Theo dõi trên

Doanh nghiệp “tự” sửa 4 nhà văn hóa thôn?

13/06/2017, 09:19 - Lượt đọc: 138

BT- Khi thực hiện sửa chữa nhà văn hóa, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Hồng Hưng chưa có “một mảnh giấy lận lựng”: Chưa được chỉ định thầu, chưa có bản vẽ thi công? Đi sâu tìm hiểu về việc sửa chữa nhà văn hóa thôn ở xã Đức Tân, chúng tôi còn phát hiện nhiều vấn đề bất thường cần được làm rõ?

                
Việc sửa chữa nhà văn hóa thôn ở xã Đức Tân    đang có nhiều khuất tất cần làm rõ.

Doanh nghiệp liên hệ thôn xin sửa nhà văn hóa?

Chúng tôi về xã Đức Tân, huyện Tánh Linh nơi đây vừa đạt mục tiêu xã nông thôn mới không lâu. Có thể nói nhờ việc xây dựng nông thôn mới mà cơ sở hạ tầng nơi đây thay đổi nhiều. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư bài bản. Các tuyến đường hầu hết đã được bê tông. Để xã Đức Tân về đích xây dựng nông thôn mới đúng thời gian có sự chung tay của cả chính quyền và người dân địa phương. Nhằm khích lệ động viên người dân, Chính phủ đã thưởng cho xã Đức Tân số tiền 800 triệu đồng. Tháng 12/2016, UBND  tỉnh có quyết định chi khen thưởng cho các xã đạt nông thôn mới năm 2016 (800 triệu đồng/ xã) trong đó có xã Đức Tân. Ngày 27/12/2016, UBND xã Đức Tân đã họp và thống nhất dùng tiền thưởng nông thôn mới để sửa chữa, nâng cấp các nhà văn hóa còn lại và xin thêm huyện để xây dựng bia tưởng niệm.

Mặc dù xã mới có chủ trương dùng tiền thưởng nông thôn mới sửa chữa nhà văn hóa nhưng khoảng tháng 1/2017, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Hồng Hưng đã cho xe chở tôn đến nhà văn hóa của 5 thôn trên địa bàn xã Đức Tân để gửi.  “Ngày giờ cụ thể thì tôi không nhớ những chắc chắn là trước Tết Nguyên đán 2017. Lúc đó ông Toàn (Lê Văn Toàn, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Hồng Hưng - PV) có chở tôn đến và nói tôi mở cửa nhà văn hóa để họ gửi nhờ. Vì trước đây ông Toàn xây dựng nhà văn hóa thôn nên tôi mở cửa cho ông ấy gửi tôn vào. Số tôn này sau đó dùng để sửa chữa nhà văn hóa thôn”, ông Nguyễn Chơn Hoàng - Trưởng thôn 1, xã Đức Tân cho biết. Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Hồng Hưng đã gửi tôn vào nhà văn hóa của 5 thôn trên địa bàn xã Đức Tân. Sau khi gửi tôn, đến đầu tháng 2/2017, Doanh nghiệp Hồng Hưng tiến hành sửa chữa ở nhà văn hóa thôn 1. “Trước khi tiến hành sửa chữa, ông Toàn có nói với tôi là để ông sửa chữa nhà văn hóa. Vì việc sửa chữa nhà văn hóa sẽ tạo điều kiên tốt hơn cho người dân trong sinh hoạt nên tôi nói: “Ai sửa cũng được. Còn việc đồng ý cho chú sửa chữa nhà văn hóa hay không thì phải xin phép xã chứ thôn không có quyền quyết định”. Sau đó ông Toàn cho thợ dỡ mái tôn nhà văn hóa xuống và lợp tôn mới lên”, ông Hoàng - Trưởng thôn 1 nhớ lại.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào ngày 14/2/2017, UBND xã Đức Tân tiến hành họp người dân ở thôn 1, xin ý kiến về việc dùng tiền thưởng nông thôn mới vào việc gì thì Doanh nghiệp Hồng Hưng đã thay xong mái tôn của nhà văn hóa. Sau đó vài ngày, Doanh nghiệp Hồng Hưng tiếp tục cho sửa chữa nhà văn hóa ở các thôn 2, 4, 5. Điều đáng nói là khi thực hiện sửa chữa nhà văn hóa, Doanh nghiệp Hồng Hưng chưa có “một mảnh giấy lận lựng”: Chưa được chỉ định thầu, chưa có bản vẽ thi công? Đi sâu tìm hiểu về việc sửa chữa nhà văn hóa thôn ở xã Đức Tân, chúng tôi còn phát hiện nhiều vấn đề bất thường cần được làm rõ?

 Ai “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp?

Khi phát hiện việc sửa chữa nhà văn hóa thôn ở xã Đức Tân không tuân thủ các quy định của Nhà nước, người dân đã làm đơn kiến nghị lên UBND huyện Tánh Linh. Ngày 23/3/2017, Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh đã thành lập tổ xác minh vụ việc. Đến ngày 22/5/2017, Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh ra kết luận nội dung tố cáo. Tuy nhiên, nhiều điểm trong kết luận nội dung tố cáo của UBND huyện Tánh Linh với những gì chúng tôi ghi nhận tại địa phương có sự khác biệt cần làm rõ.

