Theo dõi trên

Gương đảng viên: Ngoài là tơ liễu trong là thép

14/12/2018, 08:32

 Kiên trung

BT- Chị tên là Ngô Thị Công, quê xã Hàm Thắng, Hàm Thuận Bắc,  làm cơ sở mật cho cách mạng từ lúc mới 14 tuổi (1968).

Trưa ngày 6/11/1972, trong lúc đang đọc thư chỉ đạo của Đội trưởng Đội Công tác xã Hàm Thắng, chị bị địch vây tại nhà. Thừa lúc địch lơ là, chị cho thư vào miệng nhai, cố nuốt. Nhưng sao lúc bấy giờ, miệng rất khô, chị không thể nuốt được thư, chị lại quăng xuống ruộng nước. Địch nhìn thấy được, lượm lên, ráp lại, đọc được nội dung thư.

                
Chị Ngô Thị Công - nhân vật trong bài viết.

 Gần 1 tháng trời ở Bình Thuận, từ Phòng Nhì, sang Ty Cảnh sát, qua thẩm vấn rồi cuối cùng nhà lao Bình Thuận, chúng tra tấn chị rất dã man. Những hình thức tra tấn tàn bạo nhất của bọn thừa hành ở Phòng Nhì đã được chúng dùng với chị. Tất cả nhằm mục tiêu làm chị chịu không nổi đau đớn, phải khai ra đồng chí, đồng đội của mình.

Có một cách tra tấn làm chị bị cảm giác rất khó chịu, hơn cả điện giật, kim xoáy sâu vào 10 đầu ngón tay, đó là bị đổ nước xà phòng vào mũi và miệng, trên mặt lại đắp khăn ướt, ngạt thở.

Một chữ “không” duy nhất của chị trước Tòa án Quân Lao Nha Trang cho câu hỏi của tòa: “Bị cáo có phải là đảng viên cộng sản không?” vẫn đưa chị đến bản án 5 năm tù. Vậy rồi, mặc dù Hiệp định Paris đã được ký kết; ngày 16/2/1973, chị vẫn bị đày đi Côn Đảo, cùng với 19 nữ tù chính trị Bình Thuận.

Song, những hình thức tra tấn mà chị phải chịu đựng ở Phòng Nhì, dù hết sức tàn độc, vẫn chưa bằng những ngày chị bị giam tại Chuồng Cọp ở nhà tù Côn Đảo. Ăn thì mỗi ngày 2 lần, cơm với muối hạt hoặc cá khô mục. Không chị em nào cùng cảnh ngộ với chị có đồ dùng cá nhân và quần áo để thay. Các chị phải nằm dưới thềm xi măng rộng 1m,  dài 2m, với 4 người, dưới chân là thùng chứa phân, nước tiểu bằng gỗ. Thùng cầu bằng gỗ lại không kín, nước tiểu và phân chảy ra ướt người, không có gì lau, chị em phải ngồi tựa lưng vào tường để khỏi ướt. Khổ nhất là khi bị hành kinh, các chị không có nước để vệ sinh, không có quần áo để thay. Chị em trong tù đấu tranh, la to những câu khẩu hiệu: “Yêu cầu nhà cầm quyền Sài Gòn đưa chúng tôi đến phòng lớn”, “Yêu cầu nhà cầm quyền Sài Gòn phải cấp quần áo mặc”, “Yêu cầu nhà cầm quyền Sài Gòn phải cấp thuốc chữa bệnh”. Mỗi ngày hô la 3 lần. Chị em đang la, chúng cho bọn trật tự múc nước phân đổ tạt lên người.

Người của thế hệ hôm nay, có thể hình dung được điều ấy chăng? Vậy mà thực tế các chị đã phải chịu đựng như thế ở nhà tù Côn Đảo.

Hoạt động văn nghệ trong tù là thứ vũ khí sắc bén nhất giúp tù chính trị vượt qua sự khắc nghiệt của nhà tù. Những bài ca cách mạng, và cả những hoạt cảnh tự biên, tự diễn, hóa trang cho “nghệ sĩ” bằng bột mì hòa nước thoa mặt…  theo điều kiện trong tù, cũng giúp anh chị em có thêm niềm vui để cùng nhau đấu tranh với kẻ thù.

Sống trong những điều kiện khắc nghiệt, bạo tàn của kẻ thù như thế, hỏi sao các anh chị, những người kiên trung, giữ vững khí tiết, niềm tin với cách mạng không khỏi bị di chứng bệnh tật, ảnh hưởng lâu dài.

 Công tác Đoàn, Đảng, phụ nữ…

Giải phóng hoàn toàn miền Nam, chị Công về làm việc ở Tỉnh đoàn Thuận Hải. Chị sớm tham gia Ban Chấp hành Tỉnh đoàn. Song, là một ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh đoàn, nhưng trước mắt chị là một tương lai không mấy sáng sủa, vì người có thẩm quyền của tỉnh cho rằng: dù chị là một cựu tù chính trị nhưng chưa xác minh rõ quá trình ở tù. Chị hết sức đau lòng về điều ấy. Nhưng chị chưa bao giờ tiếc rằng mình đã luôn giữ vững niềm tin vào cách mạng trong những ngày ở địa ngục trần gian: nhà tù Côn Đảo và mãi cho đến tận sau này.

