Theo dõi trên

Những người lính không cầm súng ở Trường Sa

25/04/2017, 08:31

Bài 1: Ánh sáng chủ quyền

LTS: Trường Sa không chỉ có những người chiến sĩ hải quân ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biên cương, nơi đây còn có những “người lính” không trực tiếp cầm súng vẫn ngày đêm cống hiến tuổi xuân vì sự bình yên của Tổ quốc. Khác đơn vị nhưng họ lại cùng một tấm lòng, chung một ý chí gìn giữ, bảo vệ toàn vẹn vùng biển, vùng trời Tổ quốc…

                
      
Không mang quân hàm nhưng cán bộ, nhân viên    trạm hải đăng vẫn ngày đêm hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần khẳng    định chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Đêm xuống, ánh sáng từ ngọn hải đăng Tiên Nữ tạo một vệt dài chiếu thẳng vào không trung xoay một vòng 3600. Vệt sáng như tia sét xé toang màn đêm tĩnh lặng. Từ tín hiệu này những con tàu định hướng được hướng đi, nhận biết được rạn san hô giúp những chuyến tàu trên tuyến hàng hải quốc tế lưu thông an toàn...

Soi đường cho những chuyến tàu

Biển Đông có vị trí chiến lược rất quan trọng trong lĩnh vực vận tải biển quốc tế. Hằng năm có hàng triệu chuyến tàu qua lại trên biển Đông. Để tàu thuyền qua lại vùng lãnh hải nước ta được an toàn, hằng đêm, những ngọn hải đăng đã soi đường, hướng dẫn tàu bè đi đúng luồng lạch, vượt bãi ngầm san hô. Quần đảo Trường Sa có tổng cộng 9 ngọn hải đăng tại các đảo: Trường Sa lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, An Bang, Sơn Ca, Nam Yết, Tiên Nữ, Đá Lát và  Đá Tây.

Trong chuyến công tác tại Trường Sa cuối năm 2016, chúng tôi may mắn được thăm trạm hải đăng (THĐ) trên đảo Tiên Nữ. Đây là THĐ xa nhất về phía Đông Nam của Tổ quốc, nơi đón mặt trời mọc lên trước đất liền gần một tiếng đồng hồ. Muốn đến được THĐ Tiên Nữ phải đi qua một bãi san hô khá rộng. Khi nước xuống từ xa có thể nhìn thấy được chân ngọn hải đăng nhưng khi nước triều lên thì lại chìm dưới làn nước mênh mông. Cũng bởi vị trí khá đặc biệt này mà hôm chúng tôi đến hải đăng Tiênnữ, cả đoàn phải lội bộ một đoạn mới đến nơi.

Hải đăng Tiên Nữ cao 27m, hiện do Công ty Đảm bảo an toàn hàng hải biển Đông - Hải đảo miền Nam quản lý, vận hành. THĐ Tiên Nữ có 4 cán bộ, nhân viên. Trong đó, anh Bùi Văn Sơn, Trạm trưởng Trạm hải đăng Tiên Nữ có thâm niên công tác lâu nhất với 21 năm gắn bó với nghề. Ngọn đèn của hải đăng Tiên Nữ là đèn chớp trắng, với chu kỳ 10 giây/lần. Hàng ngày, hải đăng được thắp khoảng 12 tiếng, từ 17h30 hôm trước đến 5h30 phút ngày hôm sau. Để những con tàu nhận diện được các điểm đảo, các nhà đèn trên biển ở Trường Sa thường được phân biệt với nhau bởi các yếu tố như chu kỳ chớp, nhóm chớp, hệ thống pha quay hay màu sơn của đèn. Để chúng tôi hiểu rõ hơn về đặc trưng của “Nhà đèn”, Lê Huy Tân, một nhân viên hải đăng Tiên Nữ giải thích: “Ví như về chu kỳ chớp, có đèn chớp 10 giây, “Nhà đèn” khác lại chớp 12, 15 giây. Hoặc về nhóm chớp, có “Nhà đèn” có nhóm chớp: 2 + 1, có “Nhà đèn” lại chớp theo nhóm: 3 + 1…”.

