Theo dõi trên

Những tháng cuối năm: Cẩn trọng và chủ động ứng phó với thời tiết khó lường

14/11/2019, 09:35

BT - Hiện nay, Bình Thuận đang bước vào mùa thiên tai chính, thường xuyên xảy ra mưa, bão, lũ, ngập lụt, dông sét... Theo nhận định, từ nay đến cuối năm, tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn ở Bình Thuận khả năng sẽ có diễn biến phức tạp, khó lường. Phóng viên Báo Bình Thuận đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hùng Tân - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT và TKCN) xung quanh vấn đề này!       

Chào ông! Ông có thể cho biết ngắn gọn tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay?

Từ đầu năm 2019 đến nay, có 6 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông. Tuy nhiên, rất may, các cơn bão và ATNĐ nói trên không ảnh hưởng trực tiếp đến thời tiết khu vực tỉnh Bình Thuận. Tuy vậy, nhiều đợt mưa lớn cục bộ kết hợp lốc xoáy gây ngập úng, tốc mái, sụp đổ nhà cửa cũng như thiệt hại nhiều diện tích hoa màu, cây trồng; sét đánh chết 1 người tại thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh. Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh gây sóng lớn kết hợp triều cường, đã làm sạt lở bờ biển tại các địa phương như TP. Phan Thiết, Tuy Phong. Đơn cử, từ ngày 15 - 20/6, tại khu vực phường Hàm Tiến (TP. Phan Thiết), sóng mạnh kết hợp thủy triều dâng cao đã gây sạt lở, biển xâm thực sâu vào đất liền khoảng 5 - 7 m, thiệt hại nặng về tài sản của nhân dân. Đồng thời ảnh hưởng đến tính mạng du khách và người dân trong khu vực.

Ông Nguyễn Hùng Tân - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Đặc biệt, từ tháng 1 đến đầu tháng 6/2019 là thời kỳ mùa khô ở Bình Thuận, nhiều nơi không có mưa hoặc có mưa nhưng lượng không đáng kể. Nhất là khu vực phía Bắc tỉnh, đã gây nên tình hình khô hạn thiếu nước trong sinh hoạt và sản xuất; đồng thời, xâm nhập mặn còn xảy ra ở các vùng cửa sông và ven biển tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, TP. Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và thị xã La Gi gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất và sinh hoạt đời sống của nhân dân. Ngoài ra, trên biển đã xảy ra 78 vụ tai nạn, sự cố, làm chết 68 người, mất tích 8 người, bị thương 2 người, chìm 19 tàu cá, hư hỏng 1 tàu cá khác và 2 tàu cá bị cháy.

Chỉ trong thời gian ngắn mới đây, đã có 2 cơn bão số 5 và số 6 đổ bộ trực tiếp đến nước ta. Bình Thuận bị ảnh hưởng gì không, thưa ông!

Bình Thuận dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp của 2 cơn bão này, nhưng vẫn có mưa to do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới và hoàn lưu cơn bão số 6, gây thiệt hại ở một số địa phương. Cụ thể, trong đêm 5/11 và rạng sáng 6/11, một số khu vực trong tỉnh có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to như: La Gi: 147,6mm; Tân Thắng: 200,5mm. Hậu quả, làm ngập úng cục bộ, ngập và sạt lở nhà cửa, hư hỏng một số hạng mục công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn thị xã La Gi. Đặc biệt, mưa to làm nước và cát tập trung trong dự án tổ hợp Khu du lịch thung lũng Đại Dương đổ dồn qua đường, gây sạt lở, sụp đứt 2/3 nền mặt đường, dài 30 m, tuyến đường giao thông ĐT 719 tại Km8+550 (Phan Thiết đi Mũi Kê Gà). Ngay khi xảy ra sự cố, Sở Giao thông Vận tải đã điều động lực lượng hướng dẫn, điều tiết giao thông, phối hợp với chủ dự án (Công ty TNHH Delte - Valley Bình Thuận), Ban Quản lý dự án tại công trường chủ động triển khai các biện pháp khắc phục, đảm bảo giao thông. Riêng khu vực La Gi, mưa lớn làm ngập khoảng 53 nhà dân và 58 ha cây trồng (38 ha lúa và 20 ha thanh long). Đến chiều 6/11 nước lũ rút nên người dân đã tích cực triển khai khắc phục hậu quả. Ước tổng giá trị thiệt hại của thị xã La Gi khoảng 320 triệu đồng.

Thời gian từ nay đến cuối năm là cao điểm của các đợt thiên tai. Ông cho biết một số việc cần làm để người dân đối phó?

Để chủ động phòng tránh, ứng phó và nhanh chóng khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, công tác phòng chống thiên tai từ nay đến cuối năm cần được chú trọng và đặt lên hàng đầu. Phải theo dõi thường xuyên diễn biến tình hình thời tiết, thiên tai để chủ động phòng tránh; kiểm tra, rà soát các vùng trọng điểm xung yếu, các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, sạt lở bờ biển để chủ động xử lý, ứng phó kịp thời. Rà soát phương án, kế hoạch sơ tán, di dời dân cư ở vùng ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, ATNĐ đổ bộ và vùng ảnh hưởng của lũ, ngập lụt.

Về phía các địa phương, UBND cấp xã phải thành lập đội xung kích ứng cứu cấp xã để chủ động ứng phó ngay từ giờ đầu khi xảy ra thiên tai, hướng dẫn các hộ gia đình chuẩn bị thật tốt theo phương châm "4 tại chỗ" từ hộ gia đình, nhất là tại các vùng xung yếu, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, không để bị động khi thiên tai cô lập, khi chưa có sự chi viện của bên ngoài. Riêng huyện Phú Quý, phải chuẩn bị vật tư, nhu yếu phẩm, lương thực thiết yếu từ 20 - 30 ngày. Kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch sắp xếp neo đậu, kéo tàu thuyền lên bờ và di dời tàu thuyền khi có thiên tai xảy ra, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân...

Xin cảm ơn ông!

Kiều Hằng (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những tháng cuối năm: Cẩn trọng và chủ động ứng phó với thời tiết khó lường