Theo dõi trên

Nghị định 51 - “bảo bối” cho du lịch tăng tốc

23/04/2021, 09:07

BT- Nhiều năm nay, do “chồng” quy hoạch giữa quỹ đất phát triển du lịch và quỹ đất khoáng sản titan nên nhiều dự án du lịch đầu tư vào Bình Thuận có dính đến trong quy hoạch mỏ titan nên tỉnh chưa thể chấp nhận đầu tư. Nghị định 51 ra đời được xem là “bảo bối”  và sẽ “cởi trói” cho ngành du lịch Bình Thuận phát triển mạnh hơn.

                
      
Rồi đây du lịch Bình Thuận sẽ khởi sắc hơn    khi các vướng mắc được tháo gỡ (một resort nghỉ dưỡng ven biển Hàm    Thuận Nam - ảnh: Đình Hòa).

“Rào cản” dọc ven biển

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 19.527 ha thuộc quy hoạch quặng titan và 82.700 ha thuộc khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (tổng diện tích quy hoạch và dự trữ quặng titan là 102.227 ha, chiếm 13% diện tích tự nhiên của tỉnh), phân bố dọc vùng ven biển, có chiều dài khoảng 100 km, chiều rộng trung bình khoảng 8 km kéo dài từ huyện Bắc Bình cho đến Hàm Tân là những nơi có bờ biển đẹp, hội tụ nhiều yếu tố để các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch. Ngoài ra, đây là khu vực tập trung nhiều hoạt động kinh tế như khu công nghiệp, khu đô thị, thương mại – dịch vụ… Nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng như Sân bay Phan Thiết, đường ven biển là khu vực tiềm năng để thực hiện các dự án đô thị, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, những diện tích này không được sử dụng vào mục đích khác khi chưa có ý kiến của Chính phủ, của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Mặt khác hầu hết diện tích thăm dò, khai thác, dự trữ titan trên đều chồng lấn vào các quy hoạch ngành về phát triển đô thị, năng lượng, du lịch, nông-lâm nghiệp theo “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận” đã được Chính phủ phê duyệt.

Chính vì điều này mà vài năm trở lại đây, UBND tỉnh chưa thể chấp thuận đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thuộc khu vực dự trữ quặng titan và chưa giải quyết được vấn đề chồng lấn giữa các quy hoạch, dự án, gây ra nhiều tác động bất lợi cho các ngành kinh tế như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng và nhất là ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và phát triển du lịch. Từ nhiều năm trước, lãnh đạo tỉnh đã tranh thủ làm việc với các cơ quan có thẩm quyền thuộc các bộ, ngành Trung ương về vấn đề này. Sau đó, rất nhiều đoàn công tác của Trung ương, Chính phủ vào làm việc với Bình Thuận và đã đồng ý tháo gỡ chồng lấn quy hoạch sa khoáng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia với các quy hoạch ngành khác, nhất là lĩnh vực du lịch, năng lượng. Hầu hết các dự án lớn ven biển làm sau đều không thể triển khai được, vì vướng mắc quy hoạch này. Nhiều năm liền với sự sốt ruột, trăn trở của lãnh đạo tỉnh đã tích cực kiến nghị Chính phủ xem xét, có ý kiến điều chỉnh quy hoạch dự trữ titan theo hướng đưa ra ngoài quy hoạch khu vực chưa có điều kiện khai thác, nhằm “cởi trói” cho các dự án đầu tư trên các lĩnh vực trong đó có du lịch. Có thể nói sự đeo bám đến cùng của tỉnh, thể hiện trách nhiệm với sự phát triển của tỉnh nhà nên vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương tháo gỡ việc chồng lấn quy hoạch titan theo phương án của tỉnh đưa ra, tăng khả năng phát triển du lịch, bất động sản, năng lượng ven biển… Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, hiện toàn tỉnh có trên 20 dự án vướng quy hoạch titan nên không thể triển khai đầu tư. Điều này làm kéo giảm việc thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch, cản đà phát triển du lịch của tỉnh, trong khi đây là nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Những trở ngại bấy lâu nay của tỉnh đang dần được gỡ từng “nút thắt”, để Bình Thuận dồn sức phát triển 3 trụ cột, trong đó du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. 

“Cởi trói” cho nhiều dự án

Nghị định số 51 ban hành cho phép đưa ra khỏi danh mục một phần hay toàn bộ khu vực khoáng sản đã khoanh định là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia trong các trường hợp để phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh. Thực hiện các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tại các khu vực có lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển các dự án du lịch nghỉ dưỡng theo quy hoạch hệ thống du lịch để phát triển các dự án công nghiệp thân thiện với môi trường theo quy hoạch ngành quốc gia có liên quan (có thời gian dự trữ tối đa 50 năm). Trường hợp đặc biệt, đối với một số khu vực, một số loại khoáng sản đặc thù, thời gian dự trữ có thể lớn hơn 50 năm nhưng không quá 70 năm.

 Nghị định cho phép chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tại khu vực dự trữ quốc gia (trừ các dự án đầu tư có mục đích sử dụng đất lâu dài; các công trình xây dựng thuộc cấp công trình đặc biệt, cấp I theo quy định pháp luật về xây dựng, trừ dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ). Nhưng phải đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng đến tài nguyên, trữ lượng, chất lượng khoáng sản đã được khoanh định là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia thuộc phạm vi dự án; phải có giải pháp bảo vệ loại khoáng sản thuộc đối tượng dự trữ nêu trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc báo cáo đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, việc chấp thuận đầu tư các dự án quỹ đất ven biển cho phép địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh, xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới, sớm trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch.

Tuy nhiên, để chấp thuận đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định điều chỉnh Quyết định số 645/2014 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó xác định cụ thể: Khu vực cần đưa ra khỏi dự trữ. Thời gian dự trữ cụ thể của từng khu vực dự trữ khoáng sản để có cơ sở chấp thuận đầu tư các dự án đảm bảo vòng đời dự án… Như vậy, “cánh cửa” cho các dự án du lịch bị chồng lấn lên vùng quy hoạch khoáng sản titan dọc theo bờ biển Bình Thuận đang “mở” từ Nghị định 51, hy vọng trong thời gian tới, những vướng mắc sẽ được tháo gỡ kịp thời để Bình Thuận có thêm nhiều dự án du lịch mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế được triển khai…

    
      Toàn tỉnh hiện có 385 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực   với tổng diện tích đất cấp là 6.243 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư là   69.918 tỷ đồng. Trong đó, có 22 dự án đầu tư nước ngoài với tổng diện   tích đất cấp là 1.636 ha và tổng vốn đăng ký là 11.231 tỷ đồng; 363 dự   án đầu tư trong nước với tổng diện tích đất cấp là 4.584 ha và tổng vốn   đăng ký là 58.687 tỷ đồng. Tổng số dự án đã đi vào hoạt động là 187 dự   án. Ngoài ra ước còn khá nhiều dự án du lịch vướng  quy hoạch titan nên   tỉnh chưa thể chấp thuận đầu tư…

TRẦN THI



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghị định 51 - “bảo bối” cho du lịch tăng tốc