Theo dõi trên

Mẹ “vướng” chồng Đài Loan, con mất quyền khai sinh? 

09/08/2017, 09:22 - Lượt đọc: 6

BT- Sự việc diễn ra làm trẻ em lâu nay bị mất quyền lợi và có nguy cơ không thể đến trường do không có giấy khai sinh. 

me222.jpg

Hai cháu con chị N chưa thể khai sinh để hưởng các quyền trẻ em, vì mẹ đang vướng hôn nhân với chồng người Đài Loan.

“Tan vỡ” ở xứ Đài! 

Theo trình bày của chị NTMN (30 tuổi, ngụ phường Phú Hài, TP. Phan Thiết), năm 2007 thông qua một người mai mối ở TP. HCM, N kết hôn với ông Chen Te Chang (SN 1965, ở Đài Loan) và sang bên đó sinh sống được 1 năm. Do không thích nghi về điều kiện sống, đồng thời không chịu được sự hà khắc của chồng, trong đó có việc yêu cầu chị phá bỏ thai, nên chị N đã bỏ trốn khỏi gia đình nhà chồng. Được sự giúp đỡ của một số người tại Đài Loan, cuối năm 2008, N trong tình trạng mang thai trở về nước, cư ngụ tại phường Phú Hài và đến đầu năm 2009 thì sinh con. Con đầu của chị N đã được đăng ký khai sinh tại Sở Tư pháp và hiện cháu đã học lớp 2 tại phường Phú Hài. Đến cuối năm 2011, chị N gặp anh VHH (ngụ Hàm Đức, Hàm Thuận Bắc) và chung sống với nhau như vợ chồng. Hai người có với nhau 2 con chung, một cháu sinh năm 2012 và một cháu sinh năm 2015. Ngay sau khi sinh Bệnh viện đa khoa tỉnh cấp giấy chứng sinh, chị N nhiều lần đến phường Phú Hài xin làm giấy khai sinh, nhưng cán bộ tư pháp phường sau nhiều lần xem xét đã trả hồ sơ vì chị N chưa làm thủ tục ly hôn với người chồng Đài Loan.

 Phải ly hôn mới được?

Về trường hợp không thể làm giấy khai sinh cho các con của chị N, ông Võ Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND phường Phú Hài, cho biết: Phường đã quan tâm xem xét vì liên quan đến quyền và lợi ích của trẻ em. Tuy nhiên, phường có xin hướng dẫn của Phòng Tư pháp Phan Thiết và Phòng Tư pháp có xin hướng dẫn của Sở Tư pháp bằng văn bản thì trường hợp khai sinh cho các con của chị N, với điều kiện chị N phải ly hôn với người chồng Đài Loan mới thực hiện được. Ông Hồ Quý Sơn, Trưởng phòng Tư Pháp Phan Thiết cho biết: Theo Luật Hôn nhân gia đình, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân phải ghi thông tin về người cha. Trong khi chị N hiện vẫn còn hôn nhân hợp pháp với người chồng Đài Loan, nên nếu khai sinh cho con thì buộc phải ghi thông tin người cha. Do đó, chị N muốn khai sinh cho con đứng tên cha (là chồng sau cho con) hoặc chỉ đứng họ mẹ đơn thân, trong trường hợp không xác định cha là không được. Chị N phải nộp hồ sơ ly hôn với người chồng Đài Loan tại Tòa án tỉnh. "Sau khi tòa giải quyết ly hôn thì chị N mới tiến hành làm khai sinh cho các bé", ông Sơn giải thích thêm.

