Theo dõi trên

Nhọc nhằn nguồn nước…

17/04/2019, 08:41 - Lượt đọc: 96

BT - Tấm bảng Nhà máy nước (NMN) Sơn Mỹ nhỏ nhắn được đặt bên phía trái quốc lộ (QL) 55 hướng từ  thị xã La Gi lên, khiến tôi tò mò ghé thăm vào một ngày chủ nhật đầu tháng tư khi thời tiết ở đây bắt đầu nóng. Con đường rải nhựa dài chừng 100 m thấp dần xuống dưới. Cảnh nhà máy vắng vẻ, im lìm, xung quanh phủ kín lá keo tràm khô rơi rụng, vài thiết bị vận hành rỉ sét, nằm chỏng chơ lâu ngày không còn hoạt động. Những giếng đào vệ tinh của nhà máy khô cạn đáy tự lúc nào. Không ngờ ở nơi được xem thấp nhất xã bán sơn địa Sơn Mỹ ngày trước, dồi dào mạch nước ngầm được chọn xây dựng NMN nhưng bây giờ đã cạn nguồn…

Mạch nước ngầm ngày trước

Tôi chợt nhớ đến khung cảnh ở đây gần 30 năm về trước. Ngày ấy đoạn đường đất đỏ, lồi lõm, ngoằn ngoèo cứ thấp dần dẫn xuống hố hầm phía dưới. Chính nhờ độ sâu này, các mạch nước ngọt, trong lành, mát rượi từ lòng đất chảy ra suốt ngày đêm, bất kể mùa nào. Người dân địa phương làm 1 - 2 cái máng hứng nước về dùng, nguồn nước không bao giờ vơi cạn, nước chảy mãi thành khe xuôi dòng. Cái tên giếng Máng có từ đó. Bà con trong vùng xuống dốc lấy nước khá mệt, chỉ cần vài bụm nước rửa mặt trở nên khỏe khoắn, lấy sức cho đôi gánh trở về nhà. Giếng Máng đã phục vụ nguồn nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ quanh vùng suốt hơn 1 thập niên. Với tôi ngày ấy còn sinh viên, vài tháng nghỉ hè về nhà cũng phụ gia đình xuống giếng Máng lấy nước, tiện thể tắm giặt ở dòng khe phía dưới. Mỗi buổi như thế lấy được 2 đôi nước sạch là tôi đã thấm mệt.

Nhà máy nước Sơn Mỹ dừng hoạt động.

Nước quý, mọi sinh hoạt hết sức tiết kiệm, dùng vào các việc khác nhau. Nước vo gạo nấu cơm, rửa rau được dùng tưới vài cây hoa trước sân, luống cà, ớt sau nhà; nước rửa chén bát để lại nấu nồi cám heo, nước xả đồ giặt đem tưới sân đất khỏi bụi bặm… Hầu hết nhà nào ở đây cũng vậy, không bao giờ phung phí nước. Mùa mưa bà con dùng đủ thứ như bể nhỏ, thùng phuy, lu, vại lớn chứa nước dành mùa khô. Chỉ ít nhà có điều kiện đào giếng, xây bể chứa nước dùng thoải mái hơn. Về mùa khô nước ở đây cần thiết lắm chỉ đứng sau lương thực… Những năm ấy đời sống khó khăn, lại khan hiếm nước sinh hoạt, không ít hộ ở xã địa hình cao này đã vào các tỉnh Đông Nam bộ tìm kế sinh nhai, nguồn nước thuận lợi hơn…

Nhiều lần nâng công suất

Bởi nguồn nước sinh hoạt luôn là nỗi lo của người dân nơi đây, nên những năm thập niên 1990, Sơn Mỹ được đầu tư xây dựng NMN ngay tại khu vực giếng Máng. Nơi ẩm thấp, lồi lõm, triền dốc đã được đơn vị thi công san gạt mặt bằng xây nhà điều hành, trạm bơm, bể chứa nước, đào gần 10 cái giếng thông nhau về giếng chính cung cấp nguồn nước cho hệ thống với công suất ban đầu 100 m3/ngày. Các đường ống chính nối từ đây dẫn lên QL 55 tỏa đi trung tâm xã, một số nơi phụ cận. Khi mới hình thành nhà máy, bà con phấn khởi lắm. Nhiều nhà dọc theo QL 55 sẵn sàng bỏ ra vài triệu đồng lắp đặt thủy kế để có nước sinh hoạt, khỏi đi xa lấy nước. Lượng khách hàng những năm này tăng dần gần 300 hộ sử dụng, nhà máy nhỏ nhiều ngày tăng công suất mới đảm bảo nước cho người dân. Tuy nhiên gặp nắng hạn kéo dài, mạch nước thấp, công suất chỉ còn 70 m3/ngày, không đủ cung ứng.

