hôm trước bọn em đã phải soạn đồ ra từng bao, mệt lắm nhưng thấy vui vì mình giúp người nghèo mà”... Chị em thay phiên nhau soạn đồ, trực mỗi sáng thứ bảy phát quà cho bà con nghèo. Nhìn mấy chị  nhặt ve chai, anh bán vé số, người bán hàng rong ướm trên người bộ quần áo cứ luôn miệng “đẹp quá, đẹp quá” thấy vui vui… Trưởng nhóm, nhà báo Đặng Kim Oanh, cho biết: “Tôi muốn giúp ai đó một chút, vì muốn thoải mái trong tâm hồn, muốn tạo phước cho mình và cho những người đi làm cùng tôi. Vì tôi muốn người được nhận quà vui vẻ, đỡ khổ và có cảm giác được yêu thương”.

Nối tiếp ngày “Thứ bảy vui” là “Quán cơm 2.000 đồng” vào trưa chủ nhật hàng tuần trên đường Tuyên Quang của nhóm em Võ Hạnh Bình. Khoảng chục thành viên bắt đầu từ chiều tối thứ bảy chuẩn bị cho đến tận trưa hôm sau. Cơm tuần nào cũng được thay đổi món ngon và đủ chất, có cả trái cây hay xu xoa tráng miệng. Để ra đời được quán cơm này, các bạn trẻ ấy đã ấp ủ từ bao nhiêu lâu, từ chọn địa điểm, kiếm vốn ban đầu, đặt tên quán, phát tờ rơi cho người nghèo… Hôm khai trương tôi biết đêm đó nhiều bạn trong nhóm đã mất ngủ vì lo lắng. Những vị khách đầu tiên đến quán trong bối rối, ngập ngừng nhưng khi được các bạn mời vào ăn chỉ trả với giá 2.000 đồng/đĩa cơm thịt kho, trứng chiên, rau xào, canh rau củ, cơm ăn thoải mái, lại còn được mua về cho người nhà cũng với giá 2.000 đồng thì nhiều người đã rất cảm động. Tôi nhìn nụ cười rạng rỡ của anh Tư bị mất một tay ở Bình Hưng sau khi ăn xong còn bảo: “Ngon quá, rẻ quá, phải chi ngày nào cũng có cơm này ăn”. Vâng, đó là điều các bạn trẻ này cũng mong muốn nhưng vì điều kiện chưa cho phép, với lại các bạn còn có những công việc của riêng mình nên chỉ mở quán được vào ngày chủ nhật. Những tuần sau, khách đông hơn, phần cơm đã lên đến hơn 250 phần/buổi và các nhà hảo tâm cũng góp cho quán nhiều hơn để hỗ trợ cho nhóm.

 Mọi lúc, mọi nơi

Không chỉ ngày cuối tuần mà ở thành phố du lịch này hoạt động từ thiện của mọi người đã có mặt mọi lúc, mọi nơi. Chỉ cần một chia sẻ trên mạng xã hội, hay một địa chỉ trên Báo Bình Thuận về một hoàn cảnh khó khăn nào đó cần giúp đỡ là ngay lập tức xuất hiện những tấm lòng. Không ít người dân nghèo ở Phan Thiết đều biết đến thầy Thích Như Giáo - Trụ trì chùa Pháp Diên. Tôi từng đi trao xe lắc cùng thầy quả thật đúng như mọi người nói, một người vì người nghèo. Biết được một hoàn cảnh nghèo ở đâu là có mặt thầy, từ tặng quà cho người nghèo, bệnh nhân nghèo, trẻ em nghèo, trao nhà tình thương… Hôm trao xe lắc cho chị Phạm Thị Tuyết ở thôn Tiến Hưng, xã Tiến Lợi (Phan Thiết), thấy chị lết đến chiếc xe trong căn nhà nhỏ xập xệ, tôi thấy thầy lặng người quay mặt đi rồi móc túi trao thêm cho chị 500.000 đồng, thầy còn bảo: “Sắp tới thầy có phát gạo ở chùa nhớ đến lĩnh, thầy cho số điện thoại có gì khó khăn cứ gọi thầy”. Hình ảnh sư thầy hơn 70 tuổi nhưng còn tráng kiện, một mình ngồi giữa 2 thùng cháo nhân đạo múc vào tô cho bệnh nhân nghèo ở bệnh viện quả là rất đẹp. Các phật tử hay theo thầy đi làm từ thiện còn bảo thầy sống lạc quan lắm. Thấy thầy rèn luyện sức khỏe bằng cách đu vắt vẻo trên cành cây mà sợ thầy… té. Có lẽ vì lạc quan thế mà thầy trẻ khỏe mãi. Chùa Pháp Diên vào các ngày rằm, mùng 1 là địa chỉ ăn chay miễn phí thường xuyên cho người nghèo.

                
Nhóm thứ bảy vui phát gạo cho người nghèo.

Một nhóm từ thiện cũng được mạng xã hội ở Bình Thuận biết đến là nhóm của em Lưu Nguyễn Tú Thi. Từ việc tổ chức một sân chơi và tặng quà cho các trẻ em nghèo ở vùng nông thôn đến việc giúp đỡ bệnh nhân nghèo, các hoàn cảnh nghèo vô tình các bạn bắt gặp trên đường. Vài trăm ngàn đồng, vài chục ký gạo đến vài triệu đồng đối với người nghèo lúc khó khăn là một món quà vô giá. Hình ảnh các em buổi tối đến trao tiền, gạo cho người khuyết tật ngay góc đường khiến ai thấy cũng xúc động. Mới đây nhất là nhóm đã trao 3,2 triệu đồng cho anh Nguyễn Ngọc Thân, bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Bình Thuận…

Trong bài viết này chúng tôi không thể kể hết những nhóm, những cá nhân có tấm lòng vàng, sẵn sàng hỗ trợ giúp người nghèo từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng, từ một ổ bánh mì, một hộp cơm, một thùng sữa, vài bộ quần áo… Và thông qua các nhóm, người làm từ thiện làm cầu nối đến cho người nghèo. Chỉ biết họ làm thế đơn giản là cảm thấy vui hơn, thanh thản hơn khi giúp cho người nghèo, có người thấy tội thì cho, có người làm vì muốn tích đức cho con cháu, giúp một cách hết sức vô tư, không cần báo đáp… Cho dù bất kỳ lý do gì đi nữa, tôi vẫn luôn trân trọng họ bởi họ có một tấm lòng. Hay như em hàng xóm gần nhà tôi luôn là một mạnh thường quân giấu tên, mỗi khi có trường hợp nào khó khăn em lại giúp vài chục ký gạo, mấy trăm ngàn đồng hay nói: “Cứ cho đi mình sẽ nhận lại chị ạ”… Vâng, mỗi khi qua một con đường, qua một góc phố bắt gặp hình ảnh một người ăn xin tật nguyền ngồi co ro, hình ảnh một cụ già chân tay yếu ớt cầm xấp vé số đi bán, bạn sẽ thấy chạnh lòng, thì đâu đó có những tấm lòng lặng lẽ bên dòng đời xuôi ngược sẽ giúp họ bớt đi phần nào nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống. Thế đấy như câu hát của Trịnh Công Sơn mà tôi hay nghe “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không?”.

Hà Thu Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ở nơi chỉ có… tấm lòng