Tiếp xúc chúng tôi trong căn nhà nhỏ chỉ hơn 30m2, nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo của khu dân cư nghèo xóm biển Phú Hài, đây cũng là tổ ấm hạnh phúc hiện tại của vợ chồng chị N, cùng 3 người con và mẹ già. Trong tâm trạng lo lắng, chị N tâm sự: Do ít học, thiếu hiểu biết pháp lý, đồng thời kinh tế khó khăn, không có kinh phí để lo thủ tục, hồ sơ ly hôn, nên khi về nước cho đến nay không nộp đơn ly hôn với người chồng Đài Loan và giờ mới vướng pháp lý. Do đó, ngay sau khi có hướng dẫn của Phòng Tư pháp và phường, đầu tháng 6/2017, chị N đã nộp hồ sơ ly hôn và đóng các loại án phí và phí khác với số tiền 4 triệu đồng. Theo chị N, tòa án cũng đã tạo điều kiện sớm giải quyết vụ việc, tuy nhiên theo tòa sớm nhất đến tháng 12 năm nay mới đưa vụ việc ra xử lý do liên quan đến nhiều thủ tục. Nếu việc niêm yết và không liên lạc với  người chồng cũ, thì thủ tục đăng công khai theo quy định có thể mất thêm thời gian. Trong khi năm học 2017 – 2018 sắp bắt đầu, nếu không có giấy khai sinh (nhất là cháu lớn đến tuổi vào mẫu giáo) thì các bé không thể đến trường. “Việc khai sinh cho hai con hiện tại nhưng đứng tên cha (là người chồng Đài Loan) vào giấy khai sinh là không được, bởi lâu nay ở địa phương ai cũng biết anh H sinh sống cùng em. Mong muốn lớn nhất của vợ chồng em lúc này là các con có giấy khai sinh để kịp đến trường vào năm học mới”, chị N nói trong nước mắt. Đây cũng là lý do những tháng qua, chị N phải chạy đôn, chạy đáo cầu cứu nhiều nơi, trong đó có Báo Bình Thuận.

  Chuyên gia pháp lý nói gì?

Trao đổi về trường hợp chị N, luật sư Đỗ Minh Trúc, Trưởng Văn phòng luật sư Phan Thiết, người trợ giúp pháp lý miễn phí cho chị N phân tích: Theo Điều 30, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh". Bên cạnh đó,  Điều 13, Luật Trẻ em năm 2016 cũng nêu rõ: "Trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật”. Ngoài ra, theo khoản 1, khoản 2, Điều 15, Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch, việc đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ được xác định như sau: "1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ. 2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong sổ hộ tịch và giấy khai sinh của trẻ để trống”.

Như vậy, với trường hợp của chị N, mặc dù chưa ly hôn với ông Chen Te Chang (hiện sinh sống ở Đài Loan) nhưng đã sống chung như vợ chồng với anh VHH tại địa phương từ năm 2011 và có 2 con với anh H, do vậy giữa chị N và anh H không tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp. Tuy nhiên, căn cứ các quy định nêu trên, chị N vẫn có quyền được đăng ký khai sinh cho con theo hình thức chưa xác định được người cha, khi đăng ký khai sinh thì phần ghi họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của chị N; phần ghi về cha trong sổ hộ tịch và giấy khai sinh của trẻ để trống. Nếu sau này có người yêu cầu nhận cha cho con thì tòa án sẽ giải quyết theo quy định. Việc giải quyết cho chị N được đăng ký khai sinh cho con theo hình thức trên là hoàn toàn đúng pháp luật và đảm bảo quyền được khai sinh của trẻ em theo Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và Luật Trẻ em cùng các văn bản pháp luật có liên quan.

Cũng theo luật sư Trúc, thực tế trên địa bàn Bình Thuận cũng có nhiều trường hợp tương tự như chị N hiện ở xã Hải Ninh, xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình vẫn được UBND cấp xã cấp giấy khai sinh theo quy định nêu trên. Việc UBND phường Phú Hài yêu cầu chị N phải ly hôn xong với ông Chen Te Chang là không thể thực hiện được, bởi đây là việc ly hôn có yếu tố nước ngoài. Hiện ông Chang đang sống ở Đài Loan, nếu ông Chang không hợp tác thì tòa án không thể giải quyết việc ly hôn vì giữa Việt Nam và Đài Loan không ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp nên việc ủy thác tư pháp sẽ không thể thực hiện. Đây cũng là vướng mắt mà đến nay Tòa án tối cao chưa có văn bản hướng dẫn, dẫn đến những vụ ly hôn tương tự đều không thể giải quyết.

Từ những phân tích trên, theo chúng tôi, các cháu trong trường hợp này không có lỗi và việc được thụ hưởng đầy đủ các quyền và lợi ích của trẻ em là điều cần thiết. Do đó, phường Phú Hài cần kịp thời cấp giấy khai sinh để các cháu đến trường vào dịp năm học mới. Đây là việc làm không chỉ mang tính nhân văn mà còn là trách nhiệm. 

Phúc Sinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mẹ “vướng” chồng Đài Loan, con mất quyền khai sinh?