Theo dõi trên

Đồng vốn chính sách “kết trái”

24/09/2020, 09:14 - Lượt đọc: 93

BT- Hàng ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với lãi suất ưu đãi, tạo việc làm, giúp nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu. Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Bình Thuận đã “tải” được chủ trương, chính sách của  Đảng và Nhà nước vào cuộc sống…

                
      
         Vợ chồng anh Trần Trung Hiếu và chị Nguyễn Thị Long    Vy (người đứng giữa và đứng thứ nhất từ trái sang) bên ngôi nhà mới    xây tại thôn 1, xã Thuận Minh.

Thoát nghèo nhờ vốn chính sách

Khác với các ngân hàng thương mại, Ngân hàng CSXH với chức năng chỉ cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách nên công tác “gần dân, nắm rõ địa bàn, rõ đối tượng” để rót vốn là ưu tiên hàng đầu với lực lượng cán bộ tín dụng cơ sở. Vì vậy mà cán bộ Ngân hàng CSXH hầu như đi vùng sâu, vùng xa rất nhiều. Cái khổ ấy cũng được bù lại xứng đáng khi nhiều hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số vay được tiền làm ăn đến khi thoát nghèo đã rất biết ơn với Ngân hàng CSXH. Tôi về thôn Bàu Chim, xã Đức Thuận - là xã giáp ranh với thị trấn Lạc Tánh, nhưng là xã nghèo của Tánh Linh, bởi có khá đông người dân tộc thiểu số sinh sống. Xã có nhiều hộ từ các tỉnh miền Trung và phía Bắc đến lập nghiệp, dân Phan Thiết định cư theo chương trình kinh tế mới nên đời sống còn nhiều khó khăn. Mặt khác trên địa bàn xã doanh nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay nên nguồn thu rất hạn hẹp.

Anh Nguyễn Cửu Long ở xã Đức Thuận nhiều năm liền vật lộn với bài toán làm kinh tế nhưng “chẳng đâu vào đâu”, nghèo vẫn hoàn nghèo. Anh kể: Tôi từ Phan Thiết lên Tánh Linh lập nghiệp, lúc đầu làm đủ thứ nghề nhưng vẫn rất khó khăn. Khi Ngân hàng CSXH cho vay trồng thanh long để khởi nghiệp, nhờ lãi suất thấp nên chỉ 4 năm sau gia đình tôi thoát nghèo, rồi tích lũy vốn để gầy dựng, hiện tại tôi có 3 ha vừa trồng thanh long vừa trồng mãng cầu Đài Loan, Thái  Lan để xuất khẩu, hàng năm thu lãi trên 500 triệu đồng… Dù tế nhị không nói về tài sản, nhưng ước “sơ sơ” gia tài của anh hiện có gần 10 tỷ đồng.

 Ở Hàm Thuận Bắc, vợ chồng anh Trần Trung Hiếu và chị Nguyễn Thị Long Vy khi về ngôi nhà mới xây tại thôn 1, xã Thuận Minh đã không giấu nổi vui mừng vì bao nhiêu năm phải “ở ké” nhà cha mẹ ruột. Nhà đông người nên mọi sinh hoạt bất tiện, khi có chương trình cho vay mua, thuê nhà ở xã hội hoặc xây mới, cải tạo nhà để ở của Ngân hàng CSXH, anh mạnh dạn vay vốn cộng thêm khoản tích lũy nên đã xây được căn nhà khang trang như mong ước. Mới đây, dịch Covid – 19 đã ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân rất nhiều, ông Phan Văn Hùng (SN 1979) ở thôn 2, xã Đồng Kho – Tánh Linh vay vốn trong chương trình giải quyết việc làm 50 triệu đồng để mở rộng cơ sở gia công nhôm sắt, nhờ nguồn vốn vay trên đã tạo việc làm ổn định cho 2 lao động trong gia đình, giúp thu nhập ổn định (trên 5 triệu đồng/tháng). Ông Hùng cho biết: “Nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng, gia đình tôi đã đầu tư mở rộng cơ sở, mua thêm máy móc, thiết bị phục vụ cho công việc, từ đó công việc ngày càng thuận lợi hơn, sẵn sàng nhận nhiều đơn hàng làm cửa sắt, cửa nhôm… thu nhập được tăng cao và ổn định hơn, vững vàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19”…

