Theo dõi trên

Kỳ họp thứ 9 – Quốc hội khóa XIV: Đề nghị bổ sung nghĩa vụ của hòa giải viên

26/05/2020, 09:25

BT- Trong khuôn khổ chương trình kỳ họp thứ 9 – Quốc hội khóa XIV, sáng 25/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đã giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, góp ý vào dự thảo luật này bằng hình thức trực tuyến. 

                
      
   Bà Nguyễn Thị Phúc – Phó trưởng đoàn ĐBQH    đơn vị Bình Thuận góp ý vào dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa    án.

Phát biểu góp ý vào dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, bà Nguyễn Thị Phúc – Phótrưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị Bình Thuận cho rằng: Theo quy định của dự thảo, chỉ cần các bên thỏa thuận, thống nhất một phần vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính là thuộc trường hợp hòa giải thành, đối thoại thành. Tuy nhiên, khoản 2 điều 40 dự thảo luật lại quy định được coi là hòa giải không thành, đối thoại không thành khi “Không đạt được thỏa thuận, thống nhất về toàn bộ nội dung tranh chấp, khiếu kiện; chỉ thỏa thuận, thống nhất được một phần tranh chấp, khiếu kiện nhưng phần đó có liên quan đến những phần tranh chấp, khiếu kiện khác”. Quy định trên là không thống nhất về nội dung và từ ngữ, dễ gây nhầm lẫn khi áp dụng. Để phù hợp với các quy định hiện hành, đề nghị Quốc hội chỉnh lại dự thảo luật theo hướng “hòa giải thành, đối thoại thành khi các bên thỏa thuận, thống nhất toàn bộ nội dung tranh chấp, khiếu kiện”.

Về trách nhiệm của tòa án nhân dân trong hoạt động hòa giải, đối thoại, tại điểm a, khoản 2, điều 7 quy định: Tòa án nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của luật này. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa quy định việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm hòa giải viên ở tòa án nhân dân cấp tỉnh. Về quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên,  Phótrưởng đoàn ĐBQH đơn vị Bình Thuận thống nhất với ý kiến “hòa giải viên không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả hòa giải thành, đối thoại thành, vì đây là ý chí tự nguyện của các bên đương sự”. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung nghĩa vụ của hòa giải viên theo hướng “hòa giải viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực, đúng đắn tài liệu, chứng cứ do hòa giải viên thu thập làm căn cứ ra quyết định hòa giải thành, đối thoại thành”.

Đối với những trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại, Điều 206, Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định “những vụ án dân sự không được hòa giải là những vụ án yêu cầu bồi thường vì lý do gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước và những vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội. Trong khi đó, Điều 207 Bộ luật Tố tụng Dân sự và điều 135 Luật Tố tụng Hành chính quy định những vụ án không tiến hành hòa giải (đối thoại) được “là trường hợp không tiến hành hòa giải được do trở ngại từ phía các bên đương sự”. 2 quy định “không được hòa giải” và “không tiến hành hòa giải được” là không đồng nhất và có kết quả pháp lý khác nhau. Để thống nhất giữa các luật, bộ luật, phải bố cục lại cho phù hợp.

LÊ PHÚC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ họp thứ 9 – Quốc hội khóa XIV: Đề nghị bổ sung nghĩa vụ của hòa giải viên