Theo dõi trên

Hàng loạt cây rừng Tà Cú chết đứng do hóa chất “lạ”

27/09/2018, 16:15

BTO- Việc xử lý hành vi trồng thanh long trong Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Tà Cú chưa xong, thì mới đây, ngay tại tiểu khu 302A liên tiếp xảy ra 2 vụ phá rừng với hành vi ngày càng tinh vi là dùng hóa chất bỏ vào vết chặt làm cho cây rụng lá, chết đứng…

                
   
      Đối tượng chặt và bơm thuốc “lạ” vào thân cây

Dùng hóa chất “lạ” làm chết cây

Đây là khẳng định của ông Võ Hữu Phương – Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý KBTTN Tà Cú. Ông Phương cho biết, mới đây nhất, liên tiếp xảy ra 2 vụ phá rừng vào ngày 12 và 15/9 ở khu vực 302A. Hành vi phá rừng của các đối tượng lần này tinh vi hơn lần trước, đó là dùng cưa máy lợi dụng lúc trời mưa, ban đêm vào cắt hạ cây hoặc dùng dao, rựa tác động vào thân cây một vết chặt nhỏ. Sau đó, dùng hóa chất “lạ” bỏ vào vết chặt làm cho cây rụng lá, chết đứng. Cho đến nay, vẫn chưa xác định được các đối tượng đã sử dụng hóa chất gì để làm chết cây. Qua kiểm tra, đơn vị xác định có 80 cây bị tác động đã chết; 91 cây bị tác động chưa chết. Cây có đường kính từ 0,06m đến 0,24m, chủng loại sến, cóc, vừng… Hiện Ban quản lý KBTTN Tà Cú đang cử lực lượng bảo vệ rừng phối hợp với kiểm lâm địa bàn tham mưu chính quyền xã Tân Thuận tiếp tục xác minh, làm rõ vụ việc.

Điều đáng nói, trước đó vào tháng 11/2017, tại tiểu khu 302A cũng đã xảy ra tình trạng phá rừng với quy mô lớn. Mặc dù chính quyền xã dùng nhiều biện pháp truy tìm đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật nhưng cho đến nay vẫn chưa xác định được đối tượng vi phạm. Xác định đây là khu vực nhạy cảm nên Ban quản lý đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện và xã tổ chức tuyên truyền trong nhân dân và nghiêm cấm các hành vi tác động vào rừng, đồng thời thường xuyên tuần tra bảo vệ tại khu vực này. Tuy nhiên, tình hình phá rừng khu vực này ngày càng phức tạp.

53 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng

Ban quản lý KBTTN Tà Cú hiện đang quản lý diện tích 10.550 ha đất rừng và rừng tự nhiên. Thời gian vừa qua, mặc dù ban đã phối hợp với các xã, Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam tổ chức tuyên truyền vận động, kiểm tra kiểm soát, ngăn chặn các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp do người dân khai phá, đang canh tác sản xuất trong Khu bảo tồn có trước khi thành lập rất lớn. Tình hình trồng cây không phải loại cây bản địa trong thời gian gần đây, nhất là cây thanh long trên diện tích đất rẫy cũ đang sản xuất nông nghiệp trong Khu bảo tồn có chiều hướng gia tăng. 8 tháng năm 2018, trên toàn lâm phần KBTTN Tà Cú xảy ra 53 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Cụ thể, 30 vụ trồng thanh long trong Khu bảo tồn với diện tích 17,37 ha; 10 vụ khai thác gỗ; 7 vụ phá rừng và 6 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp. Riêng tại tiểu khu 302A, xảy ra 8 vụ vi phạm.

Theo ông Phương, công tác xử lý hành vi trồng thanh long trong Khu bảo tồn chưa được xử lý dứt điểm đã gây khó khăn chung trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, chống lấn chiếm đất lâm nghiệp. Đơn vị có nhiều văn bản, báo cáo nhưng các xã, cơ quan chức năng chưa quan tâm xử lý triệt để. Trước đây, đơn vị có xây dựng phương án chống phá rừng, chống lấn chiếm đất lâm nghiệp, triển khai thực hiện trong lâm phần được giao nên việc phá rừng chỉ diễn ra rải rác với diện tích nhỏ lẻ. Tuy nhiên, do cây thanh long có giá trị kinh tế cao nên người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp, tự ý chuyển đổi từ cây nông nghiệp ngắn ngày sang cây thanh long trên diện tích rẫy cũ trong Khu bảo tồn ngày càng gia tăng và có khả năng trở thành điểm nóng.

                
   
      Một mảng rừng rụng lá

Do vậy, sắp đến, Ban quản lý KBTTN Tà Cú sẽ báo cáo huyện chỉ đạo các ngành chức năng hỗ trợ để điều tra, xác định đối tượng xử lý theo pháp luật. Mặt khác, xét thấy việc dùng hóa chất để làm chết cây rừng là hành vi hủy hoại rừng rất đặc biệt xảy ra nhiều trong KBTTN Tà Cú. Do vậy, đơn vị đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm có ý kiến với các ngành chức năng của tỉnh để hỗ trợ đơn vị trong việc xác định hóa chất được sử dụng, sớm điều tra đối tượng vị phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

    
    Thống kê của Tổ công tác rà soát hiện trạng sử dụng đất mà các hộ dân   đang canh tác trong lâm phậm của Ban quản lý KBTTN Tà Cú cho biết, hiện   có 762,54ha diện tích đất nông nghiệp dân đang sản xuất trong Khu bảo   tồn, trong đó, có 459,001 ha diện tích rừng đặc dụng và 303,539ha rừng   sản xuất. Hiện nay, có 538,244ha đã xác định được đối tượng sử dụng, còn   94,958ha chưa xác định đối tượng.

THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng loạt cây rừng Tà Cú chết đứng do hóa chất “lạ”