Nghe chị kể, người viết lại nhớ đến một đoạn trong hồi ức “Đi qua nước mắt nụ cười” của nhà báo, nhà văn Nguyễn Đông Thức, khi anh kể về chị Võ Thị Bạch Tuyết (Hai Tuyết) một nhân vật cầm đầu chiến dịch đốt xe Mỹ lừng lẫy ở Sài Gòn năm 1971. Chị Tuyết cũng trải qua mấy năm tù tội ác liệt ở Côn Đảo, về lại Sài Gòn sau ngày giải phóng, bị di chứng của tù đày, cũng phải về lại làm việc ở một đơn vị thanh niên xung phong, chỉ ở cấp đại đội.

Rời Tỉnh đoàn Thuận Hải sau 11 năm làm việc, chị về Ban tổ chức Tỉnh ủy Thuận Hải rồi Bình Thuận từ 1986 với vai trò một cán bộ, rồi Trưởng phòng Phòng Cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Thuận. Những năm làm công tác cán bộ, chị giúp việc cho lãnh đạo Ban trong công tác bổ nhiệm lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố.

Anh chị em làm việc cùng chị ở Ban tổ chức Tỉnh ủy, nhớ về một người đồng chí, đồng nghiệp hết sức dịu hiền, luôn toàn tâm cho công việc, rất trung thực, thẳng thắn, chẳng khi nào giành quyền lợi về cho mình, chỉ nghĩ đến lớp đàn em, những người mà chị sẵn sàng nhường vị trí tốt hơn, cao hơn để thế hệ sau đảm trách.

Năm 2004, chị về Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Thuận, đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực. Chị như được tắm trong một không khí mới, với cả phong trào phụ nữ tỉnh nhà, thật vui và thấy như mình được trẻ lại, mở rộng tầm mắt hơn khi chị được trực tiếp làm việc với các lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố. Nghĩa tình của chị em với chị, và ngược lại, giữa chị với các chị em phụ nữ khắp các địa bàn trong tỉnh là điều đọng lại lớn nhất trong chị trong những năm chị đảm nhận nhiệm vụ này, mãi về sau khi chị đã nghỉ hưu.

 Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị tỉnh

Từ tháng 9/2015, chị được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị tỉnh Bình Thuận. Từ đó đến nay, chị cùng với các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội đã làm được nhiều việc có ý nghĩa trong công tác Hội Cựu tù chính trị.

Công tác phối hợp với các sở, ngành giải quyết chính sách cho cựu tù chính trị là một trong những công tác vất vả, khó khăn của Hội nhưng thật sự có ý nghĩa. Trong 2 năm 2016 - 2017, BCH Hội Cựu tù chính trị đã năng động, liên tục phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Sở LĐTB & XH tỉnh tích cực hướng dẫn các cựu tù chính trị gửi  khoảng 4.000 đơn và đã được cấp có thẩm quyền giải quyết cho 1.200 người được hưởng chế độ tù đày hàng tháng theo quy định hiện hành. Đây là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với những cán bộ tham gia hoạt động cách mạng, bị địch bắt ở  tù những năm trước đây.

Cùng với đó, Hội Cựu tù chính trị 3 cấp trong tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ sau, bằng những buổi giao lưu truyền thống với cán bộ, đoàn viên thanh niên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, giáo viên, sinh viên và học sinh. Công tác phối hợp với các trường, cơ quan đã được làm rất sâu kỹ để lãnh đạo các đơn vị tin tưởng, đồng thuận phối hợp tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi trong giao lưu; vì có nơi sợ thanh niên học sinh “kén ăn” món lịch sử truyền thống.

Nhóm báo cáo viên là các cựu tù chính trị tuy đã rất cao tuổi, sức khỏe hạn chế, nhưng rất nhiệt tình, có nghệ thuật nói chuyện hấp dẫn, có tài hát, đánh đàn, ngâm thơ khá điêu luyện gởi đến thế hệ trẻ. Trong 2 năm qua, 2017- 2018, Hội đã tổ chức nói chuyện truyền thống tại 35 buổi, có 18.000 người tham dự.

Với chị Ngô Thị Công, trải qua nhiều năm công tác ở các cương vị khác nhau, chị vẫn luôn toát lên vẻ dịu hiền, từ trong cách ăn nói, cư xử với mọi người và gần gũi, chân tình với chị em, đồng đội, bạn bè.

Điều trăn trở của chị cũng là của Hội: Chính sách của Nhà nước đối với người có công, trong đó có tù đày, cần được nghiên cứu, chi tiết hơn nữa. Bởi chính sách đối với người bị tù đày chưa thật sự công bằng, khi thời gian ở tù ngắn hay dài cũng được hưởng chế độ như nhau. Hiện nay, vẫn còn tình trạng: Có người ở tù, hy sinh gần như cả đời, đến nay vẫn chưa được giải quyết chính sách.

Đến thời điểm hiện nay chị vẫn đang cùng các đồng chí trong BCH Hội Cựu tù chính trị tỉnh tiếp tục chăm lo cho các hoạt động của Hội.

Minh Trí



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy La Gi: 
Cần khai thác tốt hơn lợi thế, tiềm năng thị xã
BTO-Ban Thường vụ Tỉnh ủy có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy La Gi về kết quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, vào sáng nay, 24/4. Đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên Dự khuyết BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có các đồng chí đại diện Vụ Địa phương II, Văn phòng TW Đảng; Cơ quan thường trực phía Nam, Ban Tuyên giáo TW Đảng; các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo sở, ngành liên quan.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gương đảng viên: Ngoài là tơ liễu trong là thép