Theo dõi trên

Liên thông văn bản điện tử 4 cấp: Xây dựng nền hành chính điện tử đồng bộ, hiện đại

10/04/2019, 09:20

BT- Có thể khẳng định, sau hơn 5 năm ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành (gọi tắt là phần mềm), việc liên thông văn bản đã giúp tỉnh tiết kiệm đáng kể chi phí ngân sách nhà nước. đồng thời giúp các cơ quan, đơn vị trong tỉnh kịp thời xử lý những nhiệm vụ quan trọng khẩn cấp. 

                
      
   Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thực    hiện nghi thức khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia.

Chuyên nghiệp và năng động

Từ trước năm 2013, Văn phòng UBND tỉnh gửi, nhận văn bản giấy để xử lý công việc mất khá nhiều thời gian, tốn kém chi phí. Chưa kể, có những lúc điều chỉnh thời gian họp do lãnh đạo tỉnh có công việc đột xuất, văn phòng phải gửi văn bản khẩn, hỏa tốc thông báo đến các cơ quan, đơn vị được biết. Việc chuyển gửi văn bản từ văn phòng đều phát hành qua đường bưu điện rất tốn kém chi phí. Trước thực tế này, Văn phòng UBND tỉnh đã nghiên cứu khai thác ứng dụng phần mềm để hạn chế tối đa việc gửi văn bản giấy qua bưu điện. Theo đó, bắt đầu từ năm 2013, Văn phòng UBND tỉnh bước đầu cho khai thác ứng dụng phần mềm tại 4 cơ quan là Văn phòng UBND tỉnh, HĐND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, TP.Phan Thiết. Đến năm 2014, Văn phòng UBND tỉnh hoàn thành triển khai phần mềm tại 10 huyện, thị xã, thành phố và 19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và HĐND tỉnh. Tiếp đó, năm 2015, Văn phòng UBND tỉnh tích hợp chữ ký số lên phần mềm.

Từ năm 2016, phần mềm được triển khai mở rộng 3 cấp từ tỉnh, huyện đến xã với 296 đơn vị trên toàn tỉnh, gồm: 30 cơ quan cấp tỉnh; 10 huyện, thị xã, thành phố (gồm UBND và các phòng, ban chuyên môn trực thuộc); 129 đơn vị trực thuộc cấp sở; 127/127 xã, phường, thị trấn. Đến năm 2017, Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục triển khai tích hợp phần mềm quản lý công việc được giao (công việc của UBND tỉnh giao cho các sở, ngành và địa phương), chính thức đi vào sử dụng năm 2018. Năm qua, tỉnh tiếp tục triển khai mở rộng đồng bộ phần mềm đến cấp xã, các đơn vị trực thuộc. Đồng thời, hoàn thành kết nối phần mềm theo mô hình liên thông 4 cấp (xã – huyện – tỉnh – Trung ương). Đến thời điểm này, 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện; các đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh, các phòng ban cấp huyện, cấp xã và 10 đơn vị khác triển khai ứng dụng phần mềm theo mô hình tập trung, tích hợp chữ ký số phần mềm, thực hiện liên thông văn bản điện tử từ cấp tỉnh đến cấp xã và Trung ương.  

Ký số văn bản trên thiết bị thông minh

Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Đức Hải Tùng khẳng định: Việc đưa phần mềm vào sử dụng đã giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh làm việc chuyên nghiệp và năng động hơn, thúc đẩy công tác cải cách hành chính và từng bước thay đổi lề lối làm việc của cán bộ công chức trong tỉnh. Đồng thời, thực hiện hóa các mục tiêu xây dựng một văn phòng điện tử không giấy, tạo môi trường làm việc điện tử ổn định, an toàn, an ninh thông tin. Qua đó, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Góp phần xây dựng một nền hành chính điện tử đồng bộ, hiện đại từ cấp tỉnh đến cơ sở, thúc đẩy phát triển chính quyền điện tử của tỉnh trong thời gian tới. Đến nay, sau hơn 5 năm ứng dụng, việc liên thông văn bản không những hạn chế thấp nhất chi phí chuyển gửi văn bản, mà còn mang lại lợi ích lớn hơn.đó là giúp việc chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh được kịp thời, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.

Theo kế hoạch trong năm 2019, Văn phòng UBND tỉnh sẽ tiếp tục nâng cấp phần mềm để kết nối liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia. Qua đó, phục vụ việc gửi nhận văn bản điện tử với Chính phủ và các bộ, ngành địa phương khác theo mô hình 4 cấp. Dự kiến thời gian tới sẽ triển khai ký số văn bản trên các thiết bị thông minh, liên thông phần mềm với các hệ thống phần mềm khác như: phần mềm một cửa điện tử liên thông, giúp giảm bớt đầu vào văn bản.

    
    Hơn 5 năm ứng dụng phần   mềm giúp tỉnh tiết kiệm số tiền 26,7 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2013, 4 cơ   quan phát hành gần 19.000 văn bản điện tử tiết kiệm trên 1,5 tỷ đồng;   trong đó, Văn phòng UBND tỉnh tiết kiệm gần 700 triệu đồng. Đến cuối năm   2018, toàn tỉnh phát hành 334.866 văn bản, tiết kiệm gần 26,7 tỷ đồng.   Riêng Văn phòng UBND tỉnh phát hành 30.000 văn bản, tiết kiệm gần 2,4 tỷ   đồng.

THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liên thông văn bản điện tử 4 cấp: Xây dựng nền hành chính điện tử đồng bộ, hiện đại