Theo dõi trên

Ký ức khó phai

29/04/2016, 09:18

BT- ...Mùa xuân 1975, nghỉ tết mấy ngày thì tôi ra lại Huế, học tiếp. Học được mấy ngày thì tin quân giải phóng chiếm Quảng Trị. Sư đoàn 1 của chính quyền Sài Gòn, bỏ chạy về Huế. Viện Đại học Huế đóng cửa. Lệnh di tản. Sinh viên chúng tôi mạnh ai nấy chạy về quê. Không ít người dân Quảng Trị, Thừa Thiên chen nhau trên đường mà chạy vào Đà Nẵng. Qua đèo Hải Vân,  ô tô, honda tranh nhau giành đường, chật kín, ùn tắc. Tai nạn xảy ra, xe lật, người chết dọc đường, chỉ đắp mảnh áo che mặt nằm đấy. Người bị thương tự lo lấy bản thân, không ai trợ giúp. Xe ùn tắc từ Lăng Cô đến tận Nam Ô, kéo dài đến 6, 7 ngày, thiếu nước thiếu cơm. Nhân dân Đà Nẵng hay tin, vận động chuyển nước, chuyển thức ăn lên đèo cứu trợ... Tôi về đến Đà Nẵng thì tin các huyện: Đại Lộc, Quế Sơn, Tiên Phước rồi Tam Kỳ giải phóng, chẹn đường quốc lộ số 1. Một số người dân các huyện ở Quảng Nam, cùng với dân từ Quảng Trị, Thừa Thiên đổ vào Đà Nẵng. Tất cả các trường học được trưng dụng để cho dân di tản ở, từ trong...

                
      
Cờ giải phóng của chiến sĩ Trung đoàn 9, Sư    đoàn 304 tung bay trên cổng Thành cổ Quảng Trị. Ảnh tư liệu

Cũng trưa hôm ấy, tôi thấy đoàn quân giải phóng tiến vào thành phố. Đi trước là một chiếc xe Jeep có ông nhà sư ngồi, treo băng rôn với câu “Mặt trận hòa hợp hòa giải dân tộc”, theo sau là một chiếc xe tăng rồi những chiếc xe chở quân giải phóng. Một cánh quân lặng lẽ tiến về phía An Hải, Sơn Trà. Nhiều người chạy ra xem, kẻ thì rụt rè, nhất là những người di tản, tỏ ra lo sợ, người thì háo hức. Rồi họ vẫy tay chào, quân giải phóng đưa tay vẫy chào lại. Bỗng một người sau lưng tôi vẫy tay hô to: “Hoan hô bộ đội”, rồi thấy nhiều người cũng vẫy tay “hoan hô bộ đội”, tôi cũng vẫy tay. Bộ đội vừa tiến về phía trước vừa tươi cười đưa tay chào lại.

Ngày tiếp theo, tôi đang ở trong nhà ông anh bà con, có một người đến đưa cho chủ nhà bốn câu khẩu hiệu yêu cầu chọn một câu viết treo trước cổng, trong đó có câu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Thế là ông  anh bà con liền cắt một miếng thiếc và lấy lon sơn nhờ tôi viết câu khẩu hiệu đó để treo trước cổng nhà. Lúc này có nhiều ngôi nhà vắng chủ, cửa đóng, then cài. Lại có một số người khác đến bẻ khóa, mở cửa thì bị một số người lạ mặt đến ngăn cản, cấm. Tối ấy có người đến mời dân trong phố đi họp. Khu phố tôi ở, nhà nào cũng có một đến hai người đi, mục đích là đi xem để nghe họ nói cái gì. Lúc về thấy khuôn mặt anh tôi vui vẻ. Anh nói họ bảo Đà Nẵng đã có chính quyền quân quản của cách mạng, không ai được phép đụng đến tài sản của những nhà vắng chủ, yêu cầu bà con trở lại làm ăn sinh hoạt bình thường, ai làm nghề gì thì cứ việc ấy mà làm, rồi kêu gọi thanh niên tham gia bảo vệ an ninh trật tự thành phố. 

