Theo dõi trên

Không chỉ là gió cát...

24/05/2019, 09:10 - Lượt đọc: 12

BT - Bao bận đi qua vùng gió cát, ám ảnh dấu chân người không rõ hình hài, vì cát. Cát cháy chân người, vừa rút chân đã xóa lấp chỉ còn lại một vệt lõm mơ hồ, rút cạn bao nhiêu mồ hôi đổ xuống. Ký ức luôn là điều không dễ quên, nhất là ký ức về cơ cực. Nhưng với những người tôi gặp, Hòa Thắng ngày hôm qua đã nhẹ nhàng đi rất nhiều trong lời kể. Vẫn nơi ấy, miền quê họ sống, đang từng ngày đổi khác…

Đường liên thôn Hồng Thắng – Hồng Lâm được trải nhựa trong sự vui mừng của bà con nơi vùng cát.

Gần hơn với phố

Đôi lần tôi về thăm người quen ở thôn Hồng Thắng – xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình tuổi thơ cảm thấy thích thú khi vùng quê không có gì “đặc sản” ngoài cát trắng. Bao đời những người dân nơi đây chỉ quanh quẩn với những rẫy dưa lấy hạt và những ruộng đậu phộng cháy nắng. Là vùng đất êm, mạch nước ngầm nơi đây có tự bao giờ, nước dồi dào nhờ thế làng xóm dần hình thành, cho dù điện, đường họ không bao giờ dám mơ tới. Gặp bà Hồ Thị Thiện (94 tuổi), là một trong những người gắn bó lâu đời ở vùng đất đầy gió cát này. Người già ở vùng cát, nhắc đến quá khứ như nhắc điều gì đó cùng cực nhất, khó khăn nhất. Nhớ lại chuỗi thời gian phải lội bộ cả ngày trời hơn 10 cây số trên những triền cát lún để “lên phố” giao thương, bà Thiện vẫn nhớ như in và cười giòn trong các câu chuyện “Thời ấy, 1 giờ khuya nhiều phụ nữ phải thức dậy và bắt đầu cuộc hành trình “lên phố”. Đường đi phải băng qua động cát, theo dọc bờ biển đến Hòa Phú và ngồi đò sang chợ Phan Rí Cửa để bán buôn”. Những người vùng gió cát thời ấy nghĩ ra cách giảm áp lực trên cát lún bằng đôi guốc vông. Những mẻ đậu phộng, đậu xanh hay dưa lấy hạt vừa thu hoạch muốn “lên phố” phải vượt qua chặng đường in đậm dấu chân cát. Tôi có cảm giác, người quê ngày ấy thu mình đâu đó phía dưới mà nhìn lên phố, với cách gọi có vẻ vừa ngưỡng vọng vừa ước ao.

Năm 1999, con đường đất đỏ liên thôn Hồng Thắng – Hồng Lâm dần hình thành trong sự ngỡ ngàng của gần 400 hộ dân nơi vùng cát. Một năm sau, điện được kéo về làng, dân vui như mở hội. Đêm giao thừa năm Canh Thìn, xóm nhỏ sáng rực nơi vùng cát. Đến năm 2005, tuyến đường nhựa rộng lớn nối liền Phan Thiết - Mũi Né – Hòa Thắng hoàn thành. Rồi sau đó, tuyến đường 716B Hòa Thắng – Hòa Phú thẳng tít tắp, kéo theo tuyến đường độc đạo nơi vùng cát được nhựa hóa hơn 1 km. Thế là người dân nơi vùng cát một mạch êm ru mà không phải oằn mình lội qua cát lầy như dạo trước. Hàng hóa theo người đi ô tô, phóng thẳng chuyến xe chỉ mất chưa đầy một giờ để đến thành phố. Đường ven biển thênh thang. Con đường đó đưa họ đến gần hơn với phố thị. Cuộc sống cũng nhờ đó mà đổi thay. “Từ khi có đường, hàng quán mọc lên ở xóm nhỏ, giao thương thuận lợi, nông dân cũng dần chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Những trụ thanh long thẳng tắp, những vườn lagim xanh mướt thay dần những sào đậu phộng, những ruộng dưa bạc màu” – Trưởng thôn Nguyễn Thanh Bình vui vẻ cho biết.

