Theo dõi trên

Những người lính không cầm súng ở Trường Sa

26/04/2017, 08:56

Bài 2: Trường rada bảo vệ Trường Sa

BT- Chúng tôi vẫn gọi các anh, những người lính rada là những người “canh trời” Trường Sa. Những người lính vẫn ngày đêm thầm lặng canh từng con sóng, nhìn từng chấm đen xuất hiện trên màn hình. Đằng sau màu áo xanh da trời là những trái tim bùng cháy đam mê, khát khao nhiệt huyết bảo vệ bình yên vùng trời, vùng biển Trường Sa.

                              
Kiểm tra, hướng dẫn sử dụng trang thiết bị.
   
Giao lưu bóng chuyền giữa Trạm rada T44 với    bộ đội Hải quân.

Những người thầm lặng

Chúng tôi đến Trạm rada T44 đóng chân trên đảo Phan Vinh vào những ngày đầu năm 2017. So các nơi chúng tôi đặt chân đến thì nơi đây khá yên lặng. Trong cái bắt tay thật chặt, Thượng úy Phạm Minh Thảo giải thích: Đặc thù của người lính rada là vậy, khi làm nhiệm vụ thì ở trong phòng máy còn hết ca trực anh em đi tăng gia sản xuất, vào phòng truyền thống đọc sách báo hay đi chơi thể thao. Vì vậy ở các trạm rada thường yên lặng hơn những đơn vị khác trên đảo.

Tôi thắc mắc tất cả cửa ở đây đều được dán ni lông, máy móc thiết bị luôn được phủ khăn mỏng. Thượng úy Thảo giải thích: “Đó là cách những người lính ở đây giữ gìn máy móc trang thiết bị. Gió biển toàn hơi muối quần áo phơi còn hư, nói gì máy móc, muối vào là hoen rỉ hết cả. Lại ở trong điều kiện xa xôi, giữ máy móc như giữ người yêu ấy”. Ở giữa biển khơi, thời tiết khắc nghiệt với nắng to, gió dữ, hơi mặn ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ và hoạt động của khí tài. Do đó, cán bộ, chiến sĩ trong trạm phải thường xuyên chăm lo, tích cực thực hiện tốt công tác bảo dưỡng mọi mặt. Đồng thời chủ động phát hiện và tự sửa chữa hỏng hóc để đảm bảo khí tài luôn trong tình trạng kỹ thuật tốt nhất. Nói rồi anh dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh đơn vị.

Không phải nói quá nhưng những chiến sĩ rada trồng rau còn tốt hơn những người phụ nữ trong đất liền. Vườn rau cải xanh ngắt, lá mồng tơi to cỡ bàn tay xòe không phải hiếm ở đơn vị rada. Trên giàn mướp rộng chừng 10m2 nhưng phải có đến 50 trái chuẩn bị thu hoạch. “Để có giàn mướp tốt như thế này, anh em phải canh giữ lắm. Ngoài chăm sóc thì việc cho thụ phấn mướp cũng phải đúng thời gian. Ở Trường Sa không có ong, bướm nên người phải làm thay. Khi bông hoa đực và hoa cái hé nở thì sáng sớm hôm sau anh em hái bông hoa đực rủ phấn vào bông hoa cái để thụ phấn”, Thượng úy Phạm Minh Thảo chia sẻ. Nghe có vẻ dễ làm nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì không đơn giản. Chỉ cần mạnh tay một chút là hoa cái sẽ bị gãy lập tức. Còn chọn hoa không chính xác dẫn tới kết quả thụ phấn không cao, tỷ lệ mướp đậu trái thấp. Khó là vậy, nhưng tất cả cán bộ chiến sĩ ở Trạm T44 đều thành thục kỹ thuật này. Không chỉ trồng rau mà ở trạm còn nuôi cả heo rừng, gà, vịt. Nhờ đó, nguồn thực phẩm tươi, xanh cải thiện bữa ăn hàng ngày cho cán bộ, chiến sĩ đã ngày càng chủ động hơn.