Mỗi ngọn hải đăng có một đặc trưng riêng nhưng có điểm chung là để những cây hải đăng luôn được thắp sáng trên biển thì cán bộ, nhân viên, bên cạnh việc phải được đào tạo cơ bản nghiệp vụ về máy, về đèn, trang bị các kỹ năng khác như học cách sơ, cấp cứu người khi bị ngã, bị chuột rút khi ở dưới nước, cách chống say nắng, say sóng…Đặc biệt, để đèn hoạt động được ở nơi bốn bề sóng nước, hơi muối xâm nhập mạnh, nhân viên “Nhà đèn” phải chăm sóc đèn như những bà mẹ chăm con nhỏ; phải lau chùi, bảo quản, bảo dưỡng chu đáo, tỉ mỉ. 

Ở đâu cũng là nhà

Với những cán bộ đang công tác tại những trạm hải đăng trên quần đảo Trường Sa thì việc công tác xa nhà là nhiệm vụ thường xuyên. Một nhiệm kỳ công tác trực đèn thường kéo dài từ 9-12 tháng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, anh em về nghỉ phép rồi lại tiếp tục nhận công tác ở THĐ khác. Năm nay là năm thứ 21 Trạm trưởng Bùi Văn Sơn ra đảo. “Chúng tôi là những người làm công tác dân sự nhưng vẫn luôn xác định trách nhiệm bảo đảm chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trong 21 năm công tác ở các ngọn hải đăng thuộc quần đảo Trường Sa, tôi đã 13 lần đón tết xa nhà. Tuy nhiên, không vì thế mà tôi cảm thấy buồn, bởi vì đó là nhiệm vụ rất đỗi vinh dự và tự hào. Vả lại, đón tết ở Trường Sa cũng có cái vui, vì được sự quan tâm chăm lo chu đáo từ đất liền về vật chất  lẫn tinh thần…”, anh Sơn tâm sự.

Cùng công tác xa nhà nên những cán bộ THĐ thương nhau như anh em ruột. Mỗi khi anh em có chuyện buồn là cả trạm lại san sẻ. Người có thân nhân mất, anh gặp chuyện gia đình... tất cả đều được trải lòng. Những phút tâm sự đó giúp họ gắn bó lúc nào không hay. “Công tác xa nhà, việc cha mẹ mất mà không về chịu tang được là chuyện không hiếm với những người canh giữ hải đăng. Những lúc như vậy anh em phụ một tay giúp đồng chí của mình soạn mâm cúng vái vọng. Người hái bó rau xanh, bắt con gà, người mang lưới ra rạn san hô tìm con cá. Bạn cũng như mình, ai chẳng có lúc gặp chuyện khó khăn”, anh Tân tâm sự.

Một vài năm trở lại đây, đời sống của cán bộ, nhân viên các THĐ trên quần đảo Trường Sa đã tốt hơn. Trước đây, nguồn năng lượng thắp sáng chủ yếu dựa vào máy nổ nhưng nay đã được đầu tư hệ thống pin năng lượng mặt trời. Có điện, các trạm được trang bị thêm tivi, dàn karaoke để cán bộ giải trí khi chưa đến ca gác. Rồi sóng điện thoại đã được phủ khắp quần đảo giúp việc liên lạc với gia đình dễ dàng hơn.

Chúng tôi rời THĐ Tiên Nữ khi những con sóng bắt đầu vỗ mạnh vào bờ kè chắn sóng. Hình ảnh những cán bộ vẫy tay chào khiến tôi không thể rời mắt. Tôi chợt nhớ đến niềm vui của anh Sơn khi sắp tới đây anh sẽ hết nhiệm kỳ về quê ở Thái Bình để gặp mặt con trai mới 10 tháng tuổi. Những người canh gác hải đăng không phải là lính nhưng những cống hiến của họ nơi biên cương Tổ quốc thật đáng trân trọng.

NguyỄn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những người lính không cầm súng ở Trường Sa