Theo dõi trên

Đến năm 2021: Bình Thuận chỉ còn 2.027 biên chế hành chính

21/01/2019, 09:05 - Lượt đọc: 42

BT-  Thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại công chức, viên chức, Bình Thuận đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với mục tiêu đến năm 2021 giảm 3.155 biên chế hành chính, sự nghiệp.

                
      
Hiện nay định mức biên chế giáo viên đứng    lớp bậc tiểu học không đảm bảo số lượng giáo viên đứng lớp 2    buổi/ngày. Ảnh: Đình Hòa

Để thực hiện được mục tiêu đó, UBND tỉnh xác định việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại công chức, viên chức là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2015 – 2020. Thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung tuyên truyền, qua đó, nâng cao trách nhiệm, thống nhất nhận thức và hành động của từng cấp, từng ngành và mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, tạo sự đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương quan trọng này. Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị theo hướng xác định rõ chức trách, nhiệm vụ, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Trên cơ sở đó, sáp nhập, hợp nhất các phòng, các đầu mối có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, có mối quan hệ liên thông với nhau về chức năng, nhiệm vụ. Đây là giải pháp cơ sở cho việc sắp xếp lại con người, tinh giản biên chế.

Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã giảm 52 đầu mối cơ quan hành chính, giảm 63 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra, tính từ đầu năm 2016 đến cuối năm 2018, Bình Thuận đã thực hiện cắt giảm tổng cộng 407 biên chế hành chính (đạt tỷ lệ 84,1% so với kế hoạch đề ra đến năm 2021); cắt giảm, chuyển ra ngoài ngân sách trả lương 1.448 viên chức sự nghiệp (đạt tỷ lệ 55 % so với kế hoạch đề ra đến năm 2021). Tính đến nay, Bình Thuận đã không còn biên chế vượt so với quy định của Trung ương.

         
      Trên cơ sở đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt, hằng năm, tỉnh    đều tổ chức tuyển bổ sung công chức, viên chức để bổ sung cho các cơ    quan đơn vị còn thiếu, khuyết. Thực hiện thi tuyển theo nguyên tắc    cạnh tranh theo vị trí việc làm, áp dụng công nghệ thông tin trong    thi tuyển...

Công tác tinh giản biên chế tuy đạt những kết quả, song việc cắt giảm biên chế hiện nay và sắp tới, sẽ tạo áp lực lớn đối với tỉnh. Theo lộ trình thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị thì đến năm 2021 tỉnh Bình Thuận chỉ còn 2.027 biên chế hành chính. Với số lượng biên chế trên thì nhiều ngành của tỉnh không có biên chế để bố trí. Điển hình như, theo quy định tại Nghị định số 119 thì 1.000 ha rừng bố trí một biên chế kiểm lâm, tỉnh Bình Thuận có 365.000 ha rừng thì phải bố trí 365 biên chế kiểm lâm. Như vậy, chỉ riêng biên chế bố trí cho lực lượng kiểm lâm đã chiếm gần 1/5 biên chế của tỉnh. Qua sắp xếp và thu gọn biên chế, nhiều cơ quan, đơn vị nhất là ở cấp huyện chỉ còn 5 - 6 biên chế trong khi khối lượng công việc nhiều. Đây là khó khăn và áp lực rất lớn để có thể đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.

Từ thực tế, tại hội nghị trực tuyến ngành Nội vụ mới đây, tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, tính toán giao biên chế công chức hành chính cụ thể theo vị trí việc làm, có tính toán đến các yếu tố đặc thù, đảm bảo phù hợp cho từng địa phương. Riêng đối với định mức biên chế và tinh giản biên chế ngành giáo dục đào tạo, hiện nay định mức biên chế giáo viên đứng lớp bậc tiểu học theo Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo không đảm bảo số lượng giáo viên đứng lớp 2 buổi/ngày, đề nghị sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp. Ngoài ra, dịch vụ giáo dục, đào tạo là dịch vụ thiết yếu, cơ bản, vì vậy, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, sắp xếp điểm lẻ, số lượng học sinh/lớp cần có hướng dẫn, tránh tình trạng thực hiện thiếu thống nhất, xáo trộn, ảnh hưởng, tác động không tốt đến đời sống xã hội như thời gian vừa qua.

Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đến năm 2021: Bình Thuận chỉ còn 2.027 biên chế hành chính