Theo dõi trên

Đừng bội tín với tiểu thương

25/08/2016, 08:37

BT- Tại chợ Phú Thủy cho đến thời điểm này tiểu thương vẫn chưa hết râm ran nhiều chuyện. Câu chuyện trách nhiệm trước cử tri, tiểu thương đã bị đùn đẩy - vì UBND thành phố Phan Thiết cũng đã giao cho UBND phường Phú Thủy làm chủ đầu tư, hạch toán thu chi và chịu trách nhiệm. Cho nên những câu hỏi, những khoản tiền tiểu thương đóng góp xây dựng chợ còn dư vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Tình hình trộm cắp vặt đang lộng hành... khiến tiểu thương ca thán.

                
Tiểu thương vẫn còn nhiều bức xúc.

Tài sản tiểu thương bị mất

Trong khi câu chuyện tài chính của tiểu thương đóng góp xây dựng chợ Phú Thủy chưa có hồi kết thì hiện nay, xem chừng tình hình an ninh của chợ Phú Thủy cũ đang báo động. Nhiều tiểu thương đã phản ánh tình hình bị mất trộm tài sản trong đêm, dù đã khóa tủ cẩn thận, nhưng cho đến giờ vẫn chưa có lực lượng bảo vệ đêm.

Anh T – tiểu thương bán hải sản cho biết: “Từ khi Ban quản lý chợ cũ thay đổi, nhiều tiểu thương đã bị mất trộm tài sản dù đã khóa cẩn thận, kẻ gian vẫn cạy tủ để lấy cắp”. Trong lúc trò chuyện với anh T, chủ gian hàng cá bớp kề sát ô sạp của anh T cũng chen vào: “Chợ này giờ không còn an ninh như trước, cá bớp nhập về cất trong tủ đông, vẫn bị cạy khóa để lấy. Trong khi đó, đóng góp xây dựng chợ thì tiểu thương đứng mũi chịu sào, giờ xây chợ mới có ai bán đâu. Tiền đóng góp cho xây chợ cũng không thấy trả lại, trong khi tiểu thương vay nóng vay nguội đóng vào để mưu sinh”.

Bà N có gian hàng thịt buôn bán nhiều năm ở chợ, thời điểm gần đây cũng bị kẻ gian cậy tủ đông lấy trộm thịt. “Không phải tiếc của mà vì chợ Phú Thủy giờ mất an ninh, tiền thuế, tiền này tiền kia cũng từ tiểu thương lớn nhỏ, nhưng tài sản của tiểu thương không được bảo vệ” – bà N nói.

Không chỉ bị mất các mặt hàng thực phẩm, mà những tài sản khác cũng bị trộm, như quạt máy hay những dụng cụ khác. Tiểu thương Lưu Văn Lướt (Hàm Thuận Bắc), cho biết: “Tình trạng mất cắp xảy ra thường xuyên, theo như trước đây khi còn Ban quản lý cũ, thì tiểu thương cũng đóng góp để lực lượng bảo vệ trực. Từ đầu năm 2016, với ban quản lý mới tiểu thương cũng đã đề xuất, nhưng không được chấp thuận, nên tình trạng trộm vặt lộng hành”. Các tiểu thương cho rằng, khi ông Hải còn làm Ban quản lý thì tình hình rất ổn định, hàng đêm đều có lực lượng bảo vệ chợ trực, kinh phí cũng do tiểu thương đóng góp chi trả, vì điều đó thỏa đáng. Nhưng hiện tại, dù đã đề nghị nhưng không hiểu lý do vì sao mà không được chấp nhận như trước. Thiết nghĩ, một cách làm hay dù của người tiền nhiệm nhưng mang lại hiệu quả và đảm bảo an ninh trật tự ở khu chợ vốn phức tạp cũng nên xem xét và phát huy, hơn là phát sinh tình hình mất an ninh trật tự khi mà tài sản dù lớn hay nhỏ của tiểu thương hàng ngày để ở đó.

Chợ mới... cần minh bạch tài chính

Chợ Phú Thủy (mở rộng) xây dựng vào năm 2014, khánh thành và đưa vào sử dụng tháng 2/2015 với 100% vốn huy động từ bà con tiểu thương có nhu cầu kinh doanh. Việc mở rộng xây dựng chợ Phú Thủy mới chủ yếu để phục vụ mua bán kinh doanh vì thời điểm chợ Phú Thủy cũ gần như quá tải. Khẳng định lại vốn là do tiểu thương đã buôn bán kinh doanh ở chợ cũ từ năm 2008 đóng góp. Tuy nhiên, khi chợ mới hình thành có 12 ki-ốt mặt tiền thì bị UBND phường Phú Thủy “dành” để cho đấu giá rộng rãi. Nên có chuyện một doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng cũng đấu thầu trúng ki-ốt mặt tiền, sau đó sang nhượng và kiếm lãi từ mồ hôi nước mắt của tiểu thương, khiến họ bức xúc.

Tiểu thương Lưu Văn Lướt cho hay: Theo nguồn vốn tổng cộng xây dựng chợ mở rộng gần 12 tỷ đồng, thì việc tiểu thương bức xúc nữa là khi các ki-ốt,  ô sạp còn chưa hình thành đã xây nhà làm việc của Ban quản lý chợ (8 con người) 2 tầng với hơn 1,2 tỷ đồng... “Những tiểu thương chúng tôi thắc mắc là số tiền chênh lệch 700 triệu đồng từ lúc xây dựng chợ cũ, qua đấu giá 10 ki-ốt mặt tiền sinh lợi chưa công khai cho tiểu thương rõ. Chúng tôi có đề nghị làm rõ, nhưng UBND phường Phú Thủy cho rằng số tiền này, dùng để sửa chữa chợ? Sửa chữa chợ khi mà ki-ốt của tôi bị dột có ai sửa đâu. Tôn thì dùng tôn cũ lợp lại. Đường nội bộ thì sửa được 2 còn một bên chừa lại” - bà N bức xúc.

Tuy nhiên, vụ việc này giờ chỉ còn ý thức trách nhiệm của chủ đầu tư là UBND phường Phú Thủy trước cử tri, tiểu thương. Vì rằng, UBND thành phố Phan Thiết chỉ là đồng thuận với chủ trương xây dựng chợ theo phương thức xã hội hóa. Vấn đề còn lại ở đây là sự minh bạch về tài chính của chính quyền địa phương, khi đã đứng ra kêu gọi tiểu thương đóng góp xây dựng, thì cũng đừng biến mình thành người bội tín trước cử tri.

 Lê CẨm Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng bội tín với tiểu thương