Theo dõi trên

Làm gì để không mua “nhầm” sổ đỏ giả?

06/12/2018, 09:45 - Lượt đọc: 108

BT- Sau khi Phạm Thanh Liêm (36 tuổi, xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình) bị khởi tố vì tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, với số tiền chiếm đoạt hơn 70 tỷ đồng, nhiều người giao dịch, mua bán nhà đất ở TP. Phan Thiết và các huyện lân cận lo lắng và làm sao để mình không phải là nạn nhân của những vụ lừa đảo tương tự… 

                
Ảnh minh họa

Những năm gần đây, ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, lực lượng chức năng đã phát hiện rất nhiều vụ lừa đảo bằng cách làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, lại được sự trợ giúp của công nghệ in ấn hiện đại, nên các đối tượng có thể qua mặt khách hàng dễ dàng. Theo cơ quan điều tra, có hai dạng sổ đỏ giả phổ biến. Thứ nhất là sổ đỏ làm từ phôi thật do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho các địa phương. Vì lý do nào đó, phôi thật bị đánh cắp và tuồn ra ngoài. Các đối tượng sẽ làm giả nội dung in trên đó như vị trí thửa đất, con dấu, chữ ký của người có trách nhiệm… Dạng thứ hai là các đối tượng làm giả hoàn toàn cả phôi và nội dung in trên sổ đỏ. Trường hợp thứ nhất gần đây bị phát hiện rất nhiều và do làm trên phôi thật nên các đối tượng qua mặt được cả ngân hàng, thậm chí cả phòng công chứng.

Do đó, trước sự việc đối tượng Phạm Thanh Liêm làm giả nhiều giấy tờ, sổ đỏ, lập dự án “ma” đem bán cho nhiều người ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Thuận với số tiền hơn 70 tỷ đồng, khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Chị Nguyễn Ngọc Quỳnh,  người có nhiều năm trong nghề kinh doanh môi giới bất động sản ở Phan Thiết chia sẻ: “Hiện nay sổ đỏ giả được làm rất tinh vi, đa dạng người dân hầu hết không tài nào phát hiện được. Do đó, một số khách hàng khó tính sau khi ký chuyển nhượng, thì đến cơ quan nhà nước, ở đây là các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ở tỉnh, thành phố, huyện, thị xác minh. Khi đó, cơ quan nhà nước sẽ thẩm tra giấy tờ gốc và đã phát hiện được nếu đó là giấy tờ giả mạo. Nếu không có vấn đề gì thì khách hàng mới giao dịch ngay sau đó”.

Tư vấn về vấn đề này, luật sư Đỗ Minh Trúc - Trưởng văn phòng Luật sư Phan Thiết  - Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận chia sẻ thêm: “Trước khi tiến hành mua bán nhà đất, người mua nên yêu cầu bên bán cho xem bản chính giấy đỏ, giấy hồng và xin bản phôtô, sau đó trực tiếp đến các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai như UBND cấp phường, xã hoặc Phòng Tài nguyên - Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai tại các huyện. Đặc biệt là tại cơ quan đã đăng ký, cấp giấy để xác minh tình trạng nhà đất, thông tin về quy hoạch, nhân thân của chủ đất đối với diện tích đất chuẩn bị giao dịch. Ngoài ra phải đến tận nơi tìm hiểu chứ không nên chủ quan mua bán trên giấy...”. Bên cạnh đó, luật sư Trúc lưu ý, trường hợp hợp đồng giao dịch đã được công chứng, chứng thực, nhưng sau đó người mua mới phát hiện sổ đỏ là giả, thì cần trình báo ngay đến cơ quan công an để điều tra xử lý hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” theo quy định của Bộ luật Hình sự.

    
  

  Cách nhận   biết sổ đỏ thật hay giả

    Theo một   công chứng viên có nhiều năm kinh nghiệm làm ở văn phòng công chứng, để   nhận biết sổ đỏ thật hay giả, người dân cần kiểm tra kỹ giấy tờ được   xuất trình như lỗi chính tả, số giấy, độ cũ mới của giấy tờ, chất liệu   giấy quá dày, có dấu hiệu bôi bẩn… Đặc biệt phải xem xét chữ ký và con   dấu, chữ ký giả thường không tự nhiên, nét bắt đầu và nét kết thúc không   sắc gọn… Riêng con dấu giả, khoảng cách giữa các vành thường không đều,   kiểu chữ không đúng quy cách, các chi tiết như quốc huy, quốc hiệu khó   thể hiện đầy đủ nên thường hay đọng mực, mờ nhòe…

M.Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gì để không mua “nhầm” sổ đỏ giả?