Theo dõi trên

Đợt dịch thứ hai ở châu Âu: Điều gì nên nỗi, và có thể học gì từ những quốc gia như Việt Nam?

19/10/2020, 10:44

 BTO- Là dòng tít dài của một bài báo đăng tải trên tờ The Conversation của Australia. Một nữ Giám đốc khu nghỉ dưỡng ở Hàm Tiến, người Australia đã chia sẻ trên trang mạng xã hội cá nhân của mình. Kèm theo những dòng trạng thái bằng tiếng mẹ đẻ, nói sự thật về cuộc chiến chống dịch Covid -19 ở Việt Nam, không như nhiều người ở phương Tây đã nghĩ.

Nội dung bài báo

Bài báo có nội dung rất dài đã viết: Châu Âu một lần nữa nằm trong thế kìm kẹp của sự hồi sinh Covid-19, nhiều điểm bùng phát mạnh ở Anh, Tây Ban Nha, Pháp và quốc gia khác. Mức độ nhiễm cao hơn nhiều so với hồi đầu mùa dịch tháng 3 và tháng 4, buộc nhiều nước xem xét lại biện pháp phòng ngừa, mặc dù có sự chống lại lệnh đóng cửa đất nước.

Điều này thể hiện qua con số, trong tháng 3 ở Pháp, ngày có số ca nhiễm cao nhất 7.500 ca, trong khi đợt dịch thứ hai, trong ngày chủ nhật vừa qua có 26.675 ca, cao gấp 3 lần. Ở Tây Ban Nha, tuần qua có hơn 30.000 ca, trong đó tính riêng thủ đô Madrid 20.000 ca. Tại Anh, trong tháng 4, có ngày cao nhất cũng chỉ 7.860 ca, nhưng vào 8/10 vừa qua nhảy lên con số 17.540 ca.

Tuy vậy, đây chỉ là những trường hợp mới được báo cáo từ các phòng xét nghiệm máu. Trên thực tế còn cao hơn nhiều vì có những người nhiễm không biểu hiện triệu chứng, nên không đi xét nghiệm. Các nhà nghiên cứu ở Trường đại học Hoàng Gia Anh đã xét nghiệm 175.000 người Anh xem có triệu chứng hay không. Họ phát hiện 824 người dương tính và đã sử dụng con số này để ước tính có khoảng bao nhiêu ca nhiễm mỗi ngày trong khoảng thời gian từ 18/9 đến 5/10, xem nó có tăng.

Đợt dịch đầu chủ yếu trong mùa xuân, qua mùa hè lắng xuống. Mùa hè là mùa du lịch mang lại lợi nhuận lớn cho nền kinh tế châu Âu, vì vậy nhiều quốc gia dỡ bỏ biện pháp ngăn ngừa Covid-19 để kích hoạt du lịch. Nhiều người Châu Âu có cảm giác được tự do, thoải mái hơn so với hồi tháng 4, xem thường dịch. Ông Hans Kluge – người đứng đầu Văn phong khu vực châu Âu của WHO thừa nhận, nhiều người Châu Âu thờ ơ với dịch. Ông kêu gọi giới chức Châu Âu lắng nghe người dân và làm việc với họ theo cách sáng tạo để truyền sức chiến đấu chống lại Covid-19.

Trước sự bùng phát trở lại của dịch, gần đây nhiều lãnh đạo Châu Âu ban bố các biện pháp giới hạn có mục tiêu và hạn định. Chính phủ Pháp tái áp đặt những giới hạn ở nhiều khu vực nông thôn, bao gồm giới hạn người dân đến nhà hàng, lớp học và đóng cửa các quán bar, phòng tập thể hình. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez yêu cầu người dân hạn chế đến Thủ đô Madrid.

Cũng như Pháp và Tây Ban Nha, Chính phủ Anh không có kế hoạch đóng cửa quốc gia bất chấp con số người nhiễm cao kỷ lục. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chọn “cách tiếp cận cân bằng” thực thi hệ thống cảnh báo 3 cấp trên toàn quốc gồm trung bình, cao và rất cao, tùy vào mức độ nghiêm trọng của sự bùng phát.

Trước khi xuất hiện làn sóng dịch thứ hai, Đức là hình mẫu cho nhiều nước khác ở châu Âu học cách chiến đấu với Covid-19. Tuy nhiên, hình mẫu này khó duy trì, những ngày qua Đức tăng đáng kể ca nhiễm mỗi ngày, cao hơn nhiều so với đỉnh dịch đầu tháng 4. Thủ đô Berlin, nơi nổi tiếng nhộn nhịp về đêm đã ban bố lệnh giới nghiêm trong vòng 70 năm kể từ tháng 10 năm nay.

Trái ngược với Châu Âu, một số quốc gia Đông Nam Á đang kiểm soát rất tốt đại dịch. Trong 2 tuần qua, Việt Nam, Thái Lan và Camphuchia, báo cáo trung bình mỗi ngày có từ 0 -5 ca nhiễm mới mặc dù dân số đông đúc. Có thể là con số chưa đầy đủ, nhưng không làm giảm sự thành công vượt bậc của các quốc gia này trong cuộc chiến chống Covid-19.

