Theo dõi trên

Khổ như dân...thành phố!

09/05/2018, 16:28

BTO- Từ dốc Campuchia, chúng tôi đi thêm 1 km nữa mới đến được khu vực biển thôn Tiến Bình 2, xã Tiến Thành (TP. Phan Thiết) để cảm nhận những khó khăn, thiếu thốn mà người dân nơi đây đang hàng ngày, hàng giờ đối mặt. Vậy mà mấy chục năm qua, họ vẫn phải đi lại trên một đoạn đường đầy cát, dốc như thế. Mặc dù họ là dân thành phố hẳn hoi.

                       
   
   
      Muốn tới thôn Tiến Bình 2 phải băng qua con suối và quãng đường cát    lún.

Vượt cát

Ông Nguyễn Văn Thọ - Phó trưởng thôn Tiến Bình đón tôi ngay từ đầu đoạn đường cát, ái ngại nói: “Mấy khi có khách tới nhà, vậy mà phải lội cát vất vả quá. Tiếng là dân thành phố (TP. Phan Thiết- PV) mấy mươi năm nay nhưng đường đất sỏi cũng không có, hễ nhà có việc là thay nhau gồng gánh chạy cho nhanh”.

Nhác thấy chiếc xe máy chạy sát mép biển lao nhanh ra đường Lạc Long Quân (ĐT 719), tôi hỏi ông Thọ sao không chạy đường ấy mà phải gửi xe phía dưới dốc Campuchia, ông cười rồi nói chỉ người dân nào dạn tay lái mới dám chạy trên cát lún như vậy, nhưng trượt té là chuyện thường. Khu vực thôn Tiến Bình 2 kéo dài gần 6 km, trước đây có 150 hộ, cũng vì điều kiện đi lại khó khăn nên hiện còn 110 hộ với gần 1.000 nhân khẩu bám biển sinh sống, chủ yếu theo ghe nhỏ đi về trong ngày. Tuy nhiên mấy năm nay tôm cá không còn dồi dào nên nhiều hộ trồng cỏ phát triển đàn bò để có thêm thu nhập.

Khi biết chúng tôi là phóng viên, nhiều hộ dân tâm tư: Điện cơ bản đảm bảo, nguồn nước giếng ở thôn Tiến Bình 2 ngọt mát, bây giờ chỉ mong có con đường để bà con đi lại thuận tiện, các cháu không phải nghỉ học giữa chừng, bệnh đau, cưới hỏi đỡ tốn thêm chi phí.

                
   
      Mỗi lúc có người bệnh gia đình phải dùng võng khiêng vài km mới ra     đường Lạc Long Quân (ĐT 719) để tới bệnh viện

Bỏ học vì không có đường

Hiện ở thôn Tiến Bình 2 có một phân hiệu của Trường tiểu học Tiến Thành 2 gồm 1 phòng học do một tổ chức xây tặng, ngăn làm hai để dạy học sinh lớp 1, 2 (buổi sáng), lớp 3 (buổi chiều), với tổng số 23 học sinh. Để mang con chữ đến học sinh vùng cát lún này, thầy cô cũng phải men theo con dốc hẹp mất hơn 15 phút đi đường, nhiều khi tới nơi quần áo, cặp sách đều lấm lem. Thầy Phạm Trí Duy, phụ trách lớp 3, gần 12 năm gắn bó với điểm trường này cho biết: Vào mùa mưa đường đến trường dễ bị sụp lún, tối, nên tranh thủ cho học sinh vô lớp sớm để 16 giờ 30 phút thầy còn kịp leo dốc về. Cuộc sống khó khăn vậy nhưng học sinh ở đây em nào cũng ngoan, chăm học.

                              
   
      Điểm Trường tiểu học Tiến Thành 2 tại thôn Tiến Bình 2
   
      Con đường dốc nhỏ, mùa mưa thường bị sụp cát mà thầy cô và học sinh    lớp 4, 5 phải vượt qua để đến trường

Vậy mà đa phần các em cũng chỉ gắng gượng vượt dốc lên đến lớp 6, 7. Toàn thôn Tiến Bình 2 học sinh học hết lớp 9 và THPT đếm được trên đầu ngón tay. Nhà anh Phạm Trung có con gái mới học đến lớp 6 đã nghỉ học ở nhà trông em và phụ mẹ vá lưới 1 năm nay. Trường hợp chị Văn Thị Phương Dung, cũng vì đường khó đi nên 3 người con của chị nghỉ học khi vừa lên lớp 5, lớp 6 và tiếp tục theo nghiệp biển.

Ông Thọ bảo, đã có nhiều đoàn kiểm tra, cán bộ địa chính xuống đo đạc để làm đường. Từ năm 2004 đến nay gần 40 hộ ở khu vực đầu thôn nằm trong khu quy hoạch làm khu du lịch, nhưng mãi cho đến nay đường vẫn chưa thấy đâu. Khổ nhất là gia đình có người già thường xuyên bệnh đau hay phụ nữ đến kỳ vượt cạn luôn phải buộc sẵn võng để kịp khiêng chạy. Những hộ có ma chay, cưới hỏi phải mướn từ 8 - 10 chuyến xe máy cày, mỗi chuyến 300.000 đồng để chở vật dụng, thức ăn, còn chú rể, cô dâu, quan khách hay các đám ma đều lội bộ quãng đường hàng km.

                              
   
   
   
      Sau giờ học những đứa trẻ ở Tiến Bình 2 chỉ biết quanh quẩn trong    thôn

Đem những băn khoăn trên hỏi Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Trường, được biết: Thôn Tiến Bình chia làm 2 khu vực, một trên đồi, một dưới biển. Trong các lần tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp, cử tri đều phản ánh việc lưu thông tại khu vực này rất khó khăn. Mặc dù năm 2016 đã có chủ trương nâng cấp con đường nối từ dốc Campuchia thôn Tiến Bình đến đường Trần Lê, thôn Tiến Đức tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy triển khai thực hiện. Chính quyền xã rất mong muốn các cấp quan tâm, đẩy nhanh tiến độ để giảm bớt tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng và nâng cao chất lượng sống cho người dân trong vùng.

    
  

  Không dám sắm xe đắt   tiền để đi

    “Ở đây nhà nào có   điều kiện cũng không dám sắm xe máy đắt tiền để đi, bởi cứ chạy sát mép   biển, cày trên cát thế này xe nhanh hư lắm”, ông Nguyễn Văn Thọ nói.

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khổ như dân...thành phố!