Vùng quê nằm lọt thỏm giữa gió cát thực sự đã chuyển mình. Hàng hóa làm ra có một con đường ngắn hơn đến nơi bán, đi lại thuận tiện, đỡ mất thời gian. Và hơn hết, không còn cảnh phải ì ạch băng qua những trảng cát giữa trưa nắng cháy. Vết chân chim giãn dần nơi đuôi mắt, gót chân bớt nứt nẻ, khác từ những điều tưởng chừng rất nhỏ…

Rời biển lên nhà máy điện mặt trời

Tôi thích sự thay đổi nho nhỏ ấy, chứ không muốn mình bị bất ngờ bởi những đổi thay không có tính ổn định. Ghé thăm nhà bà chị họ thôn Hồng Chính, nằm cách biển chỉ vài bước chân. Không như dân Hồng Thắng, dân nơi đây bám biển mưu sinh. Bà chị họ suốt ngày sấp mặt với biển, buôn thúng bán bưng mải miết nhưng không khá nổi. Nghèo nên cực. Cũng không hẳn nghề biển không giàu được. Nhưng cứ thấy cái dáng vẻ tất tả của chị mỗi lần gặp là lại tự hỏi biết bao giờ người đàn bà miệt biển ấy, cũng như số phận của bao người ở quê biển được thong dong hơn một chút, đừng nói là giàu. Sáng chưa tỏ mặt đã ở bãi ngang, chạy chợ đến tối, quay qua quay lại với nhà cửa con cái thì khuya mất. Ai có dịp đi chợ bãi ngang buổi sớm mai, lúc tàu chưa vô, thấy dáng ngồi co ro chờ đợi của những người đàn bà sống nhờ biển, ngồi bên ánh đèn dầu leo lét phía bờ mới biết. Khổ ở ngay trong cái chợp mắt vừa lam lũ vừa u trầm. Cá mắm long đong, từ tết đến nay chị than biển “đói”, đi bữa đực, bữa cái. Chồng chị ở nhà, chị đi làm thuê cho người ta. Vẫn tanh mùi biển, và vẫn cực. Cái cực thấm vào da, vào mặt, già nhanh hơn tuổi, như một mẫu số chung.

Bẵng đi thời gian, về gặp, chị khoe anh đã bỏ biển đi làm công nhân ở một nhà máy điện mặt trời (xã Hồng Phong). Một ngày công, anh được trả khoảng 300.000 đồng, bao ăn trưa, sáng đi làm, chiều về. Ít ra cũng có một ngày nghỉ cuối tuần, vui vầy với con cái. Chỗ quê, rất nhiều thanh niên như anh, đi làm điện mặt trời. Thảnh thơi hơn một chút, ổn định hơn nhiều. Một cuộc đổi đời không nhỏ. Anh là Mai Văn Đường, đúng chất dân biển, nhưng đành phải bỏ biển lên bờ. Vùng quê này chỉ còn lại những người già, phụ nữ dõi mắt xa xăm nhìn biển khi chiều về. Gặp ông Đinh Quang Nhật (65 tuổi) vừa câu mực về. Đầu đã 2 thứ tóc nhưng ông vẫn bám biển như một thói quen. Bởi “thanh niên trong làng đa số đã bỏ biển lên bờ. Cái nghề cha ông để lại dù bữa có, bữa không nhưng không thể nằm bờ mãi. Làng này, giờ rất nhiều người sống nhờ nhà máy. Bám biển không còn là sinh kế duy nhất như ngày xưa nữa, rất nhiều người giờ có công việc ổn định, nhẹ nhàng hơn” – ông Nhật nói với giọng trầm buồn. Ở quê giờ khác lắm, khác từ trong từng nhà. Thay vì phải bươn chải ở các thành phố lớn, mức sống cao, nay làm công nhân mà có thể sắm sửa thêm cái này cái kia, tan ca về nhà còn có thời gian dành cho nhà cửa, con cái… thế cũng vui!

    
        Theo Bí thư xã Hòa Thắng – Trương Quang Thọ, vùng quê hẻo lánh đầy gió   cát như Hòa Thắng đã trải qua nhiều thế hệ chỉ có đôi chân vạch lối mòn,   đôi quang gánh đè nặng trên vai, nay thực sự đang thức giấc, chuyển mình.   Đường ven biển, ngày mới hoàn thành trở thành một cung đường mới lạ và   đầy háo hức cho bao người dân nơi xứ cát. Ngược xuôi xe cộ, ngược xuôi   bán mua, ngược xuôi những công trình du lịch. Cũng có những lao xao biến   động, nhưng không thể phủ nhận, vùng cát đã thức dậy cơ hội từ con đường   mới mẻ đó.

Từ miền quê cát của xã Hòa Thắng, nay đã có nhiều thay đổi. Có thể có những vất vả riêng, nhưng ngoảnh nhìn lại ký ức một thời khó nghèo, họ có đủ lý do để hài lòng với lựa chọn ấy. Ruộng đồng hay biển giã với những được mùa - mất mùa, họ buộc phải chọn một con đường khác, nơi hiện tại họ gắn bó cuộc đời mình.

Chạm tay tới những giấc mơ, từ du lịch, công nghiệp, ngay cả nông nghiệp cũng đã khác đi, tính toán dài hơi hơn từ sự xuất hiện của con đường ven biển, của những nhà máy điện mặt trời, những dự án du lịch đang dần nên hình hài. Vùng gió cát ấy, đâu chỉ có cát nóng bỏng chân người, có gió thổi miên miết qua rặng phi lao phía biển, và hoang vu. Phía ấy, đang có những ngày rất khác… 

Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không chỉ là gió cát...