Theo dõi trên

Nghề báo khi sống hết mình!

21/06/2018, 10:41 - Lượt đọc: 80

Đi càng khó viết càng dễ

BT- Tháng 6 lại về, trong lòng những người làm báo đan xen những cảm xúc khó tả, bởi trong tháng này, có một ngày vô cùng đặc biệt: Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6. Háo hức chờ đến ngày “tết nghề” chỉ để vui cùng nhau, niềm vui đôi khi đơn giản thế thôi. Những nhọc nhằn, gian truân với nghề, vui buồn theo từng con chữ như ngọn lửa tiếp thêm đam mê cho những ai yêu và gắn bó nghề.

Trong những ngày này, thay vì viết cho mọi người thì những nhà báo có dịp viết về mình, để chia sẻ, tâm sự chuyện nghề, chuyện nghiệp, những kỷ niệm vui buồn. Hơn 6 năm làm việc tại Báo Bình Thuận đã phần nào giúp tôi cảm nhận những vất vả, hy sinh thầm lặng mà người làm báo âm thầm cống hiến để có những tác phẩm hay đem đến cho bạn đọc. Đó là những chuyến đi không ngại khó khăn từ tờ mờ sáng, có lúc giữa ban trưa, chưa kể là những vất vả “bám” cơ sở thường xuyên. Thế mới thấy để viết được một tác phẩm tốn khá nhiều thời gian. Nhưng có đi mới biết, mới cảm nhận được hơi thở cuộc sống để có thể cho ra đời “đứa con” ưng ý.

Còn nhớ những ngày đầu làm báo, chuyến công tác đầu tiên bây giờ vẫn là một kỷ niệm đẹp khó quên. Ngày ấy một mình một “ngựa sắt” vượt con đường đất nhão nhoẹt vì trời mưa không ít lần bánh xe bị trượt, quay tròn.  Người cán bộ thôn đi cùng khá quen thuộc tính nết con đường nên hiểu, vì vậy nhiệt tình dừng xe đẩy giúp những đoạn khó. Chặng đường vắng vẻ dài cả vài chục cây số mới đến được nơi cần đến, gặp được nhân vật. Giờ nghĩ lại, lúc ấy không biết một sức mạnh vô hình nào khiến tay lái mình vững chãi để không trượt ngã, độ gan lỳ một mục đích theo kịp người chỉ đường. Có lẽ đây là chuyến đi đã cho tôi nhiều kinh nghiệm trong quá trình đi tác nghiệp là cách xử lý xe khi đi vào đường trơn.

Điều mà tôi hài lòng nhất khi về đã có một tác phẩm hay, mang đậm hơi thở cuộc sống những người nông dân, được Tòa soạn, Ban biên tập đánh giá cao. Đó chính là nguồn động viên lớn đối với mỗi phóng viên, nhất là người mới vào nghề như tôi lúc bấy giờ. Không chỉ có lần vất vả đó, cả những năm tác nghiệp sau này có không ít lần ở cơ sở mưa lạnh run người hay nắng như đổ lửa những ngày tháng 3 xe máy bon bon trên những con đường xa tít. Với tôi, mỗi chuyến đi là một lần trải nghiệm, một khám phá mới mẻ. Người xưa có câu “sinh nghề, tử nghiệp” nên bản thân tôi xác định trước hết phải yêu nghề và có “tâm” trong nghề. Tôi chỉ nghĩ, càng đi nhiều càng biết nhiều, mà đi càng khó thì viết càng dễ. Để tác phẩm của mình “chạm” đến được cảm xúc của độc giả thì hãy “xách ba lô lên và đi”. 

Nhọc nhằn nhưng cũng lắm niềm vui

Có lẽ chỉ những ai trong nghề mới thấy nỗi vất vả của người làm báo. Trước mỗi chuyến đi, đều có những suy tính, dự định nhưng có lúc không chủ động được thời gian, hiệu quả công việc. Nhiều khi đã hẹn trước cơ quan, đơn vị, cơ sở, nhưng xuống đến nơi vì nhiều lý do khác nhau (có người nói bận việc đột xuất, có cả trường hợp “trốn” không tiếp…), không gặp được người cung cấp thông tin, bài viết coi như phải làm lại, hoặc chuyển địa điểm khác. Đó chưa kể khi bài viết chưa hoàn thành xong “ám ảnh” cả khi đi vào cả giấc ngủ. Bất kể giờ nào, đôi khi đang ngủ bỗng dưng suy nghĩ ra vấn đề, liền bật dậy ngồi vào máy. Hạnh phúc lớn nhất chính là hiệu ứng từ những tác phẩm bạn đọc đón nhận, những lời cảm ơn từ cơ sở khi bài viết tạo hiệu ứng xã hội. Ngoài ra, còn phải kể đến niềm vinh dự, tự hào sau mỗi năm miệt mài công tác, có những tác phẩm được xét trao giải thưởng trong các cuộc thi viết của tỉnh, cơ quan tổ chức… Đó chính là niềm vui, niềm tự hào và là bằng chứng khẳng định vinh quang của những người làm báo. Nếu không dấn thân và không yêu nghề thì khó hoàn thành nhiệm vụ.

T.Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghề báo khi sống hết mình!