Theo dõi trên

Để không còn những nỗi đau vì TNGT

12/12/2019, 09:12

BT- Tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra không chỉ gây hậu quả trước mắt cho chính người tham gia giao thông, mà còn để lại nhiều nỗi đau, mất mát to lớn đối với người thân và gia đình. Đó là cảnh con mất cha, vợ mất chồng, người đầu bạc tiễn người đầu xanh… Bi kịch về TNGT luôn hiện diện xung quanh và nhắc nhở chúng ta một điều rằng, phía sau tay lái còn cả một gia đình.

                
Diễu hành tuyên truyền an toàn giao thông.    Ảnh: Đ.H

Tưởng nhớ người đi…

Trong căn nhà xiêu vẹo, chắp vá tứ bề, vợ chồng ông Nguyễn Hùng (ngụ tại thôn 3, xã Bắc Ruộng, Tánh Linh) buông đôi mắt thấm đượm nỗi đau kể lại sự việc mất con, sau vụ TNGT xảy ra vào ngày 28/4/2019. Tối hôm đó, do đúng vào thời gian nghỉ lễ nên em Võ Tuấn Kiệt (12 tuổi) không học bài, mà xin cha mẹ đi uống trà sữa với bạn bè. Kiệt đi chơi bằng xe đạp nhưng sau đó lại nhận lời ngồi phía sau xe máy của một người bạn tên Tấn (13 tuổi), cùng với 3 người bạn khác. Đi đến trục đường 336, thuộc thôn 4, xã Bắc Ruộng, Tấn gặp một chiếc xe ben chạy cùng chiều nên hốt hoảng thắng gấp, làm cả xe và 5 em (trong đó có Kiệt) ngã ra đường, hậu quả khiến 2 em tử vong, còn lại đều bị thương.

Vợ chồng ông Hùng là người gốc Quảng Trị, vào Bình Thuận sinh sống chưa được bao lâu, cuộc sống của cả nhà chỉ phụ thuộc vào nghề nông và luôn trong tình trạng thiếu trước, hụt sau. Kể từ ngày Kiệt gặp nạn, vợ chồng ông cũng không còn tinh thần để làm việc, cả ngày cứ thẩn thờ với nỗi đau tột cùng khi nhìn đâu cũng nhớ đến con, mà giờ đây chỉ có thể ngắm nhìn, vuốt ve qua tấm di ảnh…

Cùng rơi vào tình cảnh “đầu bạc khóc tiễn đầu xanh”, suốt mấy tháng nay, bà Lưu Thị Tuyết (ngụ tại thị trấn Lạc Tánh, Tánh Linh) lúc nào cũng buồn rười rượi vì “núm ruột” của mình đang còn tuổi ăn, tuổi học, bỗng chốc lại yên ngủ dưới đám cỏ xanh. Tiếp chuyện với chúng tôi mà nước mắt của bà Tuyết cứ chực chờ trào ra, len theo những nếp nhăn trên gương mặt khắc khổ. Phải mất lâu sau, bà mới có thể lấy lại bình tĩnh, nhưng vẫn chưa thể nói tròn một câu chuyện. “Nhà vốn dĩ đã neo người, giờ đây mỗi bữa cơm gia đình còn thiếu vắng đi 1 thành viên, cảm giác lạnh lẽo sao cứ mãi bao trùm lên căn nhà nhỏ này…” – bà Tuyết nghẹn ngào.

                
      
Ban ATGT tỉnh đến thăm hỏi, động viên gia    đình của em Võ Tuấn Kiệt (xã Bắc Ruộng, huyện Tánh Linh).

Người dân quanh đây ai cũng biết, vợ chồng bà Tuyết tuy có đến 3 người con, nhưng hầu hết đều đi học và lập gia đình, làm ăn xa, chỉ còn em Nguyễn Việt Đức (17 tuổi) là con trai thứ 2 sống với cha mẹ, nhưng không may em bị TNGT và ra đi cách đây vài tháng. Do mất mát quá đột ngột, bà Tuyết không dám tin vào những gì đang xảy ra, bà thường tìm đến hiện trường nơi xảy ra sự việc, nhìn những đường sơn trắng nguệch ngoạc giữa nền đường, bà lại thầm trách bản thân không ngăn cản con lái xe ra đường, trách sự bất cẩn, một phút sai lầm của người cầm lái đã đóng sập bao nhiêu dự định, hoài bão phía trước của một đời người. Có lẽ nỗi đau ấy sẽ còn kéo dài trong lòng, dài hơn cả tháng năm bà đã vất vả nuôi con khôn lớn.