Tôi đạp xe dọc theo sông Hàn, thấy mấy chiếc máy bay trực thăng HUIA nằm nghiêng chết máy trên bãi cát ven sông. Tôi qua An Hải đi dọc về Non Nước, xe nhà binh, súng R15, quần áo lính Sài Gòn vứt bỏ ngổn ngang. Trời tháng 3 nắng quá, tôi tìm quán nước giải khát nhưng không thấy ai dọn hàng. Tôi đạp xe về nhà, anh họ tôi bảo: “Người ta thông báo sinh viên ở Viện Đại học Huế về lại trình diện để tiếp tục học”. Đây là một điều hết sức bất ngờ đối với tôi. Anh tôi làm nghề lái xe chở hàng, nên những ngày này anh liên tục hợp đồng chở những gia đình di tản về lại Thừa Thiên, Quảng Trị. Tôi theo anh ra Huế đến Trường Đại học Sư phạm để trình diện. Hóa ra tôi là một trong 8 người đầu tiên về lại trường. Mấy anh bộ đội xem thẻ sinh viên rồi họp chúng tôi lại, cấp cả súng nữa, phân công chúng tôi bảo vệ tài sản của trường. Trường cũng bị thương tích quá nhiều do bom đạn. Áo quần tư trang lính Sư đoàn 1 Sài Gòn vứt bỏ ngổn ngang. Mấy anh bộ đội giao trách nhiệm cho riêng tôi trực ở căn phòng tầng trệt để ghi tên sinh viên về trình diện. Bỗng dưng tôi có một cảm giác tự tin vì thấy mình đang được trọng dụng.

Vui nhất là những ngày ghi tên các bạn. Họ đến văn phòng trình diện, người nào cũng tỏ ra ngạc nhiên, nhất là những bạn cùng lớp, cùng khóa, có đứa tỏ ra kinh ngạc, đâu ngờ gặp lại tôi đang ngồi ở đấy ghi tên. Có thằng vừa bước tới, thấy tôi, vội tháo lui, rồi rỉ tai với những đứa đi sau: “Trời ơi, thằng Tám trong đó”. “Ở đâu?”. “Thì nó đang ngồi ghi tên kiểm tra tụi mình trình diện”. “Hả! Thế ra nó làm Việt Cộng mà tụi mình không biết”. Và bọn nó nhìn tôi với vẻ vừa kính trọng, vừa e ngại. Hôm sau có thằng bạn thân nhất của tôi đến trình diện và nói lại với tôi như vậy. Tôi với nó ôm bụng mà cười.

Khoảng nửa tháng sau, từ Huế, chúng tôi được tin Sài Gòn giải phóng. Thành phố bỗng trở nên tưng bừng. Những ngày này, không gian trời đất lặng yên, không còn nghe tiếng bom đạn, pháo mìn như trước nữa.

Tôi  ra trường đi dạy, bây giờ cũng sắp đến tuổi về hưu. Mới đấy mà đã bốn mươi mốt mùa xuân trôi qua đời tôi, trôi qua trên quê hương đất nước này. Biết bao biến đổi. Nhìn lại đời mình, một dấu mốc không thể nào quên của bốn mươi mốt năm về trước. Thằng bạn cùng ôm bụng mà cười với tôi hồi ấy sau làm hiệu trưởng của một trường đại học ở miền Trung, cũng sắp nghỉ hưu. Nhớ đến đây, tôi lại hình thành một cốt truyện, trong đó có tôi, có bạn bè, có bà con, có những người mà tôi biết, kể cả những người mà tôi chỉ mới nghe, tất cả họ về niềm vui và nỗi buồn, khổ đau và hạnh phúc. Chắc rằng nhân vật trước tiên mà tôi sẽ đưa vào truyện là người tôi yêu đã làm cho tôi lên bờ xuống ruộng, lảo đảo lao đao quay quắt một thời trong cái năm 1975 ấy.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ký ức khó phai