Việt Nam hiện báo cáo có tổng số ca nhiễm 1.113 ca, thấp đáng kể so với dân số 100 triệu dân. Giới chức y tế Việt Nam đã sử dụng chiến thuật có mục đích rõ ràng, ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch. Việt Nam thiết lập các cơ sở cách ly người nghi nhiễm và bị nhiễm giảm thiểu lây lan.

Ở Thái Lan, những tình nguyện viên y tế đến các khu vực có người bị nhiễm, sàng lọc đối tượng nghi nhiễm đưa đến các phòng khám y tế xét nghiệm. Đồng thời giải thích rõ để người dân hiểu, không nên tin vào những lời đồn đoán cũng như thông tin sai lệch. Họ cũng dạy người dân cách rửa tay đúng cách, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mang khẩu trang và khử trùng tay.

Ngoài ra, Ban Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan gặp gỡ với các y, bác sĩ, nhân viên bệnh viện, chỉ dẫn cho họ biết cách phát hiện ca bệnh và ngăn chặn dịch lây lan trong bệnh viện. Cách giáo dục này và Đội quân tình nguyện đã giúp cho Thái Lan giữ nguyên con số ca nhiễm, chỉ có 3.500 ca.

Mặc dù có hệ thống y tế yếu hơn, nhưng Campuchia chỉ có 283 ca nhiễm, không có người chết. Quốc gia này đã tiến hành mở rộng theo dõi bằng cách sử dụng 2.900 nhân viên chăm sóc sức khỏe truy tìm người tiếp xúc người bệnh. Campuchia bắt đầu đóng cửa quốc gia từ đầu mùa dịch, trong đó đóng cửa các trường học, địa điểm giải trí, hạn chế đi lại. Gần 80% dân số Camphuchia sống ở vùng nông thôn, mật độ dân số thấp giúp dễ dàng quản lý và ngăn chặn sự lây lan. Chủ yếu tập trung phòng dịch ở thành phố lớn như ở Phnom Penh, Siem Reap và Sihanoukville.

Bài báo cũng cho rằng, sự thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, một phần do các nước Đông Nam Á từng trải qua dịch SARS và cúm gia cầm, nên nhiều quốc gia đã cẩn trọng với Covid-19 ngay từ đầu. Ngoài việc đeo khẩu trang, còn thực hiện nghiêm ngặt việc giãn cách xã hội. Xét nghiệm đối tượng nhiễm, giáo dục và ý thức phòng dịch của cộng đồng là rất quan trọng trong việc ứng phó với Covid-19.

 Bác lại những nghi ngờ

Qua bài báo, bà Kristy Marland - nữ giám đốc Khu nghỉ dưỡng Blue Ocean đã thẳng thắn bác lại những nghi ngờ của Châu Âu về Việt Nam đang che giấu số liệu người nhiễm và tử vong do Covid - 19, trên trang cá nhân của mình có nhiều lượt người thích. “Điều buồn là, tôi biết nhiều nước ở Châu Âu cho là Việt Nam đang che giấu sự thật về số liệu người nhiễm và tử vong do Covid - 19. Nhưng tôi sống ở Việt Nam và đích thân đến các bệnh viện địa phương và TP.HCM, nơi đang chăm sóc bệnh nhân Covid-19, gặp gỡ các y, bác sĩ, và du khách lưu trú ở resort của tôi, những người tiếp xúc với trường hợp dương tính với Covid-19 đi cùng chuyến bay quốc tế (may mắn họ âm tính với Covid-19). Tôi biết rõ, Việt Nam không giấu giếm điều gì mà đang nói lên sự thật trong vấn đề này...”, Kristy Marland viết,

Bà cũng nhận xét vì sao Việt Nam thành công trong cuộc chiến chống Covid-19 và Châu Âu lại kém thành công. “Một phần lý do Việt Nam thành công là Chính phủ Việt Nam phản ứng nhanh, người dân ý thức phòng dịch và tuân theo chỉ đạo của Chính phủ, đã tạo nên sự khác biệt trong cách phòng dịch ở các nước châu Âu. Ở Australia và ở Châu Âu, tôi chắc rằng, nhiều người phớt lờ quy định cách ly, mang khẩu trang...

Vì vậy, không chỉ các Chính phủ phương Tây học Việt Nam cách phản ứng nhanh với đại dịch, mà người dân cần học người Việt Nam trong vấn đề này...”, Kristy Marland bày tỏ.

Là người sống và làm việc lâu năm ở Việt Nam, Kristy Marland rất hiểu người dân Việt Nam. Thấu hiểu nỗi khó khăn trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, tháng qua bà và thân nhân của mình đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM. Chuyến đến thăm nhằm hỗ trợ về mặt tinh thần, tiếp sức cho các bác sĩ Việt Nam chiến đấu đại dịch.

Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đợt dịch thứ hai ở châu Âu: Điều gì nên nỗi, và có thể học gì từ những quốc gia như Việt Nam?