Theo dõi trên

Dệt thảm xanh cho “quần đảo bão tố”

24/02/2021, 16:19 - Lượt đọc: 6

BTO- Mặc cho nắng cháy da cháy thịt, mặc cho gió chướng rát mặt bốn mùa, hàng ngày cỏ cây hoa lá ở 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân cứ “đội” sỏi đá chui lên, vươn dài tươi tốt như thảm xanh giữa khắc nghiệt của biển khơi. Tất cả do bàn tay khối óc của quân và dân Trường Sa tạo dựng.

Cứ sau Tết Nguyên đán hằng năm, cán bộ chiến sĩ, quân và dân Trường Sa lại tổ chức trồng cây xanh nhớ ơn Bác Hồ. Đây là công việc thường niên nhằm mục đích xây dựng cảnh quan môi trường, đồng thời là dịp để mỗi cán bộ chiến sĩ, quân và dân Trường Sa hiểu được ý nghĩa nhân văn của việc trồng cây xanh, sống xanh ở “quần đảo bão tố”.

Trường Sa được mệnh danh là “quần đảo bão tố” của Tổ quốc Việt Nam giữa ngàn khơi. Bởi nơi ấy có khí hậu thời tiết khắc nghiệt nắng gió và hơi nước biển mặn quanh năm suốt tháng. Nhưng đó cũng chính là “mảnh đất diệu kỳ” để những loài cỏ cây “ưa nắng, thích gió, chịu mặn” sinh sôi nảy mầm như bàng vuông, phong ba, bão táp, muống biển, dừa nước, mù u...

Từ tháng 4/2009 trở về trước, Quần đảo Trường Sa còn hoang sơ. Ngày ấy, các đảo chìm chưa trồng được rau trong máng gỗ vì nền đảo thấp so với mặt nước biển. Ngay như các đảo nổi như Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Song Tử Tây cũng chưa có các loại cây như dừa, chanh. Những loại cây có sức sống mãnh liệt như phong ba, bàng vuông, bão táp cũng chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

 Từ giữa năm 2009 thực hiện chủ trương xây dựng đảo để “kê thêm nền Tổ quốc giữa đại dương bao la”, hàng ngàn cây xanh, cây ăn trái do các tỉnh, thành tặng bộ đội Trường Sa theo tàu ra đảo. Với tinh thần xây dựng Trường Sa mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan môi trường, thắm tình quân dân, chương trình “dệt thảm xanh cho quần đảo bão tố” được triển khai rộng khắp trong toàn quốc. 

Để Trường Sa thêm xanh, từ tháng 4 - 6 hằng năm, Quân chủng Hải quân tổ chức 20-22 chuyến tàu mỗi năm chở thân nhân lính đảo ra Trường Sa. Trên những con tàu ấy ngoài vật chất huấn luyện, sinh hoạt, học tập cho bộ đội, có hàng ngàn cây ăn trái như dừa, chanh, vú sữa đồng hành ra đảo. 

Dưới bàn tay của cán bộ chiến sĩ, cây xanh được trồng khắp triền đảo, trên hầm hào công sự, khu nhà ở, trên đường ra thao trường, bên kho tàng, cầu cảng. Những cây chịu mặn như phong ba trồng quanh mép đảo, những cây thân mềm như chuối, dừa trồng trong lòng đảo. Cùng với những cây thân gỗ cứng, thân gỗ mềm, các loại rau xanh như mồng tơi, muống, cải, dền cũng được trồng khắp các đảo nổi, đảo chìm.

 Để cải thiện bữa ăn cho bộ đội, phong trào tăng gia “nuôi trồng” được “hiện đại hóa” ở các đảo nổi. Đảo Song Tử Tây có đàn bò cả chục con, ở Trường Sa Lớn có đàn lợn cả trăm con; ở đảo chìm nuôi gà, nuôi heo; ở đảo Đá Tây nuôi cá chim trắng, ở Làng chài Núi Le, Tốc Tan nuôi cá thu, cá ó với năng suất chất lượng cao.

Sau 46 năm giải phóng xây dựng và trưởng thành, từ một quần đảo “hoang vu mịt mù khói súng”, Trường Sa bây giờ là một thị tứ giữa ngàn khơi. Cái mới của Trường Sa hôm nay không chỉ những công trình phòng thủ kiên cố đủ sức bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển, mà còn khoác một thảm xanh đầy sức sống giữa biển Đông. 

                                                                                                                                                                                                                    
   
      Nhìn từ cự ly 1 hải lý, đảo Trường Sa Lớn  như một bức tranh tuyệt    đẹp giữa biển trời và màu xanh của cây cối xanh tươi.
   
      Cảnh bình yên trên đảo Song Tử Tây.
   
      Bộ đội Trường Sa trồng cây xanh “Nhớ ơn Bác Hồ” khi mùa xuân đến.
   
      Cây bàng quả vuông trăm năm tuổi ở đảo Trường Sa lớn che nắng bộ đội    mỗi trưa hè nóng nực.
   
      Ươm giống bàng quả vuông.
   
      Ai nói Trường Sa không có hoa lan?
   
      Một góc thảm xanh trên đảo Nam Yết.
   
      Rau xanh ở đảo chìm Cô Lin.
   
      Màu xanh ở chùa đảo Sinh Tồn.
   
      Bàng vuông ở đảo Sơn Ca.
   
      Nuôi cá chim trắng trong lồng ở đảo Đá Tây A.
   
      Những vị khách đến từ đất liền, cũng muốn xin giống bàng vuông từ    Trường Sa về ươm trồng.
   
      Dưới bạt ngàn bóng mát, quân dân đảo Sơn Ca giao lưu văn nghệ.
   
      Đu đủ của lính Trường Sa.
   
      Cây di sản ở đảo Trường Sa lớn có niên đại hơn 100 năm tuổi.

Mai Thắng (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dệt thảm xanh cho “quần đảo bão tố”