Hoạt động chừng 10 năm, nhà máy được bàn giao Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận vào tháng 9/2005. Đơn vị chủ quản nạo vét, đào thêm 14 giếng, đầu tư nâng công suất thiết kế 180 m3/ngày, các đường ống lớn nhỏ đường kính 49 mm đến 114 mm nối rộng với tổng chiều dài 23,5 km vào các địa bàn dân cư cách QL 55 chừng 200 m đoạn qua trung tâm xã, phục vụ số hộ dân đang có nhu cầu ngày càng cao. Những năm đầu này, có nhiều ngày NMN vận hành tăng công suất lên gần 300 m3/ngày mới đủ đáp ứng nhu cầu đông đảo người dân sinh sống quanh trung tâm xã… Càng về những năm sau, nhất là vào những tháng mùa khô, mạch nước ngầm cạn dần hệ thống NMN Sơn Mỹ chỉ cấp nước hạn chế cho những hộ dọc QL 55, còn những hộ ở xa tuyến ống, nguồn nước không đến được.

Ông Lương Thanh Châu, Trưởng trạm Khu vực 3 Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn, phụ trách địa bàn Hàm Tân nhìn nhận: “Đỉnh điểm nhiều tháng nắng hạn kéo dài năm 2016 khiến hầu hết giếng đào Sơn Mỹ trơ cạn đáy, hệ thống NMN ở đây tê liệt, không còn vận hành. Trước tình hình khô hạn ấy, thông qua nguồn vốn chống hạn từ Trung ương, UBND tỉnh nhanh chóng đầu tư Sơn Mỹ trạm bơm tăng áp và đấu nối tuyến ống HDPE D220mm chiều dài 3,1 km từ tuyến ống khu vực thấp xã Tân Phước (TX. La Gi) của Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Thuận lên địa hình cao Sơn Mỹ. Trạm tăng áp hoạt động liên tục với công suất 150 m3/ngày, kịp thời cứu khát cho hàng trăm hộ dân lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, nguồn vốn chống hạn còn hỗ trợ một số hộ khác ở xa đường ống nước khoan giếng, lắp ráp bồn chứa nước lớn cho bà con xung quanh đến chở về dùng”. Ông Hoàng Văn Ngọc, Thôn trưởng thôn 2 cho biết: “Nhà tôi được lắp bồn 5 m3 (5.000 lít) vào năm hạn ấy, xe bồn NMN La Gi thỉnh thoảng lên tiếp nước, tạo điều kiện gần 20 hộ trong xóm đến chở nước sinh hoạt miễn phí. Những ngày đầu tháng tư này, nước trong vùng đang khan hiếm dần, bà con lại lục đục chạy xe máy đến lấy nước, nhưng lượng nước từ NMN La Gi bơm lên không còn đều đặn như trước nữa”.

Trong khi đó, ông Lương Thanh Châu chia sẻ thêm: “Mùa khô năm nay, NMN La Gi đang vận hành quá tải nên lượng nước cấp cho Trạm tăng áp Sơn Mỹ bình quân chỉ vào khoảng 120 – 150 m3/ngày, chủ yếu bơm lên trong buổi sáng. Ở phía trên kia, NMN Tân Thắng đã tăng cường vận hành lưu lượng trên 900 m3/ngày vượt công suất thiết kế, nhưng cũng không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước của 3 xã ven biển Hàm Tân. Nhất là địa bàn xa nhà máy, địa hình cao như Sơn Mỹ thường xuyên bị thiếu nước vào thời gian cao điểm, buổi chiều”. Điều này lý giải cho trăn trở của anh Thái Công Ngữ, Chủ tịch UBND xã Sơn Mỹ: “Nước hệ thống nhà máy dạo này yếu quá. Sơn Mỹ lại đối mặt khan hiếm nước trong mùa khô hạn này rồi”. Còn đứa cháu tôi đi làm ở TP. HCM mới về thăm nhà, than thở: “Mỗi lần về quê mùa nắng nóng, cháu sợ nhất thiếu nước sinh hoạt, tắm rửa không được thoải mái!”. Với những hộ đã lắp đặt thủy kế ở xa đường ống chính, nước không bơm tới được hoặc chảy rất yếu, bà con đã ngưng sử dụng nguồn này, tìm nguồn nước khác. Con số này chiếm gần 100 hộ trong tổng số 558 hộ đã lắp đặt thủy kế sử dụng nước tính đến nay.

