Theo dõi trên

Hướng đến Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận lần thứ III, năm 2019: Những điểm sáng ở vùng cao

15/10/2019, 09:08

BT- Những năm qua, cùng với sự quan tâm của Nhà nước đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh luôn đoàn kết, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương… 

                
   Sản xuất lúa nước ở huyện Hàm Thuận Bắc.

“Sợi dây” gắn kết đồng bào

Lâu nay, vai trò của người có uy tín ở cộng đồng dân cư và trong đồng bào các DTTS ví như những cánh tay đắc lực góp phần đưa những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào. Tại nhiều địa phương, vai trò của người có uy tín nhất là các già làng, chức sắc tôn giáo phát huy tính gương mẫu bản thân, gia đình tiên phong trong vận động gia đình, dòng họ, cộng đồng thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Xã Tân Thuận (Hàm Thuận Nam) nơi có 332 hộ đồng bào Chăm với 1.912 nhân khẩu sinh sống tập trung ở 3 thôn Hiệp Nghĩa, Hiệp Hòa, Hiệp Phước. Nói đến làng Chăm Tân Thuận ai cũng biết đến ông Thông Minh Tìm – Hội trưởng làng Chăm, Trưởng ban đại diện họ tộc của xã. Là người am hiểu, hưởng ứng tích cực các cuộc vận động toàn dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc do tỉnh, huyện phát động. Ông Tìm đã cùng với các chức sắc giúp đồng bào mình từ thay đổi nhận thức đúng đắn đến những việc làm cụ thể cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, sống đoàn kết, gắn bó tương trợ lẫn nhau.

“Trước đây cuộc sống đồng bào Chăm nơi đây khó khăn lắm chủ yếu làm nông, khai hoang rừng làm nương rẫy, tập quán sinh sống đến canh tác lạc hậu. Chưa kể, cuộc sống khó khăn thiếu thốn, hiện tượng rượu chè gây gổ, trộm cắp, bạo hành gia đình… vẫn thường xuyên xảy ra”, ông Tìm nhớ lại. Một trong cách làm hiệu quả khắc phục tình trạng này là từ khi mô hình “dòng họ tự quản về an ninh trật tự” ra đời. Mô hình thành lập từ năm 2014 ở xóm Lá Buông, thôn Hiệp Nghĩa do ông Tìm làm Trưởng ban đại diện họ tộc. Cùng với Hội Nông dân, đoàn thể, Công an xã Tân Thuận, ông Tìm và những người có uy tín đến “từng ngõ, gõ cửa từng nhà” tuyên truyền cho bà con hiểu các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của chính quyền địa phương; nhắc nhở bà con dòng họ đoàn kết xóm làng, giữ gìn an ninh trật tự, không nghe lời xúi giục, kích động của kẻ xấu, bãi bỏ hủ tục mê tín dị đoan, khuyên răn con cháu không có hành vi phạm pháp luật. Từ khi có mô hình hoạt động đến nay, vụ việc tranh chấp đất nông nghiệp, bạo hành gia đình được hòa giải thành công, giảm đáng kể. Các thành viên trong dòng họ sống hòa thuận bình đẳng, biết vun đắp xây dựng gia đình mẫu mực. Các dòng họ còn tiên phong hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới… đã góp phần mang lại nét đẹp bình yên, đoàn kết của xóm làng. 

Thi đua làm kinh tế giỏi

Nhờ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách dân tộc đã góp phần phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh. Tranh thủ sự hỗ trợ, nhiều hộ đã ý thức tự thoát nghèo, hăng say làm kinh tế giỏi và trở thành những tấm gương sáng trong lao động, sản xuất.

 Đông Giang là xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Hàm Thuận Bắc. Tuy nhiên, điều đáng mừng ở xã vùng cao này là không khó tìm những ngôi nhà xây khang trang, kiên cố. Đây là nơi có nhiều nông dân chịu khó đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại. Đơn cử hộ ông K’Văn Véo, đồng bào dân tộc K’ho tại xã Đông Giang, từ hộ nghèo khó khăn, ông Véo đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng lên đến 9,5 ha đất trồng hoa màu và cây lâu năm. Trong đó, cây cao su và điều là cây trồng chủ lực cho thu nhập chính của gia đình với 7 ha, số diện tích còn lại ông trồng bắp, lúa nước. Một hộ nông dân khác cũng ở Đông Giang, ông K’Văn Ghẹo từ đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội cộng thêm sự cần cù, chịu khó học hỏi đã vươn lên thoát nghèo, bình quân hàng năm thu nhập trên 150 triệu đồng. Chính nhờ nhận thức của đồng bào DTTS dần nâng lên, thoát khỏi tư tưởng trông chờ ỷ lại phát huy hiệu quả bền vững của chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh. Từ đó, đã khơi dậy tinh thần vượt khó vươn lên làm giàu của đồng bào. Toàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều điển hình kinh tế giỏi các cấp như hộ ông Kinh Văn Thùa, dân tộc Chăm xã Phú Lạc (Tuy Phong), ông Mang Nhu, dân tộc Châu Ro xã Đức Tín (Đức Linh)…

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng đến Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận lần thứ III, năm 2019: Những điểm sáng ở vùng cao