Theo dõi trên

Những đêm không ngủ

16/03/2020, 16:11

BTO- Những đêm không ngủ, ổ bánh mì chưa kịp ăn, đã nhận điện thoại đến hiện trường. 6 con người ấy, gần như bám tại trụ sở với võng, tấm bạt được giăng ra che nắng, che sương. Họ là những người tuyến đầu, vì sự an toàn cho cả cộng đồng…

                
   
      Các thành viên đang khử trùng tại khu cách ly phường Đức Thắng.

 Ổ BÁNH MÌ VỘI VÀNG

 Trưa muộn, điện thoại của anh Chế Ngọc Thạch (Tiến sĩ – Trưởng khoa ký sinh trùng, côn trùng của Trung tâm kiểm soát bệnh tật) cho hay đội vừa tiến hành xịt khử trùng ở các khu cách ly về. Chiếc bàn đá phía sau đơn vị là nơi sinh hoạt, ở đó vừa có nồi cơm, vừa mâm chén dĩa, bàn cờ tướng. Cả nhóm cười đùa vui vẻ sau những giờ vật lộn với thuốc và thuốc.

                
   
      Những đêm không ngủ.

“Từ khi tỉnh công bố bệnh nhân 34, Ban chỉ đạo tiến hành họp khẩn thì 18h30 đội phản ứng nhanh khi đó, chỉ kịp tranh thủ mỗi người lót dạ ổ bánh mì. Từ các cửa hàng ở Tuyên quang, Trương Hán Siêu, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học, Ngô Sĩ Liên, Hoàng Văn Thụ… nghĩa là những nơi có liên quan đến BN34, cả đội phải làm ngay trong đêm. Hai đêm có lẽ để lại nhiều kỷ niệm với anh em đội, hơn 12 giờ đêm mới về lại đơn vị, tiếp tục là bánh mì, mì tôm. Hàng quán khi đó cũng nhìn với ánh mắt dè chừng và không muốn bán”- anh Chế Ngọc Thạch chia sẻ.

Đội phản ứng nhanh, được chia thành 2 tổ nhưng mãi đến ngày 12 mới thành lập, còn 2 ngày trước đó – khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, đã phải xung trận. “Nhiều rủi ro, vì các anh em phải vào trực tiếp những nơi có nguy cơ cao. Để đảm bảo, phải tuân thủ quy trình từ lúc mặc trang phục bảo hộ, đến khi hoàn thành cởi ra phải đúng, găng tay phải dùng 2 lớp. Nhưng rủi ro thì không biết được” – Thành viên Ngô Thái Dương (phó khoa) cho biết.

Phải nói thời điểm nguy cấp nhất là những ngày 10 và 11/3, hầu hết các địa chỉ có nguy cơ cao, đội phải đảm trách. Những đêm đường phố vắng lặng, không xe cộ đi lại. Những bóng người với trang phục bảo hộ, với thùng thuốc 15kg trên vai. Từ nhà này sang nhà khác, từng ngóc ngách đều phải được xử lý. Là những người tiếp xúc với hóa chất, cho dù có trang phục bảo hộ cần thiết, nhưng rủi ro sẽ rất cao vì lâu dài, là chuyện có thật. “Điều có thể an ủi cho các thành viên chính là khi đến đâu, cũng được chính quyền địa phương, lực lương công an phường hỗ trợ để đảm bảo an ninh trật tự cho các thành viên hoàn thành nhiệm vụ”- Trưởng khoa Chế Ngọc Thạch nói thêm.

Bây giờ đội cũng tạm ổn khi tăng cường nồi cơm điện, và có thêm vài thành viên nữ ở đơn vị hỗ trợ cơm nước, nhưng trong lúc khó khăn cũng hiếm khi có được bữa cơm trọn vẹn, đa phần là cơm bụi, để anh em có thêm chút thời gian nghỉ ngơi giữa trưa tại chỗ, để tiếp tục cho buổi làm việc tiếp theo.

                
   
      Máy hư các thành viên tự sửa.

RỦI RO

Ngoài Tiến sĩ Chế Ngọc Thạch, Thái Dương, đội còn những thành viên Nguyễn Trường Minh, Nguyễn Ngọc Chí, Nguyễn Văn Triệu, Ngô Phùng Thiên Phúc. Đa phần là trẻ, nên đều có chung một nhiệt huyết với chính công việc của mình. Một Nguyễn Ngọc Chí vừa đảm nhiệm lái xe, vừa là kỹ thuật phun thuốc và đôi khi là thợ sửa máy, luôn sẵn sàng chia sẻ hỗ trợ anh em. “Là thành viên năng động, nhiệt tình nhất” – Dương nói thế. Nhưng khi định hỏi anh vài điều, thì anh chỉ nhoẻn miệng cười.

Công việc của các anh, cứ tưởng là đơn giản. Nhưng ít ai hình dung được để mang vác 1 thùng thuốc 15kg, dù có được trang bị phục trang nhưng trong quá trình di chuyển, thuốc bị sốc và chảy ra ngoài, ma sát với lưng, thuốc thấm qua lớp áo bảo hộ. Có hôm ướt sũng, cởi đồ ra những vết loét đỏ hình thành, rát bỏng. Tất cả những thành viên những ngày qua, ai cũng trải qua những cảm giác như thế. Trưởng khoa Chế Ngọc Thạch cho tôi xem những bức ảnh bị viêm da ở vùng mông của Dương và nhiều thành viên khác, như là sự chấp nhận. Chấp nhận đứng trước nguy hiểm của tuyến đầu.

                
   
      Phút nghỉ ngơi hiếm hoi giữa trưa.

“Nhiều anh em đã bị viêm da, loét trên thân thể vì hóa chất thấm vào rất đễ gây viêm da, sức nặng của bình chứa hóa chất khi ma sát dễ làm trầy và từ đó hình thành vết thương, lâu dài cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe”- Trưởng khoa Chế Ngọc Thạch chia sẻ. Sáu con người đang đối mặt với hóa chất thường xuyên, với họ đã trở thành bình thường. Khi hỏi về những chế độ đặc biệt, thì không ai nghĩ đến chuyện đó cả. Giúp sức dập dịch cùng với cả địa phương cũng là trách nhiệm. Mỗi ngày có thêm 1 ca âm tính đã là vui với những con người đơn giản nhất, không có gì ngoài bộ trang phục và thùng hóa chất, cả ngày lẫn đêm.

                
   
      Giấc ngủ trưa vội vàng của       Chí.

Giờ cơm trưa muộn, ở góc sân phía sau Trung tâm kiểm soát dịch bệnh, có một gia đình đang sum họp. Gia đình ấy được xây dựng bằng tinh thần trách nhiệm, bằng hiểm nguy để đổi lấy bình yên. Và ở đó, những vết thương da thịt không hề đau rát, mà chỉ có những giấc ngủ bất chợt ập đến vì mệt nhoài sau những ngày đêm.

    
      “Thuốc khử trùng đang dùng ở các khu cách ly là CloraminB, được pha theo   nguyên lý 0,5% hoạt tính theo Quyết định 343 của Bộ Y tế, vì thế phải   pha theo đúng nồng độ 200gr +10 lít nước” – Tiến sĩ Chế Ngọc Thạch.   

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những đêm không ngủ