Gánh chịu những hệ lụy mà TNGT mang lại, chị Nguyễn Thị Lưu Luyến (ngụ tại xã Mê Pu, Đức Linh), dù chỉ mới hơn 30 tuổi nhưng bất đắc dĩ phải đóng vai trò vừa làm cha, vừa làm mẹ. Chồng chị là anh Nguyễn Văn Trung (36 tuổi), là người đàn ông mẫu mực, hết lòng yêu thương vợ con. Ở địa phương, anh Trung còn là tổ trưởng tổ 5, thôn 1 của xã Mê Pu, luôn được bà con yêu quý vì sự năng nổ, nhiệt huyết với công việc. Thế nhưng, TNGT không chừa một ai, anh Trung ra đi vĩnh viễn để lại cho chị Luyến một khoản nợ và 2 con nhỏ, đứa học lớp 2, đứa thì lớp 7.

Bần thần nhìn di ảnh của chồng, nghĩ về các con bỗng chốc phải sống trong phận mồ côi cha, lòng chị Luyến lại cảm thấy đau nhói, chị kể: “Sáng hôm ấy, chồng tôi vẫn vui vẻ chở con đi học rồi mới đi làm, buổi tối còn gọi điện thoại bảo rằng sẽ về sớm. Thế nhưng sau cuộc gọi ấy, chồng tôi bị TNGT khi đang trên đường về nhà. Lúc đó do trời tối, hạn chế tầm nhìn nên anh bị vướng chân vào một giỏ quà được chở trên một chiếc xe máy chạy cùng chiều, khiến anh té ngã xuống đường và tử vong”.

Nói về khoản nợ, vợ chồng chị Luyến dành dụm được một khoản tiền, đánh liều mượn thêm để xây căn nhà cấp 4 cho các con có chỗ ở đàng hoàng. Những dự tính về tương lai, về công việc làm ăn để sớm trả được số nợ và cùng nuôi dạy các con bỗng chốc trở nên dang dở. Có những lúc người phụ nữ ấy tưởng như đã gục ngã, nhưng nghĩ đến các con, chị vẫn phải cố gắng nén nỗi đau vào lòng để đứng vững, dẫu biết rằng ngày mai chị và các con sẽ đối mặt với biết bao khó khăn, sóng gió, khi mà gia đình thiếu vắng một “trụ cột” vững chắc.

Vì người ở lại

Những hoàn cảnh kể trên chỉ là số ít trong số hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn gia đình có người thân bị TNGT. Có lẽ sẽ không có nỗi đau nào làm cho người ta bàng hoàng, sững sờ hơn là nỗi đau mất mát vì TNGT. Vừa dắt xe ra khỏi nhà, người chồng không quên dặn vợ: “Đợi anh về rồi gia đình mình cùng ăn tối”, hay câu nói vội vàng trong điện thoại của người mẹ: “Con đợi đấy, mẹ đang đến đón con”; những câu trấn an của người con: “Cha, mẹ yên tâm, con sẽ về sớm thôi”, không ai có thể ngờ rằng đó có thể là lời nói sau cùng của họ trên cõi đời này…

Thiết nghĩ “phía trước tay lái là sự sống”, “hãy lái xe bằng cả trái tim”, “nhanh một phút, chậm cả đời”, những khẩu hiệu, lời kêu gọi sẽ không bao giờ là thừa đối với chúng ta và cũng là những lời cảnh báo sâu sắc nhất cho mỗi người khi tham gia giao thông.

Để chia sẻ nỗi đau với các gia đình có người thân bị TNGT và gửi gắm thông điệp “Tưởng nhớ người đi, vì người ở lại”, vừa qua Ban An toàn giao thông tỉnh đã tổ chức đi thăm hỏi, động viên, trao quà hỗ trợ cho gần 50 gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những hoạt động thường niên nhằm hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT”. Ông Huỳnh Ngọc Thanh - Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh chia sẻ: Bên cạnh việc chia buồn sâu sắc về những mất mát không gì bù đắp được và động viên các gia đình vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống, thông qua hoạt động, chúng tôi còn tuyên truyền cho mọi thành viên trong gia đình, khu xóm, cộng đồng nâng cao ý thức, tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông, qua đó góp phần giảm thiểu TNGT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

    
    Thống kê   trong 11 tháng của năm 2019, cả nước xảy ra 15.885 vụ TNGT, làm chết   6.975 người, bị thương 12.144 người. Tức trung bình mỗi ngày có khoảng   20 người ra đường và vĩnh viễn không trở về nhà.

Khánh Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để không còn những nỗi đau vì TNGT