Đó là 3 trong hàng ngàn lượt hộ vay vốn từ các chương trình của Ngân hàng CSXH để làm kinh tế thoát nghèo, ổn định việc làm hoặc có căn nhà “mơ ước”, sử dụng đồng vốn đúng mục đích. Trên đất Bình Thuận hiện vẫn đang có hàng ngàn lượt hộ từng ngày sử dụng đồng vốn từ Ngân hàng CSXH đúng mục đích để “đơm hoa, kết trái” cho đời… 

Một chặng đường vì hộ nghèo

Anh Phạm Anh Đức - Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Bình Thuận, cho biết: Giai đoạn 2011 - 2020, được sự quan tâm của Trung ương và địa phương, đặc biệt kể từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn được bổ sung hàng năm với tốc độ tăng trưởng khá cao, cụ thể: Tổng nguồn vốn thực hiện đến 30/6/2020 của Ngân hàng CSXH đạt 2.859 tỷ đồng, tăng 1.717 tỷ đồng, tăng 150,4% so năm 2010. Trong đó: Nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 2.449 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 85,7%/tổng nguồn vốn, tăng 1.341 tỷ đồng, tăng 121% so năm 2010, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10%. Nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 331 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11,6%/tổng nguồn vốn, tăng 311,5 tỷ đồng, tăng 1.596% so năm 2010; trong đó: tiền gửi tổ chức, cá nhân đạt 144,7 tỷ đồng, tăng 141,7 tỷ đồng; tiền gửi của tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đạt 186,2 tỷ đồng, tăng 169,7 tỷ đồng so năm 2010. Nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 79 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,77%/tổng nguồn vốn; tăng 64,7 tỷ đồng so năm 2010 và tăng 58,5 tỷ đồng so thời điểm trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW...

                
      Cho vay chăn nuôi bò ở Hàm Thuận Bắc.

Từ năm 2011 - 2020, đã có trên 302.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng CSXH. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã thực sự đem lại một số hiệu quả thiết thực như: giúp gần 33.062 hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Thu hút, tạo việc làm cho trên 16.000 lao động; giúp trên 50.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập. Xây dựng trên 156.000 công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn; 2.474 căn nhà ở cho hộ nghèo và 110 khách hàng được vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội…

Nguồn vốn được đưa ra dân kịp thời đã giải quyết cho hàng triệu lượt người có việc làm ổn định, giúp hàng ngàn lượt hộ thoát nghèo. Nhiều hộ dân tộc thiểu số có nhà vệ sinh và sử dụng nước sạch làm thay đổi tư duy, nhận thức một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Bình Thuận đang quyết tâm thực hiện chương trình xóa hộ nghèo mang tính bền vững, nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH vẫn đang theo “dòng chảy” đến với hộ nghèo, mới thoát nghèo và đối tượng chính sách từng ngày, từng giờ… Niềm hy vọng thoát nghèo vươn lên làm giàu của người dân vẫn luôn được “giữ lửa” và tiếp tục thổi bùng ngọn lửa làm giàu chính đáng trong thời gian đến…

    
      Ông Nguyễn Đức Hải – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam đã đánh   giá cao những nỗ lực mà cả hệ thống chính trị Bình Thuận vào cuộc chỉ   đạo, trợ giúp chi nhánh Ngân hàng CSXH hoàn thành các kế hoạch, chỉ tiêu   trên giao. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, các tổ chức chính   trị - xã hội, cơ quan khuyến nông, khuyến ngư đã lồng ghép các chương   trình tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cách thức làm ăn. Các hộ nghèo   từ đó được tuyên truyền nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi cách   nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất kinh   doanh để tạo thu nhập, góp phần tích cực trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo   ở Bình Thuận.

T.T



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồng vốn chính sách “kết trái”