Khát khao nguồn nước

So sánh với gần 1.800 hộ toàn xã Sơn Mỹ, hộ dùng nước máy địa phương ở mức khiêm tốn, phần đông người dân dành dụm tiền thuê thợ đào giếng, với chi phí đắt đỏ hơn 20 triệu đồng/giếng, có khi 2 - 3 hộ đào 1 cái dùng chung, một số nơi người dân phải khoan giếng mới bắt được mạch nằm dưới lòng sâu. Như chủ nhân Việt kiều sở hữu biệt thự Nguyễn Kiệm nằm ven QL 55 địa hình cao thôn 4, Sơn Mỹ khoan giếng phía sau nhà, qua tầng đá mỏng, sâu đến gần 80 m mới đến mạch nước, có thể bơm được 4 m3/giờ vào mùa mưa. Còn các giếng đào trong khu vực đều có độ sâu 20 m trở lên, gặp năm khô hạn cạn mạch, nạo vét thêm bi, giếng sâu thêm là vậy; bà con phải dùng mô tơ bơm nước theo đường ống dẫn lên bồn nước sinh hoạt chứa 500 lít cho mỗi gia đình dùng 2 - 3 ngày…

Mùa này hạn hán đang kéo dài, không chỉ nước máy khan hiếm mà nhiều giếng đào của người dân mạch nước ngầm đang xuống thấp, nguy cơ thiếu nước. Ông Hoàng Văn Ngọc - thôn trưởng thôn 2, sinh sống ở đây hơn 40 năm, bảo rằng: “Vùng này thường cuối mùa khô mạch nước cạn đến cuối tháng 6, tháng 7 âm lịch trở đi mạch nước mới lên dần. Bà con đào giếng thường chọn mùa này tìm mạch sâu, ổn định”. Bởi vậy, những ngày nóng tháng tư này đã xuất hiện xe mô tô  chở nước dịch vụ cung cấp cho không ít hộ gia đình đang cần nước sinh hoạt nhiều hơn. Giá nước dịch vụ chở đến tận nhà 40.000 - 60.000 đồng/m3 tùy theo khoảng cách. Mấy năm gần đây gần 10 hộ trong xã linh động kinh doanh loại hình này vào mùa khô như biện pháp tình thế giải hạn cho khá nhiều bà con.

Nguồn nước sinh hoạt luôn là nỗi khát khao đối với nhiều hộ dân ở xã Sơn Mỹ, anh Thái Công Ngữ, Chủ tịch UBND xã luôn trăn trở điều này. Anh chia sẻ thêm: “Xã mong dự án nâng cấp, mở rộng hệ thống nước Tân Thắng cấp nước cho 3 xã: Tân Thắng, Thắng Hải, Sơn Mỹ sẽ khởi công cuối năm nay. Nhà máy được bổ sung thêm nguồn nước hồ Sông Dinh 3, nâng công suất lên 2.900 m3/ngày, sẽ cấp nước sinh hoạt thêm vài trăm hộ khu vực Sơn Mỹ. Khi ấy 50% số hộ trong xã sẽ dùng nước máy, số còn lại vẫn sử dụng nước giếng đào như trước nay. Chúng tôi đã kiến nghị UBND huyện Hàm Tân bổ sung thêm hơn 20 tuyến ống vào các khu dân cư ở xa, cấp nước cho dân”. Cũng trong phương hướng khai thác nguồn nước hồ Sông Dinh 3, Khu Công nghiệp Sơn Mỹ 1 quá trình xúc tiến xây dựng, hình thành NMN công suất lớn 100.000 m3/ngày, phục vụ nước sản xuất công nghiệp, dịch vụ, du lịch…

Khi mà nguồn nước máy chưa bao phủ hết, không đủ vào mùa khô, hàng trăm hộ dân ở địa hình cao này vẫn phải nhờ đến những cái giếng đào, giếng khoan sâu hun hút, lấy nước sinh hoạt hàng ngày, nhưng  mạch nước không phải mùa nào cũng ổn định. Người dân ở đây những thập niên qua đã sống chung với cảnh này. Bà con chỉ mong rằng Nhà nước quan tâm hơn vùng đất đang thiếu nguồn nước, tạo điều kiện người dân vượt khó vươn lên, ổn định cuộc sống nơi miền quê đang chuyển mình đi lên…

Thái Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhọc nhằn nguồn nước…