Theo dõi trên

Đuối nước - hiểm họa được báo trước

13/07/2020, 09:21 - Lượt đọc: 6

 BT- Đuối nước không phải chuyện mới, nhưng như vòng quay tuần hoàn mỗi khi dịp hè đến. Mùa hè, du khách khắp nơi thường tìm đến những tụ điểm tham quan, tắm biển. Bất trắc có thể xảy ra nếu như không thận trọng, người tắm biển không cảnh giác và ý thức được sự nguy hiểm.

                
      Du khách thích tắm biển nhưng còn thiếu kỹ năng xử lý dưới nước.

 Tắm biển, sông – cần thận trọng

Bình Thuận có bờ biển kéo dài và có nhiều sông, suối, ao, hồ chứa nước… Do tập tục và thói quen, một số trẻ em ở vùng biển thường biết bơi khá sớm nhưng lại thiếu các kỹ năng xử lý tình huống dưới nước. Vào mùa hè thời tiết oi bức, nắng nóng kéo dài, các em học sinh, thiếu niên ham thích vui chơi, thường tìm đến các ao hồ, sông suối, biển để tắm. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro dẫn đến tình trạng đuối nước.

Còn nhớ hồi tháng 6, vụ một nhóm học sinh tiểu học rủ nhau đi  tắm sông đoạn qua xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam. 3 trong số 5 em học sinh nói trên đã xuống sông tắm và bị đuối nước, tử vong. Vụ tai nạn này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh về tình trạng trẻ bị đuối nước trong mùa hè. Câu chuyện thương tâm như mới vừa xảy ra, đã khiến nhiều gia đình rơi vào tình cảnh đau đớn, vì các em quá nhỏ. Đuối nước ngày càng có dấu hiệu gia tăng, không chỉ xảy ra ở trẻ em mà cả người lớn, khách du lịch. Trong tháng 5/2020, Bình Thuận xảy ra 2 vụ đuối nước làm 2 du khách tử vong. Ngoài yếu tố khách quan do thời tiết, một bộ phận khách du lịch còn chủ quan trong việc trang bị dụng cụ bơi cũng như kỹ năng ứng phó dưới nước. Làm việc tại Đội cứu hộ cứu nạn ở Khu du lịch Đồi Dương, 21 năm qua, anh Nguyễn Văn Quang – Đội phó, chia sẻ: “Thiên nhiên mà, biển êm thì thôi chứ trở trời khó biết. Kinh nghiệm lâu nay cho thấy thường trong tháng sẽ có 2 đợt cực kỳ nguy hiểm đó là đầu tháng và giữa tháng. Biển lúc này, dễ tạo ra những dòng xoáy, chảy mạnh rất nguy hiểm cho người tắm biển”. 

 Trang bị cứu hộ đầy đủ hơn

Để đảm bảo an toàn cho du khách, hạn chế tai nạn đuối nước trong mùa du lịch hè, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, thể thao trên địa bàn tỉnh đã trang bị đầy đủ các thiết bị, phương tiện để thay thế và bổ sung kịp thời để đảm bảo công tác cứu hộ, cứu đuối như: phao, ca nô, cắm cờ cảnh báo, lắp đặt các phao nổi cảnh báo ngoài biển để du khách được biết. Bên cạnh đó, các đơn vị còn tổ chức lực lượng nhân viên trực cứu hộ, cứu đuối thường xuyên theo dõi, nhắc nhở, báo hiệu để du khách biết và tham gia cứu hộ khi có sự cố.

Ông Nguyễn Trọng Quang, Giám đốc điều hành Hòn Rơm Central Beach cho biết: “Đơn vị có một đội cứu hộ và ca nô riêng để đảm bảo bãi biển an toàn. Vấn đề trực hồ bơi, cứu hộ bãi biển gồm 3 người thực hiện thường xuyên. Nhờ vậy khu vực biển của chúng tôi không xảy ra trường hợp nào đáng tiếc”. Hiện nay, tại các bãi biển công cộng, ngành du lịch đã triển khai lắp đặt các biển cảnh báo, biển cấm tắm tại các khu vực nguy hiểm thường hay xảy ra đuối nước. Bên cạnh đó, ban quản lý các khu du lịch đã tăng cường công tác quản lý du khách, thiết lập các trạm cứu hộ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tính mạng, tránh xảy ra tai nạn đuối nước, mỗi du khách cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết khi tắm biển như mặc áo phao, tìm hiểu theo dõi thông tin cảnh bảo, không tắm biển khi thời tiết xấu.

Đội trưởng Trương Anh Kiệt (Đội cứu hộ - cứu nạn Khu du lịch Đồi Dương), cho biết: “Đồi Dương là bãi tắm công cộng, lượng người vào lúc cao điểm rất đông. Đội có 7 thành viên, trực 24/24, hiện chúng tôi gặp khó khăn nhất là về con người, phương tiện cứu hộ trong tình trạng khẩn cấp như Jestky không có. Đây là phương tiện thiết thực, nhanh chóng trong những lúc trời gió, sóng to, dễ dẫn đến chậm trễ trong cứu hộ”.  

Khó khăn ở đội cứu hộ

Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cùng các địa phương trong tỉnh đã đồng loạt phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước. Ngoài các hoạt động tuyên truyền, kêu gọi cộng đồng tập luyện môn bơi, các đơn vị, địa phương còn tổ chức các hoạt động: dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, kêu gọi các cá nhân chung tay đóng góp nhân lực, vật lực đầu tư cơ sở vật chất, bể bơi để toàn dân có điều kiện học bơi…

Tuy nhiên, thực tế khó khăn đang nằm ở chỗ những bãi tắm công cộng, khi thiếu cả về con người lẫn trang thiết bị. Ban Quản lý Khu du lịch Đồi Dương - Thương Chánh, có 1 đội cứu hộ 7 thành viên, ngoài dây phao cảnh báo được UBND thành phố Phan Thiết đầu tư thì trang thiết bị cứu hộ khẩn cấp không có. Trước đây, khi chủ đầu tư khách sạn Park Dimond (bây giờ là TTC), có tài trợ một jestky để dùng làm phương tiện cứu hộ, sau đó khi khách sạn chuyển giao cho tập đoàn khác đã thu lại. “Con người càng khó hơn, mức lương không đủ nuôi sống gia đình sẽ rất khó tuyển dụng, các bạn trẻ càng không, nên phần lớn thành viên của đội toàn gắn bó lâu năm, có người đã 21 năm qua”- anh Nguyễn Văn Quang chia sẻ.

“Nói thật là ngoài lương và phụ cấp mỗi tháng 500.000 đồng, nhưng công việc nhiều khi tiếp xúc với tử thi, thực hiện các phương án cứu hộ, dùng miệng sơ cứu không ai biết sẽ bị lây nhiễm gì, chúng tôi đề nghị rất nhiều lần vẫn chưa được xem xét. Chính vì vậy, mà việc tuyển dụng nhân viên cứu hộ rất khó khăn” - Đội trưởng Trương Anh Kiệt cho biết.

    
    Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2016 đến tháng 3/2020,   toàn tỉnh có 87 trẻ tử vong do đuối nước. Riêng năm 2019, trên địa bàn   tỉnh xảy ra 23 trường hợp trẻ em đuối nước.

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đuối nước - hiểm họa được báo trước