Theo giải trình của đại diện Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Hồng Hưng với đoàn kiểm tra thì vào ngày 16/2/2017, doanh nghiệp này có đơn gửi UBND xã Đức Tân xin sửa chữa nhà văn hóa thôn. Khi xã chưa trả lời thì doanh nghiệp này đã “nôn nóng” xin thôn 1 sửa chữa nhà văn hóa. Sau khi nhận được sự đồng ý của thôn 1, ngày 18/2/2017, doanh nghiệp này tiến hành dỡ mái tôn nhà văn hóa thôn 1 để thay mới. Đến ngày 22/2/2017, ông Lê Văn Toàn, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Hồng Hưng đi theo đoàn khảo sát các nhà thôn để xin các thôn cho doanh nghiệp này sửa chữa các nhà còn lại. Sau khi có sự thống nhất của các thôn những hạng mục cần sửa chữa có bản vẽ, bản thiết kế dự toán của các thôn. Ngày 2/3/2017, doanh nghiệp này tiến hành sửa chữa nhà văn hóa các thôn 2, 3, 4. Đang thi công thì đến ngày 10/3/2017  UBND xã Đức Tân yêu cầu dừng.

Tuy nhiên, với những tài liệu mà chúng tôi thu thập được thì giải trình của đại diện Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Hồng Hưng có nhiều điểm bất nhất. Doanh nghiệp này trình bày vào ngày 18/2/2017 mới tiến hành sửa chữa nhà văn hóa thôn 1, nhưng thực tế thì khác. Ông Nguyễn Chơn Hoàng - Trưởng thôn 1 cho biết: Thời gian Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Hồng Hưng tiến hành sửa chữa là ngày 13/2/2017. Đến ngày họp dân là ngày 14/2/2017, doanh nghiệp này đã thay xong phần mái tôn. Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Trần Văn Thương - Chủ tịch xã Đức Tân xác nhận: “Vào buổi họp dân thôn 1, vào ngày 14/2/2017, ông phát hiện nhà văn hóa thôn 1 đã được thay mới tôn phần mái nhà. Sau khi phát hiện, ngày 17/2/2017, UBND xã Đức Tân ra thông báo về kết quả họp dân gửi cho 5 thôn và đề nghị các thôn khi nào có đủ hồ sơ mới triển khai”.

Để làm rõ việc thôn khác đồng ý để Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Hồng Hưng là đơn vị thực hiện sửa chữa nhà văn hóa, chúng tôi đã gặp một số trưởng thôn. Ông Võ Xuân An - Trưởng thôn 4 cho biết: Trước Tết Nguyên đán Doanh nghiệp Hồng Hưng có đến gửi tôn. Đầu tháng 2/2017, Ban điều hành thôn tiến hành họp dân xin ý kiến về việc sử dụng tiền thưởng nông thôn mới vào việc gì. Tại cuộc họp này, người dân đồng ý sẽ dùng tiền thưởng nông thôn mới để sửa chữa nhà văn hóa chứ chưa bàn đến việc doanh nghiệp nào sẽ thực hiện việc này. Đến ngày 22/2/2017, UBND xã xuống thôn 4 tổ chức cuộc họp với Ban điều hành thôn 4 về các hạng mục cần sửa chữa của nhà văn hóa. Tại cuộc họp này, ông Lê Văn Toàn, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Hồng Hưng cũng đến nhưng ngồi ở ngoài. Đến ngày 25/2/2017, ông Toàn đến mượn tôi chìa khóa nhà văn hóa để tiến hành sửa chữa. Vì thấy ông Toàn đã gửi tôn lại có mặt tại buổi họp xác định các hạng mục cần sửa chữa nên tôi đưa chìa khóa cho ông Toàn. Ban điều hành thôn 4 không nói đồng ý cũng như không phản đối việc ông Toàn sửa chữa nhà văn hóa.

Liên quan đến việc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Hồng Hưng giải trình với đoàn kiểm tra của UBND huyện Tánh Linh: Sau khi có sự thống nhất của các thôn những hạng mục cần sửa chữa có bản vẽ, bản thiết kế dự toán của các thôn thì doanh nghiệp này mới sửa nhà văn hóa. Tuy nhiên, ông Võ Xuân An - Trưởng thôn 4 khẳng định, vào thời điểm Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Hồng Hưng tiến hành xây dựng thôn vẫn chưa nhận được bản vẽ thiết kế thi công, phải đến ngày 21/4/2017, Ban điều thôn mới nhận được tài liệu này. Như vậy, bản vẽ, bản thiết kế dự toán của các thôn mà doanh nghiệp này đề cập do ai cung cấp? Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Trần Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Đức Tân cho biết: Việc tiến hành sửa chữa các nhà văn hóa là do thôn và doanh nghiệp tự thỏa thuận với nhau. UBND xã Đức Tân và bản thân ông không có chỉ đạo gì liên quan đến việc để Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Hồng Hưng thực hiện việc sửa chữa nhà văn hóa. Tại cuộc họp với tổ kiểm tra của UBND huyện Tánh Linh, các thôn đã đồng ý để doanh nghiệp này tiếp tục hoàn thiện việc sửa chữa nhà văn hóa thôn. Ngày 29/5/2017, UBND xã đã ra quyết định chỉ định thầu cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Hồng Hưng sửa chữa 5 nhà văn hóa và yêu cầu các thôn thành lập tổ giám sát.

Ông Nguyễn Hồng Hảo, một vị cao niên tại thôn 1 băn khoăn: “Một doanh nghiệp tư nhân “nếu không có gì đó” thì làm sao dám tự động xuống thôn xin phép xây dựng nhà văn hóa. Trong khi đó, thôn không phải là đơn vị chủ đầu tư của công trình này. Tôi đề nghị các ngành chức năng làm rõ việc này vì đây là công trình sử dụng nguồn vốn từ tiền thưởng về đích nông thôn mới đúng thời hạn. Đây là số tiền có sự đóng góp của người dân cả xã”.

Nguyễn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp “tự” sửa 4 nhà văn hóa thôn?