Theo dõi trên

Đừng bỏ mặc “hồn cốt” của dân tộc

10/10/2017, 08:35

Bài 1: Nghề dệt thổ cẩm - nguy cơ mai một

BT- Nghề dệt thổ cẩm đã gắn bó bao đời với đồng bào Chăm, K’ho ở huyện Hàm Thuận Bắc. Do tác động của kinh tế thị trường, nghề dệt đang đứng trước nguy cơ mai một.

                
Ảnh: N.Lân

“Hồn cốt” dân tộc K’ho, Chăm 

Cho đến bây giờ, đồng bào K’ho, Chăm sống rải rác khắp huyện Hàm Thuận Bắc không rõ nghề dệt thổ cẩm hình thành từ khi nào, chỉ biết ông bà để lại, cứ thể phát huy cha truyền con nối.

Theo truyền thống của người K’ho, phụ nữ phải lo cái mặc cho cả gia đình, bởi vậy các bé gái K’ho từ nhỏ đã được các bà, các mẹ dạy dệt vải, may trang phục nên đa số phụ nữ K’ho đều biết dệt vải và nghề dệt thổ cẩm.

Đây cũng là một trong những tiêu chí mà những người đàn ông K’ho đặt ra mỗi khi chọn vợ. Ngoài việc làm những tấm áo váy đẹp cho gia đình, các cô gái K’ho còn phải dệt những tấm Ui (chăn) làm đồ sính lễ mang đến nhà trai trong ngày cưới. Những người phụ nữ K’ho ngoài việc nương rẫy, lúc nông nhàn, họ lại bắt tay vào dệt thổ cẩm. Cụ bà K’ Thị Quỷnh (thôn 3, La Dạ), ngồi dệt 1 lá khăn cho biết: “Tôi dệt lá khăn này, cất đi để cho con cháu tôi sau này làm lễ vật cưới hoặc có ai tới mua tôi bán”.

Với người Chăm, từ xưa đến nay, kinh tế chủ đạo của họ vẫn là sản xuất nông nghiệp, nghề dệt được xem là nghề phụ, nhưng lại đóng vai trò tích cực trong việc tăng thu nhập, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người trong làng.  Trên các sản phẩm dệt của người Chăm không thể thiếu các loại hoa văn trang trí, từ y phục của các tu sĩ Chăm cho đến tầng lớp bình dân. Những hoa văn, họa tiết truyền thống người Chăm  không chỉ lưu lại những dấu ấn về lịch sử - văn hóa mà còn gắn liền với tín ngưỡng bản địa, chịu những quy định, kiêng kỵ của tập tục dân gian.          

Nghề dệt truyền thống người Chăm vừa là sản phẩm văn hóa vật chất, vừa là sản phẩm văn hóa tinh thần, đồng thời cũng là tài sản văn hóa vô giá của dân tộc.  

Nguy cơ mai một

Bà Thông Thị Bẻo (58 tuổi) - một trong số nghệ nhân thổ cẩm còn theo nghề ở thôn 3, Ma Lâm. Từ lâu bà đã quen nghe tiếng cọt kẹt thoi đưa bên khung cửi. Ở tuổi xế chiều, với mong muốn giữ lại nghề truyền thống của dân tộc, bà dành nhiều thời gian, công sức cho việc dệt, và truyền dạy cho con cháu trong thôn. Bà trăn trở: Ở thôn 3 này chỉ còn mình tôi. Những người trẻ trong thôn sau khi học xong đã đi làm ăn xa và  xin đi làm công nhân ở các công ty. Ngày xưa dệt bằng khung dệt truyền thống, mất khá nhiều thời gian, bây giờ khung dệt đã cải tiến, dệt rất nhanh, nhưng chị em trong thôn không muốn dệt, vì cuộc sống khốn khó, muốn có thu nhập ngay để trang trải gia đình, họ chẳng đoái hoài đến nghề.

Ngược lên xã vùng cao La Dạ, chúng tôi lê mỏi chân để tìm ra những người con K’ho, cần mẫn bên khung dệt. Chị Vũ Thị Nguyệt – một cư dân thôn 4, La Dạ nói: “họ đi bẻ măng, làm rẫy… hết rồi!. Nghề này giờ chẳng ai muốn làm nữa…”. May mắn, chúng tôi gặp một cụ – người đang cố giữ nghề này cho con cháu, cụ K’ Thị Quỷnh cho biết, ở thôn 3 này hầu như không còn ai dệt nữa. Chỉ mình tôi thôi! Tôi cố giữ nghề để cho con cháu sau này biết ông bà của nó tạo ra những lá khăn làm lễ vật cưới trong ngày trọng đại của đời mình như thế nào?.

Nhiều năm qua, những khung cửi dệt nên những tấm chăn, thảm vải, những bộ trang phục trong cuộc sống thường ngày cũng như trong lễ hội mang những nét đặc trưng riêng của người Chăm, K’ho (Hàm Thuận Bắc) dường như không còn, do tác động của nền kinh tế thị trường.

Lê Ninh  – Ngọc Lân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng bỏ mặc “hồn cốt” của dân tộc