Theo dõi trên

“Loạn” sang nhượng đất nông nghiệp ở Phú Quý

12/06/2018, 08:29

Bài 2: Quỹ đất nào cho dân địa phương?

BT- Trong khi người ở đất liền đang có phong trào ra đảo mua đất đầu cơ, thì không ít người dân địa phương lại vào TP. Phan Thiết mua đất để dành, lo cho tương lai. Nhiều hộ dân khác coi việc sốt đất ở đảo hiện nay là “bong bóng”, không bền vững. Hiện chính quyền địa phương đang tập trung tuyên truyền, khuyến cáo bà con giữ đất để làm kế sinh nhai.

                
Đất rẫy ven biển tại Phú Quý được rao bán    nhộn nhịp.

 Sợ mất đất nông nghiệp

Huyện đảo Phú Quý có tổng diện tích 17,82 km2, với dân số trên 28 ngàn người. Người dân trên đảo sống chủ yếu bằng nghề biển, từ đánh bắt hải sản, hậu cần nghề cá và dịch vụ. Hiện tại, hầu hết các hộ dân trên đảo đều có diện tích đất rẫy. Do điều kiện khó khăn về nguồn nước, nên đất rẫy ở đây chủ yếu trồng các loại cây ăn trái như xoài, mãng cầu, nhiều mảnh đất bỏ trống với vô số cây, cỏ dại. Xuất phát từ đó, không ít hộ nhận thức rằng, rẫy không sản xuất, đất lại có giá nên bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, cũng có không ít người dân bản địa nhận thức được tầm quan trọng của việc “giữ đất” nên quyết tâm không bán, dù nhận được nhiều lời ngỏ từ cò đất.

Anh Lộc - một người dân tại xã Ngũ Phụng có hơn 1 sào đất ở vùng đất êm. Tại đây, gia đình anh vẫn canh tác rau màu quanh năm cho thu nhập khá. Theo chia sẻ của anh: Nhiều người đến trả giá cao, nhưng vì gia đình đã bỏ nghề biển, nên phải quyết tâm giữ đất để làm kế sinh nhai. Khác với anh Lộc, một số hộ dân khác như anh Cường - công tác tại một đơn vị hành chính của huyện lại dành dụm vào Phan Thiết mua đất thổ cư. Theo lý giải của anh Cường, quỹ đất hiện có của Phú Quý rất nhỏ, điều kiện sống như giáo dục, y tế, dịch vụ và giao thương còn khó khăn, lạc hậu hơn so với đất liền. Do đó, không ít người bản địa thấy đất đang có giá liền vội bán để mua mảnh đất khác ở đất liền, chờ đủ điều kiện sẽ chuyển vào sinh sống. Với việc mua bán đất nhộn nhịp như hiện nay, chính quyền địa phương khá bối rối và chưa có giải pháp cụ thể nào vì hầu hết đều sang nhượng bằng giấy tay, không qua chính quyền và chờ thời cơ khi các dự án du lịch nơi đây được triển khai theo quy hoạch?

 Chính quyền, người dân lo lắng

Tại cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội mới đây, rất nhiều người dân huyện Phú Quý, nhất là xã Long Hải đã bày tỏ sự lo lắng về tình hình “loạn” sang nhượng đất nông nghiệp trên đảo. Đồng thời, đề nghị các cấp ngành liên quan có biện pháp ngăn chặn tình trạng này. Bởi về lâu dài, người dân địa phương sẽ không còn đất để sinh sống, sản xuất nếu bán đại trà cho người từ đất liền. Còn theo tìm hiểu của phóng viên tại một số trang web giao dịch bất động sản ở Phú Quý, một trong những nguyên nhân khiến giá đất ở đây tăng cao là Phú Quý được quy hoạch là điểm du lịch trọng điểm quốc gia và tàu Super Dong sắp đi vào hoạt động sẽ tạo cú hích mạnh mẽ khiến du lịch huyện đảo ngày càng phát triển. Tuy nhiên, nhiều người cũng lo lắng việc gom đất hiện nay đang có yếu tố nước ngoài…?

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, ông cho biết hiện đang rất lo lắng về diễn biến phức tạp của việc sang nhượng đất nông nghiệp tại địa phương. Đồng thời, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã và Văn phòng Đăng ký đất đai tìm hiểu cụ thể để UBND huyện báo cáo cấp trên có hướng chỉ đạo kịp thời. Theo ông Linh, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện có 107 trường hợp sang nhượng đất nông nghiệp, trong đó có 20 trường hợp ngoài huyện làm thủ tục, số còn lại là người dân địa phương tự giao dịch. Tuy nhiên theo tìm hiểu, đây chỉ là số ít đến chính quyền làm thủ tục sang nhượng, còn lại đều được viết giấy tay và mua bán theo kiểu “tiền trao cháo múc”, rất khó kiểm soát.

Đại diện lãnh đạo huyện Phú Quý khuyến cáo bà con nên giữ đất và nâng cao cảnh giác với đối tượng xấu. Bởi trong bối cảnh tài nguyên biển ngày càng cạn kiệt, nghề biển không còn thịnh vượng trong tương lai thì người dân đảo vẫn còn đất để sản xuất. Cùng với đó, trước diễn biến phức tạp của thị trường sang nhượng đất hiện nay, chính quyền địa phương đã chỉ đạo Công an huyện xem xét, điều tra liệu có yếu tố tác động của người nước ngoài hay không. Đồng thời nhấn mạnh, tại huyện Phú Quý, nếu xây dựng trên đất  nông nghiệp sẽ phải tháo dỡ và xử lý ngay, quyết tâm giữ quỹ đất cho địa phương.

    
    Về kiến   nghị của cử tri đối với việc ngăn chặn, cấm sang nhượng đất nông nghiệp   trên đảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho biết: Do quy định của Luật   Đất đai hiện nay không cấm việc sang nhượng, buôn bán đất, nên chính   quyền địa phương chỉ khuyến cáo người dân cảnh giác và quyết tâm giữ   đất…

M.Vân - K.Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Loạn” sang nhượng đất nông nghiệp ở Phú Quý