 Không để Tổ quốc bị bất ngờ

Không chỉ tăng gia sản xuất giỏi, trong công việc thì những cán bộ chiến sĩ Trạm rada T44 là những người xuất sắc. Đóng quân ở vị trí trọng yếu, đòi hỏi bộ đội ra-đa, nhất là những chiến sĩ trẻ phải chủ động học tập, huấn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Chứng kiến những cán bộ đã vững chuyên môn luôn tận tình “cầm tay chỉ việc” cho những chiến sĩ trẻ tại các buổi trực mới thấy rõ tình cảm đồng đội, đồng nghiệp ở đơn vị. Thấu hiểu sự vất vả của cấp dưới, cán bộ, chỉ huy trạm chú trọng phân công lịch trực khoa học, hợp lý, bảo đảm bộ đội có thời gian nghỉ ngơi. Thiếu tá Đặng Ngọc Dân, Chính trị viên Trạm ra-đa 44 cho biết: Cán bộ, chiến sĩ được điều ra đảo công tác đã được tuyển lựa kỹ lưỡng không chỉ về lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng mà còn phải có tinh thần nỗ lực vượt khó và trình độ chuyên môn tốt. Với quyết tâm không để Tổ quốc bị bất ngờ vì các tình huống trên không, đơn vị thường xuyên quán triệt nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời đơn vị cũng thường xuyên tổ chức các đợt huấn luyện, giả định nhiều tình huống để cán bộ, chiến sĩ luyện tập, sử dụng tốt các trang thiết bị.

                
Trung úy Nguyễn Thanh Trúc đang thụ phấn    cho hoa mướp.

Trong công việc thì nghiêm khắc nhưng trong sinh hoạt thì tất cả là anh em. Cả đơn vị tập trung chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần, duy trì phong trào thể thao để họ vơi đi nỗi nhớ nhà, giải tỏa áp lực công việc, tăng thêm tình cảm, gắn kết tình đồng đội. Năm 2014, thấy đơn vị còn khoảng đất trống bên cạnh, cán bộ, chiến sĩ Trạm T44 cùng chung tay san nền đổ xi măng làm sân bóng chuyền. Chiều chiều, trên sân đơn vị luôn diễn ra những trận bóng chuyền so tài “nảy lửa” giữa bộ đội Trạm ra-đa 44 với các chiến sĩ Hải quân. Trên đảo còn có Nhà văn hóa đa năng khang trang, bộ đội tập luyện các môn thể thao trong nhà như bóng bàn, thể hình, cờ vua, cờ tướng. Trạm cũng thường xuyên tổ chức cho bộ đội các hoạt động giải trí lành mạnh như hát karaoke, sinh nhật đồng đội, thi hái hoa dân chủ vào các ngày lễ kỷ niệm của quân đội, đất nước. Thượng tá Lê Văn Chiến, Phó tham mưu trưởng Sư đoàn 377 cho biết: “Trạm rada T44 là một trong những đơn vị có thành tích huấn luyện xuất sắc của sư đoàn. 4 năm trở lại đây, Trạm rada T44 luôn đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”. Cùng với các đơn vị khác, Trạm rada T44 đã tạo thành trường rada bảo vệ Trường Sa. Với trang thiết bị hiện nay, tất cả các phương tiện bay xuất hiện tại vùng trời Trường Sa đều được các đơn vị rada phát hiện, theo dõi ở một khoảng cách khá xa đủ để triển khai các biện pháp xử lý thích hợp”.

Chúng tôi rời đảo Phan Vinh khi cán bộ, chiến sĩ Trạm rada T44 chuẩn bị bước vào trận đấu bóng chuyền giao hữu với bộ đội Hải quân. Tiếng cười nói, cổ vũ vang khắp đảo. Trường Sa hôm nay đã có nhiều thay đổi, đời sống cán bộ, chiến sĩ đã được cải thiện rõ nét. Tất cả các đơn vị đóng chân trên đảo đều có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng cùng nhau bảo vệ vững chắc biển trời quê hương.

Nguyễn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những người lính không cầm súng ở Trường Sa